Tôi là đứa học trò mà cô nhớ nhất vì thành tích khóc nhiều. Làm toán sai, đọc sai, viết sai là khóc, bạn trêu, mẹ đón trễ… cũng khóc. Khóc cho có tên “mít ướt” trong lớp, khóc đến nổi tiếng có “fan” thầy cô , bạn bè trong trường “hâm mộ”.
Một lần mẹ đi công tác nhờ cậu đưa đón tôi, thấy cô hay lấy khăn lau vết mực trên mặt tôi, cậu hỏi cô và biết chuyện về mách cho ngoại tôi, làm mẹ bị ông giận lây, mắng te tát: “Mẹ mày văn chương dữ à! Con gái mà đặt tên Vũ nó khóc cả đời cho biết”. Tuy vậy, nhưng tôi là đứa học trò giỏi xếp thứ nhì của lớp. Cô bảo tôi học trội hơn Tâm - đứa bạn xếp thứ nhất vì tôi hơi thụ động và hay khóc nên có phần bị thua thiệt.
Cô thương yêu học trò nhưng không kém phần nghiêm khắc, trong giờ học mà không nghiêm túc là cô trách phạt ngay… Sang năm học lớp hai cả lớp tôi vui như mở hội vì được cô tiếp tục dạy dỗ - cuối năm học ấy tôi mới biết cô đã xin Ban giám hiệu để tiếp tục dạy chúng tôi thêm một năm nữa, nhưng không hiểu nguyên nhân sâu xa nào khiến cô lại tỏ ra đặc biệt yêu thương cái lớp Một - A đến thế. Sau này lớn hơn, tôi suy nghĩ có lẽ cô muốn dành hết tình cảm và công sức của năm cuối cùng trong cuộc đời nhà giáo cho một lớp học khá, ngoan, nhiều gương mặt “ triển vọng” trong tương lai như lời cô đã nói.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ấy, cô hát cho cả lớp tôi nghe bài “Bụi phấn”. Giọng cô trong veo và thánh thót, khiến tôi mơ màng như thể nhìn thấy lời hát đó nối lại được với nhau, thành một dải lụa âm thanh mềm mại, uốn lượn nhẹ nhàng qua khung cửa lớp, rồi bay vút lên giữa khoảng trời xanh mênh mông kia. Tôi đã yêu say sưa câu hát: “Thầy em tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn cho em bài học hay...” là bởi giọng hát ngân nga của cô tôi như nàng tiên cá trong truyện cổ tích.
Cô tôi viết chữ đẹp lắm! Chúng tôi vẫn thường tranh nhau xem ai viết chữ gần giống cô nhất. Và những tưởng đó chỉ là trò ganh đua của lũ trẻ con lớp tôi, không ngờ cuối năm đó nhà trường tổ chức cuộc thi “Nét chữ đẹp” hẳn hoi. Lần thi đó đã để lại trong tôi một kỉ niệm đẹp của năm tháng tuổi măng non - dấu son trong tình cảm giữa tôi và cô, tôi đã đạt giải Nhất, giải thưởng ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Trong lễ chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng tuyên dương và phát phần thưởng cho tôi, những tràng vỗ tay vang dội của bạn bè ở giây phút đó mãi mãi sống trong hồi ức của tôi. Khi tôi nhận phần thưởng có cô giáo đã nói: “Học trò của cô Cam đạt giải Nhất chữ đẹp là đúng rồi”. Trong suy nghĩ non nớt ngày đó, tôi cũng hiểu được mình đã không làm mất uy tín của cô - một giáo viên dạy giỏi, viết chữ đẹp nhất trường.
Sau năm đó, cô tôi về nghỉ hưu. Những cánh chim non trong cái “tổ Hai - A” cũng chia ra dần ở những lớp trên và các cấp học về sau rồi trưởng thành bay xa theo vùng trời mơ ước riêng. Thỉnh thoảng trên những đường bay đó, tôi cũng hội ngộ vài cánh chim của cái “tổ Hai - A” ngày nào. Bạn bè gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, mỗi người có một ngành nghề, hoàn cảnh khác nhau nhưng điều đáng quý là các bạn không đi với trái những điều mà cô từng dạy dỗ. Quyển học bạ của tôi còn nguyên nét chữ năm nào của cô “Giỏi, chăm ngoan, còn nhút nhát nên đôi khi bị thiệt thòi. Phải mạnh mẽ lên con nhé!”.
Cũng vì cái tính nhút nhát thiếu tự tin đó, khiến tôi một đôi lần đánh mất cơ hội trong sự nghiệp và tình yêu. Bây giờ đọc lại những dòng chữ này, tôi càng thấm sâu lời dạy của cô là phải sống mạnh mẽ, bản lĩnh hơn trước cuộc đời - vì trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ nhút nhát.
Một chiều mùa hạ với nhiều hoài niệm đan xen, tôi lại về thăm cô sau ba mươi năm xa mái trường tuổi nhỏ. Tôi đưa tay gõ nhẹ vào cửa nhưng không dám chắc có phải nhà cô không - vì ngôi nhà đã được xây mới, cảnh trí xung quanh cũng thay đổi nhiều. Bên trong im ỉm hồi lâu mới nghe tiếng dép lẹp bẹp, chầm chậm, lòng tôi bồi hồi với nhiều cảm xúc. Nếu cánh cửa này mở ra và người bên trong không phải là cô hoặc giả cô không còn ở đây hay trên đời này thì trông tôi sẽ đáng thương biết chừng nào. Niềm hy vọng của tôi trong lúc này chẳng khác gì những bước chân sắp gục ngã của một người lạc giữa đêm rừng sâu, giá rét mơ ảo ảnh ngôi nhà với bếp lửa hồng đang rực cháy.
Cánh cửa mở ra làm đứt dòng suy nghĩ của tôi để sự ngỡ ngàng về trong đôi mắt, cô đứng đó, nhỏ nhắn, hiền lành, thanh đạm - khí khái của một nhà giáo, mái tóc bây giờ đã bạc trắng như bà tiên trong những câu chuyện cổ tích cô kể năm xưa.
Cô nhìn tôi cười hiền:
- Cháu muốn gặp ai?
Tôi ấp úng:
- Thưa cô, em là học trò của cô, em…
Cô mỉm cười đỡ lời tôi:
- Vậy à, cô mời em vào nhà.
Tôi bước chầm chậm theo sau cô, phòng của cô tôi thật đơn giản, chiếc giường nhỏ kê bên cửa sổ, cái giá sách và bàn viết của cô vẫn còn nguyên như thuở nhỏ tôi nhìn thấy mỗi khi mẹ đưa tôi đến thăm cô.
Cô kéo ghế mời tôi:
- Ngồi đi em!
- Dạ - tôi còn đang lóng ngóng.
Cô lại hỏi:
- Em tên gì, cô dạy em năm nào? Xin lỗi em học trò nhiều quá cô không nhớ hết.
Tôi khẽ đáp:
- Thưa cô, cô còn nhớ hai năm cuối cùng cô dạy một lớp có con bé khóc nhiều đến nổi tiếng cả trường không ạ?
Cô ngập ngừng vài giây và reo lên:
- Cô nhớ rồi! Bé Vũ.
- Thưa cô em đây ạ.
- Trời ơi, cao thế này sao, để cô nhìn kĩ em xem.
Câu nói của cô vừa dứt cũng là lúc những giọt nước mắt của tôi lăn dài trên má, cô nhìn tôi xúc động ngập ngừng vài giây rồi khẽ đưa tay lên khuôn mặt tôi và nói:
- Ngày xưa mỗi lần em khóc, cô cúi xuống lau mắt cho em, bây giờ lau mắt cho em cô phải với tay lên rồi. Con bé này hư lắm, khóc từ bé đến lớn.
Cô và tôi cùng cười trong niềm xúc động khôn nguôi.
Cô trò chúng tôi hàn huyên cả một buổi chiều, đến lúc tiễn tôi ra về, cô còn cho tôi gói kẹo như ngày xưa mỗi lần đến nhà cô, lúc ra về trên tay tôi đều có một gói kẹo như thế.
Tạm biệt cô, tôi bước lang thang trên con phố đã lên đèn với chút chạnh lòng. Tôi sợ thời gian tàn nhẫn để mình cao lớn hơn như lời cô nói và sẽ lấy mất đi cô tôi – bà tiên tóc trắng hiền từ mà tôi vừa gặp lại. Trước khi qua lối rẽ con đường khác, tôi khẽ quay đầu nhìn lại một lần nữa về hướng ngôi nhà có cô tôi, để nghe kí ức lại ùa về hình ảnh cái “tổ Hai - A” với những chú chim non đang nghiêng đầu qua lại theo giọng hát của cô tôi, “…mai sau lớn nên người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ”.