Trước đó, cụ thể là năm 2015, 2016 các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thông tin sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm trên nhưng xem ra vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Bãi rác xã Đông Thắng có diện tích 6,2 ha, được bố trí 11 ô chôn lấp rác, 4 ô xử lý nước rỉ rác và đất dự trữ gần 9.000 mét vuông cùng với 6 lò đốt (trong đó có 3 lò đang hoạt động). Đây là điểm tập kết, tiếp nhận và xử lý rác của 4 quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ.
Gần hai năm qua, các hộ dân xung quanh khu vực bãi rác Đông Thắng phải gánh chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng bởi tình trạng rác phân hủy bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi sinh sôi. Nhiều người dân cho biết: Mùi hôi lan tỏa trên diện rộng, các hộ gia đình trong phạm vi bán kính hơn 1 km đều bị ảnh hưởng tác động mạnh đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt và kinh tế của các hộ gia đình lân cận gây tâm lý hoang mang lo lắng bởi sự đe dọa của nhiều loại bệnh.
Nhiều hộ dân đã tính đến việc di chuyển sang địa phương khác sinh sống để đảm bảo an toàn về sức khỏe. Đáng lo ngại hơn là cạnh bãi rác đang hiện hữu 2 trường học và 1 trạm y tế, vì vậy việc ô nhiễm này sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh và bệnh nhân.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm từ bãi rác Đông Thắng còn ảnh hưởng đến ruộng, vườn của nhiều người dân xung quanh do nguồn nước bẩn rò rỉ xuống kênh mương dẫn đến cá chết, cây trái, ruộng lúa không phát triển.
Trước những bức xúc của người dân, UBND huyện Cờ Đỏ đã làm tờ trình gửi UBND TP Cần Thơ xem xét khắc phục nước rỉ ở bãi rác do lượng nước mưa, làm phát sinh tràn ra đất ruộng, ao mương các hộ dân xung quanh và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan khẩn trương khảo sát hiện trạng và xử lý nước rỉ rác tại bãi rác thuộc khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng, không để nước rỉ rác tràn ra khu vực dân cư xung quanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế hàng trăm hộ dân vẫn cứ phải sống chung cùng rác bẩn với bao hiểm họa đang đe dọa và cũng chưa biết đến bao giờ họ mới được trả lại bầu không khí trong lành như trước đây.