Rác thải lấp đầy ao hồ, chen ngang đường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoa màu, vật nuôi, cuộc sống người dân - đó là hình ảnh dễ bắt gặp ở vùng nông thôn trong những năm gần đây.
Cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn, nguồn rác thải sinh hoạt và rác thải từ hoạt động sản xuất ở những khu vực này đã gia tăng chóng mặt.
Trong khi, công nghệ xử lý rác và ý thức giữ gìn môi trường của người dân chưa cao còn tạo ra áp lực lớn với chính quyền, với cơ quan chuyên môn trong quá trình kiểm soát ô nhiễm rác thải nông thôn.
Ước tính, chi phí xử lý 1 tấn rác thải theo công nghệ tiêu chuẩn là 12 USD. Nhưng ở vùng nông thôn, chi phí xử lý 1 tấn rác thải được quy định là 3,6 USD.
Vì thế, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn hiện nay chủ yếu vẫn được thực hiện dưới 2 hình thức, đó là chôn lấp và dùng lò đốt thủ công với chi phí đầu tư thấp.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, giải pháp chôn lấp không còn đáp ứng đủ số lượng rác thải, thậm chí còn gây ô nhiễm nặng hơn.
Còn về giải pháp thứ 2, kinh phí đầu tư thiếu và vận hành lò đốt sai quy trình là nguyên nhân khiến các lò đốt rác tại vùng nông thôn hiện nay góp phần vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Theo báo cáo từ Văn phòng chỉ đạo quốc gia về xử lý ô nhiễm dioxin của Bộ Tài nguyên Môi trường, hoạt động thiêu đốt được cho là nguồn xử lý rác thải chính chất dioxin và các hợp chất dioxin.
Hàm lượng dioxin trong rác thải của lò đốt phụ thuộc vào các yếu tố chính gồm: loại rác thải, công suất lò đốt, công nghệ xử lý rác thải và nhiệt độ lò đốt.
Đây là những tiêu chuẩn mà các lò đốt rác thải nhỏ vận hành theo công nghệ tự cháy ở các vùng nông thôn chưa thể đáp ứng được.