Ung thư "gõ cửa", 3 thôn náo động

Các Khu công nghiệp (KCN) “mọc lên” trên địa bàn, đời sống kinh tế người dân 3 thôn My Điền 1, 2, 3 (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) khấm khá. Thế nhưng, giờ đây dân My Điền “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi rác thải, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm. Người dân nơm nớp sợ hãi vì “tử thần” ung thư gõ cửa… Riêng thôn My Điền 1 đã có 60 người chết vì “K”.

Ung thư "gõ cửa", 3 thôn náo động

Một năm mất 4 người thân vì ung thư

Bà Thân Thị Ngoan (xóm 6, thôn My Điền 2) kể, sinh thời ông Chuyền chồng bà vốn làm nghề thợ xây. Sức khỏe hơn người, lao động quần quật chẳng mấy khi ông đau ốm. Vậy mà, tháng 3.2015, ông Chuyền thường xuyên mỏi mệt. Phòng khám tư kết luận ông bị viêm loét hành tá tràng.

Uống thuốc hơn 1 tháng, những cơn đau ngày một dữ dội. Vợ chồng “đùm” nhau xuống Hà Nội khám thì chết điếng: Ông bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chỉ 6 tháng từ ngày phát hiện ung thư, ông Chuyền đã nằm xuống. “Tang thương vì chồng chết chưa lâu, cùng một năm tôi liên tiếp đón thêm 3 cái tang các anh, chị họ: Anh Quân, anh Khang bị ung thư gan, chị Tam bị ung thư phổi, đau đớn làm sao”.

ung thu “go cua”, 3 thon nao dong hinh anh 1

Bà Thân Thị Ngoan (trái) và bà La Thị Cấp kể về bi kịch ung thư. Ảnh: P.L

Ung thư trở thành nỗi khiếp hãi đối với gia đình bà Ngoan, bà thảng thốt: “Mấy năm gần đây nhiều người chết vì ung thư lắm. My Điền bây giờ cứ 10 đám đưa ma thì có đến quá nửa chết vì ung thư. Có ngõ vài nhà tang tóc nối nhau…”.

Phía sau nhà bà Ngoan, gia đình bà La Thị Cấp đau xót trước cái chết của đứa cháu nội mới 4 tuổi. Năm 2015, cháu Phùng Bảo Ngọc đột ngột bị sốt dài ngày. Kết quả y học tại Bệnh viện K3 cho thấy, bé Ngọc bị ung thư u nguyên bào thần kinh. Chỉ 2 tháng sau, bé trai kháu khỉnh đã tử vong. Lần giở hồ sơ bệnh án của cháu nội, bà Cấp cứ rưng rưng nước mắt khóc thương.

Cùng gánh chịu nỗi đau ung thư, chị Thân Thị Vân (thôn My Điền 2) bảo, chị không thể nào quên được những cơn đau quằn quại của bố chị - ông Thân Văn Cử. Hai năm trước, ông Cử bị ung thư phải cắt bỏ 3/4 dạ dày. Chưa đầy hai tháng phát hiện bệnh, ông đã tử vong. Lúc hấp hối, ông trăn trối dặn vợ con phải giữ gìn sức khỏe. Chị Vân vẫn khắc khoải câu nói chua xót của người bố trước lúc lâm chung: “Tuổi trẻ lam lũ bán sức khỏe để kiếm tiền, lúc già lại bán tiền mua sức khỏe. Chết vẫn hoàn chết”…

Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Phùng Minh Toản - Trưởng thôn My Điền 1: “6-7 năm qua, ở thôn My Điền 1 đã có tới 60 người chết vì ung thư. Cứ 10 người chết thì 7 - 8 người là nạn nhân ung thư. Các chứng bệnh ung thư đa dạng, tỷ lệ chết trẻ nhiều. Riêng đầu năm 2016 đã có 2 người chết trẻ. Hiện nay, cả 3 thôn đều có nhiều người đang mắc các bệnh ung thư. Điều này khiến chúng tôi nơm nớp lo sợ bệnh tật hoành hành”.

“Vòng vây” ô nhiễm

ung thu “go cua”, 3 thon nao dong hinh anh 2

Nước thải sinh hoạt của cả làng ứ tại con ngòi trước đình. Ảnh: P.L

Từ năm 2003-2008, các KCN Đình Trám, Vân Trung được xây dựng hầu hết trên đất của 3 thôn My Điền và một phần đất của xã liền kề. Theo đó, 82% diện tích đất nông nghiệp của 3 thôn bị thu hồi chuyển đổi mục đích phục vụ công nghiệp, chỉ còn lại 17,5ha. Dân số cả 3 thôn vào khoảng 4.000 người, và 8.000 công nhân thuê trọ.

Hỏi về môi trường sống, ông Lê Xuân Hiệp (Bí thư Chi bộ thôn My Điền 3), ông Toản, bà Cấp, chị Vân, bà Ngoan đều xác nhận vấn đề ô nhiễm môi trường. “Cả 3 thôn đều có chung một bãi rác lớn án ngữ ở đầu làng. Các xóm đều có các rãnh nước thải đen kịt, ứ đọng. Rác thì có tuần được thu gom 2 lần, có khi cả tháng mới thấy người đến gom 1 lần” - bà Ngoan bày tỏ.

6-7 năm qua, ở thôn My Điền 1 đã có tới 60 người chết vì ung thư. Cứ 10 người chết thì 7 - 8 người là nạn nhân ung thư. Các chứng bệnh ung thư đa dạng, tỷ lệ chết trẻ nhiều. Riêng đầu năm 2016 đã có 2 người chết trẻ vì ung thư.

Ông Phùng Minh Toản -
Trưởng thôn My Điền 1

Không chỉ ô nhiễm về rác, người dân My Điền còn đang phải đối mặt với “họa” suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Trước đây, người dân My Điền sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khơi. Thế rồi, nước giếng khơi bị cạn kiệt phải chuyển sang dùng giếng khoan. “Hiện tại nhân dân 3 thôn ở My Điền đều sử dụng nước giếng khoan, nhưng nguồn nước đã cạn kiệt khoảng 50%, gần 100% nguồn nước còn lại bị ô nhiễm”.

Ô nhiễm nước mà ông Trưởng thôn My Điền 1 và nhiều người dân các thôn khẳng định, đó là tình trạng nước bơm lên vàng chóe, áo trắng cho vào giặt ngả màu ố vàng. Đổ chén nước chè vào một thau nước, thau nước liền đổi màu tím đen. Theo ông Toản, một vài xét nghiệm tư nhân đã được thực hiện, kết quả nguồn nước bị nhiễm sắt, nhiễm vôi và nhiễm khuẩn. “Nguồn nước ô nhiễm kéo theo các hiểm họa về bệnh tật. Có thể vì thế mà tình trạng ung thư ngày càng gia tăng”.

“Thực địa” ở các thôn My Điền 1, 2, 3, chúng tôi dễ dàng bắt gặp các mương rãnh nước đen kịt. Con ngòi lớn chạy dọc cửa làng là nơi nước thải sinh hoạt của tất cả các hộ dân trong làng đổ ra, ứ tù ô nhiễm. Rác nổi lềnh bềnh, dân My Điền bảo, chẳng cá nào sống nổi ở con ngòi nước đen ấy…

Tiếp tục “hít rác”, “khát nước” và “mặc” ung thư?

Sống chung với ô nhiễm rác, nguồn nước và bệnh tật, người dân các thôn My Điền 1, 2, 3 đang loay hoay tự tìm cách “cứu mình”. Bởi lẽ, nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn mòn mỏi chờ nước sạch và những hành động thay đổi môi trường sống từ phía chính quyền. Nhưng, mòn mỏi rồi lại mỏi mòn…

“Năm 2008, một dự án do tỉnh đầu tư xây trạm nước sạch cho thôn, tại khu vực Nghè (sau Trường Tiểu học Hoàng Ninh 3-PV). Trạm đã xây xong, ống dẫn mắc hết đến cổng nhà dân, không hiểu sao 2 năm nay dự án ngừng hẳn. Trạm nước bỏ hoang, lãng phí hàng tỷ đồng”- Trưởng thôn My Điền 1 bày tỏ.

Nước đã vậy, rác càng khó. Người dân loay hoay chẳng biết nên xử lý thế nào. Người hiến kế phát động phong trào “hạn chế xả rác”, người lại cho rằng nên mang đi xa đổ. Cách nào cũng không ổn, bởi chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Đem những vấn đề trên tới UBND xã Hoàng Ninh đối thoại, ông Lê Văn Bắc - Chủ tịch UNBD xã nói: “Thực ra cũng không có gì đâu, không biết đồng chí nghe thông tin từ đâu”. Theo ông Bắc, do mới về công tác ông chưa nghe thấy cũng không nắm được thông tin ô nhiễm môi trường, bệnh ung thư ở các thôn My Điền.

“Vấn đề bãi rác, hiện xã đang khó khăn trong việc tìm vị trí chuyển. Cũng khó khăn tìm các tổ tập kết thu gom rác, bởi nguồn kinh phí có hạn không đáp ứng được ngày công cho người thu gom. Về nước không đến nỗi váng nổi, dù khó khăn là có thật, người dân vẫn sinh sống bình thường” - ông Bắc nói.

Ông Bắc khẳng định ông chưa nghe dân phản ánh bệnh ung thư trên địa bàn. “Tất cả người trên địa bàn huyện nói chung mất do bệnh hoặc già, chứ chưa thấy nói bị ung thư”.

Trao đổi về vấn đề bệnh ung thư ở các thôn My Điền, ông Nguyễn Công Huân - Trưởng phòng Y tế huyện Việt Yên khẳng định hàng năm không có khảo sát tại xã Hoàng Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Điệp - Phó Trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Việt Yên thì cho biết, khảo sát đánh giá tác động môi trường chỉ có kế hoạch ở làng Phúc Lâm từ năm 2008, vì ở Phúc Lâm ô nhiễm. “Ở Hoàng Ninh chưa có kế hoạch, kinh phí cũng không có”. Ông Điệp cho rằng, huyện chưa chính thức nhận được phản ánh của bà con về ô nhiễm. “Nếu khảo sát đánh giá cũng khó bởi nó liên quan rất nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, nguồn kinh phí của huyện đầu tư cho môi trường bây giờ đang rất khó khăn nên cố gắng năm nay tập trung việc thu gom rác thải” - ông Điệp nói.

Có lẽ người dân 3 thôn My Điền vẫn phải chờ đợi những “phép màu” từ các cơ quan chức năng huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Rời My Điền, ánh mắt thẫn thờ nhìn ra con ngòi tối đen như mực của ông Phùng Minh Toản cứ ám ảnh người viết bài. Vài tháng trước đây, ông Toản được bầu làm trưởng thôn, là niềm hy vọng “thay đổi bộ mặt địa phương” của bà con nông dân. Vậy nhưng, giờ đây chính ông cũng loay hoay chưa tìm được “ánh sáng”…

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.