Buồn bởi đây không phải chuyện lạ. Đến hẹn lại lên, mỗi mùa tuyển sinh, việc này lặp lại ở mức độ khác nhau. “Kinh nghiệm” xếp hàng đặt số từ đêm hôm trước dường như đã được phụ huynh truyền lại cho nhau từ năm này qua năm khác.
Một trong những mùa tuyển sinh đáng nhớ vào năm 2010 với lứa “heo vàng” (sinh năm 2007). Nhiều trường mầm non công lập ở Hà Nội kín đặc phụ huynh xếp hàng từ đêm, bất chấp cái oi bức của mùa Hè. Hai năm sau, hàng trăm phụ huynh lại xô đổ cổng Trường Thực nghiệm sau đêm dầm mưa xếp hàng đợi mua hồ sơ. Đến nay, hình ảnh cánh cổng trường bị đạp đổ vẫn là ví dụ kinh điển cho sức nóng tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội.
Nhưng câu chuyện của Trường Marie Curie năm nay, ngoài sức nóng tuyển sinh, còn gợi cho chúng ta nhiều vấn đề khác đáng suy ngẫm.
Trước hết, về phía phụ huynh. Nhiều người chia sẻ sẵn sàng dành nhiều tiếng chờ đợi, kể cả đêm hôm để con có được môi trường học tập ưng ý. Tâm lý trường điểm, chọn trường nhiều năm qua vẫn không mấy thay đổi. Để con được học “trường tốt”, nhiều phụ huynh sẵn sàng chấp nhận trường xa nhà, học trái tuyến, cho con học lò luyện từ sớm để vượt qua kỳ thi đầu vào…
Môi trường học tập tốt là mong muốn chính đáng, chỉ có điều, phải tốt cho người học, con trẻ, không phải để thỏa mãn tâm lý cha mẹ. Có tốt cho trẻ hay không nếu các em phải học thêm quá sớm; mệt mỏi vì mất nhiều thời gian cho việc di chuyển từ nhà đến trường, trường về nhà? Cuộc đua trường tốt còn khiến bức tranh giáo dục bị méo mó, nảy sinh vấn nạn mua suất, chạy trường…
Với Trường Marie Curie cũng có nhiều câu hỏi đặt ra: Hiện tượng canh cổng trường suốt đêm để mua hồ sơ diễn ra không chỉ năm nay, sao nhà trường không có giải pháp khắc phục, ví dụ như đăng ký trực tuyến - cách làm mà Hà Nội đã triển khai hiệu quả trên diện rộng? Câu trả lời từ đại diện nhà trường “lo hồ sơ ảo” có đủ sức thuyết phục? Vì sao trường phát hành hồ sơ vào tháng 2, quá sớm so với lịch tuyển sinh? Yếu tố thời gian cũng trở thành nguyên nhân thu hút đông phụ huynh vì tâm lý “ăn chắc” một suất cho con vào lớp 1.
Việc bán hồ sơ sớm hơn thời gian thông báo có công bằng với những phụ huynh khác và liệu có tạo tiền lệ xấu cho những năm sau, khuyến khích phụ huynh đến sớm xếp hàng? Thậm chí có ý kiến băn khoăn, đây là cách làm thương hiệu, đánh bóng tên tuổi của nhà trường, gây nhầm lẫn giữa thương hiệu và chất lượng?...
Trước thực trạng này, đã có một số hiến kế từ phụ huynh, nhà giáo, chuyên gia để hạn chế cảnh xếp hàng thâu đêm trước cổng trường. Trong đó có việc quy định khung thời gian tuyển sinh thống nhất giữa các trường; tổ chức tuyển sinh phù hợp, khoa học, ví dụ thông báo chỉ mở cửa và nhận đơn vào giờ hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh, trong đó có nộp hồ sơ trực tuyến… Quan trọng nhất là xây dựng đủ trường lớp và có giải pháp để rút ngắn khoảng cách chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng giữa các trường…
Trong khi chờ các biện pháp từ cơ quan quản lý, sự điều chỉnh của nhà trường, thì chính phụ huynh hãy là người thay đổi hiện trạng này. Nếu phụ huynh thay đổi được tư duy, quan điểm là cách nhanh nhất để hạn chế bức tranh không đẹp trong giáo dục tái diễn mỗi năm vào dịp tuyển sinh.