Bức di chúc của nạn nhân tố cáo kẻ giết người

GD&TĐ - Sau khi Shari bị bắt cóc, gia đình nhận được một bức di nguyện có chữ viết của cô, đề nghị đóng chặt nắp quan tài trong tang lễ của mình.

Debra (trái) và Shari (phải) là hai nạn nhân của Larry Gene Bell.
Debra (trái) và Shari (phải) là hai nạn nhân của Larry Gene Bell.

Nhờ bức thư này, cảnh sát đã lần ra manh mối của kẻ giết người, kết thúc cuộc điều tra sau gần một tháng truy lùng.

Vụ án cô gái trẻ mất tích

Ngày 31/5/1985, Shari Smith, 17 tuổi, sống tại hạt Lexington, bang Nam Carolina, tốt nghiệp Trường Trung học Lexington đã đến nhà một người bạn để tổ chức tiệc. Vào 15 giờ 38 phút chiều, cô gái trẻ trở về nhà trên đường Platt Springs.

Từ khung cửa sổ, ông Bob, cha của Shari nhìn thấy xe của con gái đang di chuyển cách ngôi nhà chính khoảng 200m. Khoảng 5 đến 10 phút sau, ông Bob không nghe thấy tiếng Shari bước vào nhà. Nhìn ra cửa sổ một lần nữa, ông thấy xe của Shari đỗ ở bên ngoài nên vội chạy ra.

Cửa xe mở toang, động cơ vẫn nổ. Điện thoại và ví tiền của Shari vẫn còn trên băng ghế trước. Có dấu chân trần dẫn từ cửa bên ghế lái đến hòm thư nhưng không có dấu chân quay lại. Các phong thư nằm vương vãi dưới nền đất. Tuy nhiên, Shari Faye Smith đã hoàn toàn biến mất.

Nỗi lo ập đến bởi Shari không phải kiểu người nổi loạn sẽ bỏ nhà ra đi. Cô gái trẻ hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, yêu gia đình và luôn háo hức được trải nghiệm cuộc sống đại học. Hơn nữa, Shari bị tiểu đường và không thể bỏ đi nếu không có thuốc bên người. Sự việc lập tức được báo cho Sở Cảnh sát hạt Lexington.

Qua khám nghiệm hiện trường, cảnh sát chú ý đến những dấu chân quanh hòm thư và các phong thư rơi vãi. Họ phỏng đoán Shari ra khỏi xe lấy thư và bị bắt cóc. Do gia đình Smith vốn giàu có, sự việc ban đầu được nhận định là bắt cóc tống tiền.

Ngay lập tức, các nhà điều tra từ Sở Cảnh sát hạt Lexington đã phát động một cuộc truy vết rộng rãi. Vào thời điểm đó, đây là sự kiện lớn nhất diễn ra trong lịch sử bang Nam Carolina nhưng vẫn không có bất kỳ manh mối nào về tung tích của Shari.

Sự cố diễn ra đột ngột khiến gia đình Smith phát điên vì lo lắng. Họ công khai đứng ra cầu xin kẻ bắt giữ thả tự do cho Shari và hứa sẽ trả tiền chuộc hậu hĩnh. Nhưng đáp lại, họ chỉ có thể chờ đợi.

Lá thư ước nguyện cuối cùng

Bức di chúc được cho là do Shari viết.
Bức di chúc được cho là do Shari viết.
Trong thư, Shari muốn đóng kín nắp quan tài trong tang lễ của mình.
Trong thư, Shari muốn đóng kín nắp quan tài trong tang lễ của mình.

Hai ngày sau khi Shari mất tích, vào tối ngày 2/6, gia đình Smith nhận được cuộc điện thoại từ người đàn ông lạ mặt. Hắn ta yêu cầu được nói chuyện với mẹ của Shari và tỏ vẻ xin lỗi vì đã bắt cô. Để khiến gia đình tin tưởng, hắn ta còn miêu tả lại bộ đồ mà Shari đã mặc hôm biến mất.

Theo lời của kẻ lạ mặt, hắn và Shari rất “tâm đầu ý hợp” và họ đang theo dõi cuộc điều tra bắt cóc trên truyền hình cùng nhau. Không yêu cầu bất kỳ khoản tiền chuộc nào, hắn nói rằng gia đình Smith sẽ nhận được một bức thư vào ngày hôm sau.

Sáng hôm sau, cảnh sát thấy bức thư gửi qua đường bưu điện đến gia đình ông Smith. Trên hai tờ giấy màu vàng là dòng chữ được cho là chữ viết tay của Shari. Ở phía trên cùng, cô gái đề: “Di chúc và nguyện ước cuối cùng”.

Đầu thư, Shari bày tỏ sự biết ơn, kính trọng đối với hai đấng sinh thành và tình yêu to lớn cô dành cho họ. Ước nguyện của nữ sinh 17 tuổi là những người thân yêu sẽ thôi đau buồn vì sự ra đi vĩnh viễn của mình. Tại đám tang, cô yêu cầu một quan tài đóng kín để không ai có thể nhìn vào trong.

Ngày tiếp theo, kẻ bắt cóc liên tục gọi điện cho gia đình và yêu cầu gia đình và phía cảnh sát dừng cuộc tìm kiếm. Hắn khẳng định nạn nhân vẫn khỏe mạnh bình thường. Cả hai đều đang hạnh phúc và hòa thuận. Điều này khiến gia đình Smith nuôi hy vọng được nhìn thấy Shari còn sống trở về.

Sang đến ngày thứ năm kể từ khi Shari mất tích, kẻ bắt cóc tiếp tục gọi điện. Lần này, hắn nói cảm thấy thích thú với chị gái của Shari. Đến sáng ngày tiếp theo, hắn gọi lại cho bà Smith, yêu cầu bà lắng nghe cẩn thận rồi hướng dẫn địa chỉ đến nơi Shari được thả.

Các thám tử đã làm theo chỉ dẫn mà kẻ bắt cóc cung cấp. Những gì họ tìm thấy đã xác nhận nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của mọi người. Thi thể của Shari chính xác ở nơi mà người đàn ông nói, đằng sau một nhà nghỉ Masonic cũ ở hạt Saluda, cách gia đình Smith 29 km về phía Tây.

Khám nghiệm tử thi cho thấy, Shari đã tử vong khoảng 4 ngày. Trên thực tế, giám định y khoa ước tính rằng cô đã bị giết khoảng 12 giờ sau khi bị bắt cóc và chết vì ngạt thở.

Sau đám tang của Shari, kẻ bắt cóc vẫn tiếp tục gọi điện thách thức gia đình nạn nhân và cảnh sát. Hắn miêu tả quá trình dùng súng uy hiếp, bắt cóc, cưỡng hiếp và cuốn băng dính khiến Shari ngạt thở.

Nạn nhân tiếp theo

Chân dung hung thủ Larry Gene Bell.
Chân dung hung thủ Larry Gene Bell.

Cơ quan điều tra đã lập hồ sơ chi tiết về hung thủ sát hại Shari. Họ phân loại hắn ta là “kẻ giết người có tổ chức” vì thể hiện sự tinh vi trong phương pháp bắt cóc, giết người và có thể đã lên kế hoạch cho vụ án này trong một thời gian. Hắn ta có khả năng đã phạm tội hoặc là tội phạm tình dục.

Theo phác họa của cơ quan điều tra, hung thủ có tuổi đời khá trẻ, từ cuối 20 đến đầu 30, da trắng, thừa cân, có phong cách giản dị. Người này có thể đã kết hôn nhưng hiện tại đã ly hôn hoặc đang ly thân. Trí thông minh trên mức trung bình.

Do giọng nói trên điện thoại đã bị bóp méo bằng thiết bị điều chỉnh tốc độ âm thanh, cảnh sát kết luận rằng người này có khả năng hiểu biết về lĩnh vực điện tử. Đặc biệt, ở cuộc gọi thứ hai, cảnh sát đã lần ra địa điểm là một buồng điện thoại công cộng ở gần hiệu thuốc trung tâm Lexington.

Do công nghệ những năm 1980 còn nhiều hạn chế, phải mất ít nhất 15 phút sau, cảnh sát mới đến nơi nên kẻ bắt cóc đã không còn ở đó.

Cơ quan điều tra cho rằng, tên giết người đã cố tình kéo dài thời gian khiến thi thể của Shari bị phân hủy. Động cơ đằng sau nhằm xóa đi các bằng chứng hung thủ để lại, gây khó dễ cho quá trình điều tra. Bức thư viết tay cũng không đem lại bất kì manh mối nào khiến vụ án đi vào ngõ cụt.

Từ việc phân tích các cuộc gọi, các thám tử tin rằng, hắn ta đang đọc lại một kịch bản đã viết sẵn. Do đó, dù không thể hiện sự bốc đồng, đôi khi hắn ta đọc bị vấp, phải nhắc lại câu hoặc lặp đi lặp lại một cụm từ.

Hung thủ không chỉ nhắm mục tiêu vào Shari mà rất có thể, hắn ta sẽ tiếp tục giết người nếu không bị bắt. Hắn ta say sưa với cảm giác được thao túng, kiểm soát gia đình nạn nhân từ các cuộc điện thoại.

Hai tuần sau cái chết của Shari, ngày 14/6, tên sát nhân lại gọi đến nhà Smith và nói tên một nạn nhân khác là Debra May Helmick. Cảnh sát nhanh chóng tìm ra địa chỉ của gia đình bé gái 10 tuổi này nằm ở hạt Richland, cách nhà Smith 38,4 km.

Theo lời kể của hàng xóm, vào buổi sáng hôm đó, Debra đang chơi bên ngoài với những đứa em trong khi cha cô bé bận việc trong nhà. Rồi một chiếc xe lạ bất ngờ dừng lại và kéo Debra lên xe.

Do gia đình Debra không có điện thoại, kẻ sát nhân tiếp tục thông qua các cuộc gọi đến nhà Smith để thông báo cho cảnh sát các chỉ dẫn vô cùng cụ thể. Từ đó cảnh sát có thể tìm thấy địa điểm đặt xác nạn nhân đã bị phân hủy nhiều ngày.

Manh mối lật tẩy tội ác

Hiện trường nơi Shari mất tích.
Hiện trường nơi Shari mất tích.

Khi mọi việc đang rơi vào bế tắc, ông Mickey Dawn, người chịu trách nhiệm điều tra tại Phòng Điều tra tội phạm bang Nam Carolina bất ngờ phát hiện một điểm mới trong bức thư của Shari. Theo đó, bức thư được viết trên giấy ghi nhớ và có một số chữ bị in đè của tờ giấy trước.

Qua giám định pháp y, cơ quan điều tra đã thu thập được một vài ký tự gần giống như số điện thoại. Trong 10 số của dãy số điện thoại, 9 số đầu tương đối rõ nhìn nhưng số thứ 10 bị mờ. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là manh mối hết sức khả quan.

Nhóm điều tra đã lần lượt gọi cho 10 số điện thoại với số thứ 10 thay đổi từ 0 đến 9 và hỏi người nghe điện thoại có quen ai sống ở bang Nam Carolina hay không. Trong đó, cảnh sát phát hiện một người trả lời rằng có bố và mẹ sống ở Nam Carolina, cách gia đình Shari khoảng 24 km.

Bố anh là Ellis Sheppard, 50 tuổi, làm nghề kỹ sư điện. Lịch sử cuộc gọi chỉ ra rằng một số cuộc gọi đến nhà Smith sau khi Shari bị bắt cóc xuất phát từ nhà Ellis. Cảnh sát lập tức cho thẩm vấn ông chủ nhà.

Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc ông bà Ellis đang đi du lịch xa còn người con trai đang phục vụ trong quân ngũ nên được coi là có bằng chứng ngoại phạm. Cảnh sát chuyển sang tình nghi Larry Gene Bell, thợ sửa dây điện làm việc trong xưởng của ông Ellis.

Hắn nhận trông coi nhà cửa trong 6 tuần khi ông bà Ellis đi nghỉ lễ. Trước khi đi, ông Ellis đã ghi lại cho Larry những số điện thoại có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có số người con trai mà cảnh sát phát hiện.

Chữ trên mẩu giấy hoàn toàn trùng khớp với các kí tự hằn lên trên bức thư của Shari. Điều này chứng tỏ rằng, cô đã dùng tờ giấy ngay dưới tờ danh sách số điện thoại mà ông Ellis đã viết. Tại nhà của ông bà Ellis, cảnh sát đã tìm thấy sáu sợi tóc vàng trong nhà tắm mà các nhà phân tích đã cho biết chúng tương tự với tóc của Shari.

Tem dán trên bức thư gửi qua bưu điện đến nhà Smith cũng trùng với loại tem trong ngăn kéo tủ của ông Ellis. Do đó, ngày 27/6/1985, 28 ngày sau khi bắt cóc và sát hại Shari, Larry bị bắt dù hắn ta luôn phủ nhận các cáo buộc bắt cóc và giết người.

Với nhiều bằng chứng rõ ràng, tòa tuyên Larry phạm tội Bắc cóc, Giết người cấp độ một và phạt án tử hình vào ngày 4/10/1996. Tuy nhiên, hắn không bị kết tội trong vụ án bé Debra do chưa đủ bằng chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.