“Kẻ sát nhân tắm axit” và chuỗi án mạng liên hoàn

GD&TĐ - Đổ vấy cho tuổi thơ bị chèn ép bởi gia đình, John Haigh đã đánh mất nhân tính, nhẫn tâm ra tay sát hại 6 người và phi tang xác nạn nhân trong các thùng phuy axit.

John Haigh (phải) bị bắt vì sát hại bà Olive.
John Haigh (phải) bị bắt vì sát hại bà Olive.

Đến nay, hắn vẫn được nhắc đến với biệt danh máu lạnh “kẻ sát nhân tắm axit”.

Tuổi thơ vây hãm

Tháng 2/1949, cảnh sát đột kích vào một nhà kho trên đường Leopold, West Sussex, Anh, thuộc sở hữu của ông John George Haigh. Bên trong nhà kho ẩm mốc, họ tìm thấy một số thùng phuy dung tích 150 lít và các thùng hóa chất chứa dung dịch axit sulfuric đậm đặc. Bên ngoài, họ tìm thấy một phần bàn chân người, sỏi mật và bộ răng giả của nạn nhân. Cái tên “kẻ sát nhân tắm axit” đã bắt nguồn từ đây.

John George Haigh sinh ngày 24/7/1909 tại thị trấn Stamford, Lincolnshire (Anh) trong một gia đình giàu có. Tuy nhiên, bố mẹ Haigh là người vô cùng nghiêm khắc, đặt kỳ vọng lớn vào con trai và có phương pháp nuôi dạy đặc biệt kỷ luật.

Bạn bè của Haigh chỉ là mấy chú chó hàng xóm. Cậu bé không được phép kết bạn hay đưa bạn bè tại trường về nhà vì bố mẹ lo sợ những đứa trẻ ở tầng lớp thấp kém hơn sẽ làm “vẩy đục” Haigh. Sống trong ngôi nhà rộng lớn, bố mẹ Haigh đã dựng lên một hàng rào cao 7m để ngăn những ánh mắt tò mò của mọi người xung quanh và ngăn Haigh tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Dù vậy, bố mẹ Haigh luôn đề cao giá trị của học tập và khuyến khích con trai chăm chỉ tích luỹ kiến thức. Là người sở hữu trí tuệ vượt trội, Haigh sớm bộc lộ tố chất thông minh, giành được nhiều điểm cao, học bổng trong suốt quãng thời gian đi học.

Năm 1934, thông qua gia đình mai mối, Haigh kết hôn với một cô gái 21 tuổi nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài khoảng 4 tháng. Tháng 10/1934, anh ta bị bắt vào tù vì tội lừa đảo. Sau khi Haigh vào tù, vợ anh đẻ con nhưng lập tức cho đứa bé làm con nuôi và ly hôn. Gia đình nghiêm khắc của Haigh cũng từ mặt con trai.

Sau 2 năm thụ án, John Haigh được thả tự do. Tuy nhiên, hắn ta liên tục “vào tù ra tội” vì thói quen ăn cắp và hành vi lừa đảo liên quan đến doanh nghiệp ma. Đến năm 1936, hắn chuyển đến thủ đô London và trở thành tài xế riêng cho ông William McSwann, chủ một công viên giải trí.

Cha mẹ muốn Haigh tham gia vào việc quản lý kinh doanh của gia đình, song hắn một mực muốn “phát triển những kế hoạch riêng”. Kế hoạch này hóa ra là việc thiết lập văn phòng luật sư giả.

Khi không phải làm việc, Haigh đóng giả làm một luật sư, tên là William Adamson. Hắn thường bán cổ phiếu từ những khách hàng vô danh cho những người nhẹ dạ cả tin với giá thấp hơn thị trường. Haigh bị bắt vì một trong những khách hàng nhận ra hắn đã viết sai chính tả tên giả William Adamson trong một giấy tờ pháp lý quan trọng.

Năm 1939, Haigh lại bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở trong tù, Haigh nhận ra sai lầm lớn nhất là để mặc những nạn nhân bị lừa đảo của mình còn sống. Từ đó, họ có thể tố cáo bất cứ lúc nào và đẩy hắn vào cuộc sống cơ cực phía sau song sắt.

Trong 4 năm tù, Haigh dành thời gian nghiên cứu về kẻ sát nhân người Pháp Georges-Alexandre Sarret. Tên này đã tiêu huỷ xác nạn nhân trong axit sulfuric. Trong thời gian rảnh rỗi, Haigh nghĩ ra phương pháp phân giải cơ thể bằng nhiều dạng axit khác nhau và thí nghiệm trên chuột. Hắn nhận thấy chỉ mất 30 phút để tiêu huỷ một con chuột đồng nhỏ trong axit và tính toán lượng axit, thời gian cần thiết để xử lý một người đàn ông trưởng thành.

Một số nạn nhân của John Haigh.
Một số nạn nhân của John Haigh.

Những nạn nhân xấu số

Sau khi ra tù, John Haigh làm kế toán cho một công ty kỹ thuật. Tình cờ, hắn gặp lại chủ cũ, ông William McSwan. Vui mừng gặp lại người quen, McSwan đã đưa John về gặp bố mẹ. Trong bữa cơm thân mật, họ kể cho Haigh nghe về dự án kinh doanh mới có liên quan đến bất động sản, lĩnh vực đang phát triển chóng mặt lúc bấy giờ.

Mặc dù có công việc được trả lương hậu hĩnh, Haigh vô cùng ghen tị với lối sống xa hoa của McSwan. Hắn thuê một tầng hầm để dựng xưởng hóa chất và dụ McSwan đến đây. Sau khi đánh vào đầu khiến ông chủ cũ bất tỉnh, Haigh cho thi thể vào thùng phuy dung tích 150 lít để phi tang. Sau 2 ngày, hắn ta đổ dung dịch chứa thi thể McSwan đã tan chảy xuống cống.

Sau khi giết người thành công, Haigh thuyết phục cha mẹ của McSwan rằng con trai họ đã đi trốn để tránh phải nhập ngũ và mạo danh bưu thiếp giả gửi về từ Scotland. Nhưng sau khi hết thời hạn nhập ngũ, McSwan vẫn chưa trở về khiến ông bà McSwan sinh nghi. Haigh cũng giết vợ chồng họ theo cách tương tự vào tháng 7/1945.

Hắn ta giả mạo thư tín và chữ ký ủy quyền của gia đình nhà McSwan cho mình và giành được quyền kiểm soát hợp pháp tất cả tài sản của họ. Haigh đã bán tất cả mọi thứ, thu về hơn 6.000 bảng Anh, tương đương 400 nghìn USD hiện nay. Haigh chuyển đến sống tại khách sạn Onslow Court ở khu nhà giàu Kensington.

Tuy nhiên, số tiền chiếm đoạt được nhanh chóng bay mất vì thói nghiện cờ bạc, Haigh tìm cặp vợ chồng giàu có khác để tiếp tục gây án. Lần này, hắn giả vờ quan tâm đến một ngôi nhà của bác sĩ Archibald Henderson, 52 tuổi, và vợ, Rose, đang được rao bán. Chung niềm đam mê với âm nhạc, Haigh nhanh chóng chiếm được lòng tin và sự quý mến của vợ chồng bác sĩ Archibald và được họ tiết lộ thông tin về khối tài sản.

Cùng lúc này, hắn ta thuê một căn nhà cũ ở gần các nạn nhân và bắt đầu dựng “xưởng” mới tại đây. Đến ngày 12/2/1946, hắn ta vờ mời vợ chồng bác sĩ Archibald đi chơi và ra tay sát hại họ tại đây. Vẫn theo phương thức cũ, hắn ta ném thi thể các nạn nhân vào các thùng axit đậm đặc để phi tang. Xưởng này tương đối an toàn vì nó nằm xa khu dân cư, có một hố ga để dễ dàng xử lý chất thải.

Khi anh trai của nạn nhân tỏ ra nghi ngờ và định báo cảnh sát, Haigh lấp liếm rằng vợ chồng bác sĩ đã di cư đến Nam Phi vì ông Henderson đã thực hiện một vụ phá thai bất hợp pháp. Người anh trai do đó bỏ hẳn ý định trình báo, còn kẻ giết người ẵm trọn số tài sản hơn 8.000 bảng Anh.

Sau 5 vụ giết người, Haigh thuê một nhà kho rộng lớn hơn trên đường Leopold để có nhiều không gian cất trữ thùng phuy, axit do hắn tự pha chế. Tiền của hắn một lần nữa cạn kiệt do thói quen cờ bạc và sở thích đắt tiền như ở khách sạn hạng sang.

Thời điểm này, Haigh giao du với quý bà giàu có Olive Durand-Deacon, 69 tuổi. Đây cũng là “con mồi” mà tên sát nhân hướng tới do quý bà giàu có hơn tất cả những nạn nhân từ trước đến nay của hắn.

Khi biết Haigh làm việc tại một công ty kỹ thuật, bà Olive đã chia sẻ với hắn ý tưởng làm móng tay nhân tạo. Nhân cơ hội này, hắn đã dụ góa phụ đến “xưởng” của mình để tiếp tục thực hiện tội ác.

Không giống như những bãi xử lý trước đây, nhà kho trên đường Leopold không có cống thoát nước, không ở gần miệng cống nên Haigh không thể lặng lẽ đổ chất thải. Hắn buộc phải đổ tàn dư của thùng axit vào đống gạch vụn phía sau nhà kho.

Nhà kho nơi Haigh thực hiện các vụ giết người.
Nhà kho nơi Haigh thực hiện các vụ giết người.

Bóc trần tội ác

Sau vài ngày không thấy bà Olive xuất hiện, một số bạn bè thân thiết của bà đã quyết định báo cảnh sát. Chính Haigh đã đưa bạn thân của bà Olive đến đồn cảnh sát để trình báo sự việc. Nhưng một nữ trung sĩ cảnh sát đã bày tỏ nghi ngờ về thái độ ăn chơi trác táng của Haigh. Ngoài ra, hắn ta có lai lịch không rõ ràng, dạo gần đây đặc biệt thân thiết với bà Olive.

Qua điều tra, cảnh sát phát hiện Haigh đã bán sạch đồ trang sức của bà Olive, thậm chí còn giặt sạch chiếc áo lông thú nạn nhân mặc trước khi mất tích. Do John trước đó nói là giám đốc một doanh nghiệp hóa chất, cảnh sát đến dò xét, song nhận ra chỉ là một tầng hầm ẩm mốc bỏ hoang, quây hàng rào thép gai. Tuy nhiên, một sĩ quan cảnh sát tinh ý phát hiện những bằng chứng giống như sỏi mật trong cơ thể người nằm ở nhà kho.

Khi khám xét kỹ càng hơn, họ phát hiện một số bộ phận cơ thể người, thùng phuy loại 150 lít và các thùng chứa axit sulfuric ở phía sau nhà kho. Ngày 2/3/1949, Haigh bị buộc tội giết bà Olive Durand-Deacon. Nổi tiếng trên phương tiện truyền thông với biệt danh “kẻ sát nhân tắm axit”, Haigh đã khai ra các nạn nhân khác và cách thức giết người.

Hắn đổ tội cho người cha hà khắc và gia đình cuồng tín tới mức khiến chán ghét mọi sự lương thiện giả tạo, quyết tâm trở thành kẻ nổi loạn. Song hắn cũng tự tin đến ngạo mạn với lý luận “cảnh sát không thể buộc tội nếu không tìm ra thi thể”. Hắn ta được chuẩn đoán mắc chứng hoang tưởng.

Cảnh sát phát hiện những thùng chứa axit.
Cảnh sát phát hiện những thùng chứa axit.

Ngày 18/7/1949, hơn 4.000 người đã tập trung tại thị trấn nhỏ Lewes để theo dõi phiên xét xử “kẻ sát nhân tắm axit”. Bồi thẩm đoàn tuyên Haigh có tội, kết án tử hình.

Là con người kỳ lạ, trong những ngày cuối đời, Haigh tỏ ra ung dung, khoan thai. Dường như việc ngồi tù và chờ đợi án tử hình chỉ là một cuộc dạo chơi của tên sát nhân. Hắn ta trò chuyện với quản đốc nhà tù, giao lưu với các tù nhân khác.

Ngày 10/8/1949, Haigh bị hành quyết. Trước khi chết, Haigh được bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud đề nghị làm một tượng sáp tử thần với nguyên mẫu khuôn mặt của hắn. Haigh vui vẻ nhận lời với điều kiện trang phục của bức tượng sáp phải làm giống hệt hắn ta với bộ quần áo yêu thích, quần tây được sơ vin gọn gàng, cổ tay áo sơ mi để lộ ra ngoài và tóc rẽ ngôi lệch.

Tại Bảo tàng London, một cuộc triển lãm đặc biệt về “kẻ sát nhân tắm axit” đã được tổ chức. Trong đó, trưng bày găng tay, tạp dề hung thủ sử dụng để bảo vệ bản thân khỏi bỏng axit cùng với sỏi mật, răng giả của bà Olive và khẩu súng lục, hung khí trong các vụ giết người.

Cùng với đó, câu chuyện về “kẻ sát nhân tắm axit” hay “ma cà rồng John George Haigh” đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Mọi người đều sợ hãi khi nhắc đến hắn ta nhưng Haigh đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho những bộ truyện, tác phẩm điện ảnh trinh thám kinh dị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.