Vợ tôi bất ngờ đẩy cửa, đi vội đến bên tôi với vẻ mặt hơi khó chịu: “Anh à, tiện đường đi làm, anh mang túi quần áo bẩn gửi ở tiệm giặt giúp em được không?”. Tôi cáu kỉnh hỏi lại: “Sao thế? Cô Trúc đâu? Sao lại bắt anh mang quần áo đi giặt?”.
Mặt vợ tôi vẫn không giãn ra được chút nào: “Haiz, Trúc về quê rồi anh ạ. Cô ấy ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng cho kịp chuyến xe buýt đầu tiên. Nhà mình đang bận mà cô ấy xin nghỉ những 3 ngày”.
Thông tin này làm tôi băn khoăn: “Gì cơ? Cô ấy sẽ làm những gì trong 3 ngày tới?”. Vợ tôi nhấm nhẳng: “Nghe nói ngày mai là sinh nhật của con gái cô ấy, Trúc muốn dành thời gian cho con bé để cùng tổ chức một bữa tiệc. Em thấy cô ấy kể vậy thôi, chứ thực tế... ai mà biết được!”. Nghe tới đây, thái độ của tôi bình thản trở lại: “Ờ, không vấn đề gì”.
Nhưng ngay sau đó, vợ tôi lại hỏi thêm một câu mang tính tham khảo: “Anh này, em có nên chuyển khoản cho cô ấy tầm 500 ngàn không nhỉ? Coi như một món quà tặng cho con gái cô ấy?”.
Tôi nhanh nhảu trả lời: “Anh nghĩ không cần thiết đâu em ạ. Cô ấy làm việc cho chúng ta, chúng ta trả lương và quan tâm đến cô ấy là đủ rồi, không nên dây dưa đến người nhà của cô ấy nữa em ạ. Với lại, nhà mình thiếu gì dịp để thưởng cho cô ấy, anh nghĩ cuối năm là thời điểm hợp lý hơn”.
Mỗi lần giúp việc xin phép về quê, vợ tôi đều cảm thấy bức bối. Nhưng thực tâm cô luôn ghi nhận Trúc là một giúp việc chăm chỉ, chân thành và thực sự là một người vợ tôi cần. Vì thế, cô ấy không ngừng lăn tăn: “Em nghĩ, với điều kiện hiện tại, làm sao cô ấy xoay sở được trong thời buổi lạm phát này nhỉ. Em vẫn nghĩ, ngoài lương hàng tháng, cô ấy đang cần một khoản tiền thưởng”.
Đã quá giờ đi làm của tôi mà cô ấy chưa chịu kết thúc câu chuyện, tôi bực mình: Ôi trời, anh thấy em đang quá nhạy cảm rồi đấy. Chúng ta cũng không dư giả gì. Em xem, anh phải đi cày cuốc, lo miếng ăn từng ngày cho cả gia đình...”.
Cô ấy bỗng đứng phắt dậy, lầm bầm: “Anh đừng lo, em sẽ hủy kế hoạch đi ăn nhà hàng của gia đình mình. Bằng cách đó, chúng ta có thể tiết kiệm được một khoản để thưởng thêm cho cô Trúc”.
Tôi nhún vai: “Ok, nếu đó là điều em muốn... Tốt thôi, không sao, cứ làm theo cảm nhận và mong muốn của em”.
Vài ngày sau, Trúc trở lại với công việc. Trong lúc cô đang lau sàn nhà, tôi hỏi: “Cô Trúc về quê vui không?”. Không mấy khi được tôi hỏi han, Trúc cười: “Dạ, vui lắm anh ạ. Hôm ấy em đã chi gần 500 ngàn cho bữa tiệc sinh nhật con gái”.
Tôi hỏi với thái độ nửa đùa nửa thật: “Ồ, vậy hả? Cô đã xài 500 ngàn cụ thể vào những việc gì thế?”. Trúc vẫn trả lời với thái độ hồn nhiên và chân thành, đôi mắt ánh lên vẻ hạnh phúc: “Em mua cho con gái lớn một chiếc váy mới, tặng con gái út một bộ bút chì màu, em còn sắm được cả chiếc áo ấm cho bà ngoại của tụi trẻ nữa,... Còn lại ít tiền lẻ, em bắt xe buýt lên đây với anh chị”.
Lúc này, tôi không muốn hỏi thêm Trúc gì nữa, mà bắt đầu nghĩ về bữa pizza “hụt” của mình. Tôi không ngừng so sánh chi phí của bữa pizza với chi phí của người giúp việc. Tôi nhận ra, mình có quyền làm những gì khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, thậm chí dùng số tiền mình vất vả kiếm được để mua lấy những niềm vui. Nhưng, nếu cảm thấy mình đã lãng phí số tiền vất vả kiếm được cho một việc mà chẳng mang lại điều gì ý nghĩa, thà rằng mình tặng nó cho người khác để họ có cơ hội làm điều gì đó tốt đẹp hơn.