Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

GD&TĐ - Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công bố “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). 

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Như chúng ta đã biết: “Gia đình là tế bào của xã hội, là chiếc nôi sinh hạ mọi cuộc đời, là mảnh đất cho nhân cách nảy mầm và phát triển, là cội nguồn những tình cảm quý báu thiêng liêng nhất cho mỗi người. 

Xã hội càng văn minh, cuộc sống càng ổn định thì gia đình càng trở thành địa hạt quan trọng, bền vững cho sự định hình và phát triển mọi tiềm năng của thế hệ tương lai. 

Chiếc nôi sinh hạ ấy, mảnh đất đầu tiên ấy, cội nguồn của mọi tình cảm thiêng liêng ấy là nơi bắt đầu của thế giới ngày mai, nơi dự báo cho mọi hạnh phúc và đắng cay, vinh quang và tủi nhục, thiện và ác, ánh sáng và bóng đêm trên thế gian này. 

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt đẹp. Nhưng hiện trong cái tổ ấm gia đình thời kinh tế thị trường mở cửa đang bị ảnh hưởng lung lay ở nhiều lúc, nhiều nơi không còn nguyên nghĩa truyền thống nữa. 

Đây cũng là nguyên nhân gây ra bao điều bất hạnh và tội lỗi cho con người nhất là những người vợ bạc phận và những đưa con yếu đuối đã làm nhức nhối đau long xã hội. Và nỗi đau này không của riêng ai”.

“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là mong đợi của nhiều người trong thời hội nhập này bởi trong đời sống gia đình, bữa cơm là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó gắn kết các thành viên, tạo tình cảm yêu thương gắn bó. Thế nhưng trong những năm gần đây, mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình có sự lỏng lẻo. 

Nhiều gia đình ở thành thị có tình trạng cả tuần có khi chẳng có bữa cơm nào đông đủ các thành viên, vì công việc bận rộn mà cha mẹ về nhà thì các con đã đi ngủ. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng. 

Chủ đề này với mong muốn làm thế nào để đánh động vào ý thức của tất cả mọi người về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, hình dung về nó dưới những góc nhìn thật cụ thể. Quả thật, bữa cơm gia đình có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống người Việt cũng như sự phát triển, hình thành nhân cách trẻ em.

Trong bữa cơm, chúng ta trò chuyện với nhau, ông bà, cha mẹ có thể thông qua các câu chuyện để giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, đạo hiếu, kính trọng biết ơn các bậc sinh thành và những kinh nghiệm ứng xử. 

Một bữa cơm dạy cho chúng ta rất nhiều điều, các cụ đã nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Trên kính dưới nhường”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… Bữa cơm đầm ấm tình cảm của ông bà, cha mẹ với con cái sẽ để lại ấn tượng không phai trong tâm trí trẻ. 

Chúng ta, sẽ rất dễ hình dung bữa cơm gia đình vô cùng thiêng liêng, đầm ấm mà một thời các em học sinh tiểu học đã từng được học trong trường:

“Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều,/Dưới đèn là cảnh thương yêu quây quần./Mẹ em sàng gạo dưới sân/Cha nghe em đọc rõ ràng từng câu/Bé em chạy trước, chạy sau/Quàng vai rồi lại kề đầu bên cha/Con mèo ngồi gọn giữa nhà/Xanh xanh đôi mắt như là thủy tinh”

Thực tế cho thấy, từ thành thị đến nông thôn, trẻ em đều mơ ước một bữa cơm đầy đủ mẹ cha, ông bà, con cháu quây quần bên nhau. Trong mỗi bữa cơm, truyền thống văn hóa, đạo đức, kể cả những tình cảm rất thiêng liêng như tình yêu Tổ quốc cũng sẽ được nối dài, được tiếp truyền mãi mãi qua các thế hệ.

Với chủ đề này, hy vọng mọi người, mọi gia đình sẽ hiểu hết được ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay với mong đợi cổ động, khuyến khích tất cả các gia đình phải dành thời gian để ăn cùng nhau một bữa cơm với sự có mặt của đông đủ các thành viên. 

Vì: “Duy chỉ có nơi gia đình chúng ta mới tìm được chốn nương thân và chống lại tai ương của số mệnh”. Cho nên. “Dù nó thật tồi tàn đến mấy chăng nữa cũng không có nơi nào sánh với mái ấm gia đình”.

Chúng ta giờ hay đổ lỗi cho sự tiện lợi của các hàng quán, sự bận rộn của công việc, giờ giấc học tập để ngày càng rời xa các bữa cơm gia đình, đó là điều rất không nên và là một sai lầm. 

Đừng hỏi tại sao trẻ em giờ ích kỷ thế, con người vô cảm thế, đừng đổ lỗi cho xã hội, cho trò chơi điện tử, tất cả là ở sự nỗ lực của mỗi chúng ta. 

Nếu cha mẹ sát sao quan tâm đến con, trò chuyện, tìm hiểu những sở thích tâm lý của con, uốn nắn con thì chúng ta sẽ có những công dân tốt. Vì thế chúng ta hãy bắt đầu từ những việc cụ thể nhất, đó là khơi lại hơi ấm của những bữa cơm gia đình. 

Nói đến đây, tôi càng tâm đắc câu nói của đại thi hào W. Gơt: “Dù anh là vua, hay là dân. Nếu ai tìm được sự bình an trong gia đình thì đó mới là người hạnh phúc nhất”. Cho nên, mọi kho báu trên đời, không làm sao sánh được kho báu hạnh phúc gia đình.

Với ý nghĩa vô cùng to lớn đó, vào ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. 

Theo quyết định của Thủ tướng, việc chọn ngày 28/6 hằng năm là ngày “Gia đình Việt Nam” nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.