Bữa cơm chiều cuối năm toàn… iPhone

Thời gian là thứ không bao giờ lặp lại, nó cứ thế trôi đi cùng với những kỷ niệm của cuộc sống. Mâm cơm cuối năm là khoảnh khắc ý nghĩa mà ai cũng mong ngóng.

Bữa cơm chiều cuối năm sẽ mất đi ý nghĩa nếu các thành viên gia đình coi những cuộc trò chuyện trên iPhone hơn những lời hỏi han, chúc mừng trong gia đình (Ảnh minh họa)
Bữa cơm chiều cuối năm sẽ mất đi ý nghĩa nếu các thành viên gia đình coi những cuộc trò chuyện trên iPhone hơn những lời hỏi han, chúc mừng trong gia đình (Ảnh minh họa)
Xưa, mỗi dịp tết đến mong được về nhà cùng nhau xum họp trong bữa cơm chiều cuối năm, để cảm nhận sự ấm áp đoàn viên của gia đình, để cảm nhận được sự chia sẻ và biến nó thành động lực cho chuỗi ngày dài phía sau. Bữa cơm chiều cuối năm đơn giản nhưng hạnh phúc.
Ngày nay, sức mạnh của công nghệ và mạng xã hội đã lấn át đi nhiều những giá trị truyền thống, trong đó những buổi tụ họp với gia đình dịp Tết đã không còn trọn vẹn, mọi người ai cũng “cắm đầu” vào chiếc smartphone. Cái cảm xúc phát ra từ những câu chuyện, ánh mắt trở nên hờ hững.

Chiều 30 tết, bà Ngải, ông Khoan tất bật cơm nước để đón các con cháu về đông đủ. Ông bà sinh được 4 người con, đều đi lập nghiệp ở xa, nhưng vẫn giữ được nếp gia phong là chiều 30 tết dù đi đâu thì cũng phải về sum họp. Chính vì thế, từ trưa ngày 30, lần lượt những người con đều mang theo chồng, vợ, cháu chắt về  làm bộn rộn cả căn nhà.

Bữa cơm được dọn ra nhanh chóng vì trai, gái, dâu, rể mỗi người một tay. Khi anh con cả rót rượu ra cốc, cô con gái rót nước ngọt cho những chị em và cháu chắt, cả nhà chuẩn bị nâng ly thì chuông điện thoại của anh con rể thứ kêu tít tít, một tay anh cầm chén, một tay anh bấm điện thoại trả lời tin nhắn. Ông Khoan cầm trịch, làm quản ca, nhưng mới chỉ “zô” được hai tiếng chưa kịp uống thì tin nhắn facebook của anh con cả lại “ting ting” khiến anh vội cầm điện thoại lên xem và “zô” nốt câu thứ 3. Trước khi uống anh đã nhanh tay ấn đọc tin nhắn và tranh thủ trả lời.

Suốt bữa cơm, câu chuyện ban đầu rất rôm rả nhưng được 10 phút sau là chị thứ 2 cầm điện thoại nhắn tin mải miết, không để ý gì đến mấy đứa con chành chọe nhau làm đổ hết nước ngọt ra sàn nhà. Rồi đến cô dâu thứ, rể út, thì nhau cầm điện thoại bấm bấm. Bữa cơm gia đình trở nên trầm lắng rời rạc vì chẳng ai thực sự chú tâm vào câu chuyện chung của gia đình. Bọn trẻ thì vừa ăn vừa chơi trò chơi trên smartphone. Những đứa cháu lớn của ông bà thì ăn nhanh chóng rồi mải miết vào màn hình điện thoại. Cô con gái út của ông bà thì có thói quen chụp ảnh đăng facebook trước khi làm bất cứ việc gì cho nên sau khi đăng ảnh bữa cơm tất niên lên thì tập trung vào trả lời bình luận trên mạng xã hội, đến thức ăn còn chỉ kịp ăn lấy lệ.

Bữa cơm kết thúc sớm hơn mọi năm, ông Khoan uể oải vào giường nằm, bà Ngải vừa dọn mâm bát vừa buồn rầu nhìn lũ con cháu mỗi đứa giờ đã yên vị với cái điện thoại trên tay, mỗi đứa một góc, không còn tiếng ồn ào, chí chóe chơi với nhau như những năm trước nữa.

Không chỉ có gia đình bà Ngải, ông Khoan, ngày nay người ta không còn lạ gì với hình ảnh bữa cơm sum họp với những thành viên kè kè điện thoại bên người, ngay cả trong bữa ăn người ta cũng không quên thỉnh thoảng cầm điện thoại lên bấm một hồi và ngơ ngác quay lại câu chuyện chung với gia đình. Không lạ gì với hình ảnh những đứa trẻ ngồi chờ bố mẹ ăn uống, mỗi đứa một góc chơi trò chơi trên điện thoại, không lạ gì với hình ảnh những cô vợ chụp ảnh “úp phây” rồi vừa nói chuyện vừa trả lời “còm”

 Những câu chuyện bị ngắt quãng vì tiếng tin nhắn, tiếng chuông điện thoại, những chén nước chè sau bữa ăn nguội ngắt vì mọi người còn mải trả lời tin nhắn, đọc tin tức trên mạng. Những chương trình hài đón xuân trên tivi chỉ nhận được vài tiếng cười rời rạc bởi chẳng mấy ai tập trung nhìn màn hình…

Còn chăng, chỉ ở một vài miền quê xa xôi, khi internet chưa “phủ sóng” là người ta vẫn có được bữa cơm chiều 30 đúng nghĩa. Thời gian là thứ không bao giờ lặp lại, nó cứ thế trôi đi cùng với những kỷ niệm của cuộc sống. Rồi một ngày ta mới giật mình nhận ra, chẳng còn ký ức nào đủ mịn màng về những ngày sum họp…

Theo GĐVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.