Điện thoại thông minh khiến con người… kém thông minh

GD&TĐ - Smartphone (điện thoại thông minh) quả là một trong những thành quả khoa học công nghệ vĩ đại của nhân loại và là một trong những thiết bị làm thay đổi hoàn toàn xã hội. 

Con người ngày càng thụ động và lười suy nghĩ do ỷ lại các thiết bị thông minh
Con người ngày càng thụ động và lười suy nghĩ do ỷ lại các thiết bị thông minh

Dẫu vậy, đây cũng là thiết bị gây nhiều tranh cãi, khi mà những mặt bị chỉ trích của nó cũng không thua kém nhiều so với những mặt hữu ích.

“Cắm mặt vào điện thoại” là câu nói quen thuộc hiện nay, từ quốc gia phát triển đến những đất nước thuộc thế giới thứ ba; từ thành thị đến nông thôn. Con người không buồn quan sát xung quanh, không màng giao lưu kết bạn, thế giới thu hẹp vào màn hình điện thoại.

Một nghiên cứu mới công bố còn gây sốc hơn: Điện thoại thông minh khiến não của chúng ta… kém thông minh đi, suy giảm khả năng nhận thức và ghi nhớ nếu bạn luôn để nó quá gần. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu tại ĐH Texas, đóng tại thành phố Austinm, bang Texas (Hoa Kỳ), dựa trên phân tích “khả năng duy trì và xử lý dữ liệu tại những thời điểm cụ thể” của gần 800 người dùng điện thoại.

Trong nghiên cứu, vào những thời điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên các số đối tượng để chia thành 3 nhóm khác nhau tương ứng với cách “đặt điện thoại trước mặt nhưng úp xuống, bỏ vào túi quần hoặc đặt ở một căn phòng khác”. Tất cả những chiếc điện thoại này đều đặt ở chế độ im lặng. Lúc này, nhóm nghiên cứu tiến hành những bài test trên máy tính nhằm đánh giá khả năng chú ý, trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Sau khi so sánh kết quả test của các tình nguyện viên, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nhóm người “đặt điện thoại ở phòng khác” có khả năng ghi nhớ cao hơn đáng kể so với nhóm “bỏ điện thoại lên bàn úp xuống”. Thú vị hơn và chênh lệch này còn cao hơn nữa giữa nhóm đặt điện thoại ở phòng khác so với nhóm “bỏ điện thoại vào túi quần hoặc túi xách”.

Mặc dù toàn bộ các tình nguyện viên đều đối mặt với cùng một độ khó của các yêu cầu trong bài test nhưng kết quả về khả năng nhận thức giữa 3 nhóm rõ ràng có sự khác biệt, cho thấy rằng những người thuộc nhóm “để điện thoại im lặng úp xuống trên bàn” không nhận thức được tác động vốn có của nó lên khả năng của họ.

Adrian Ward, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Ý thức của bạn không nghĩ về chiếc smartphone của bạn nhưng cơ chế đó (chú thích: Cơ chế xảy ra trong não người ngăn chặn việc suy nghĩ về một điều gì đó) vẫn sử dụng một nguồn lực nhận thức vốn có giới hạn của mỗi người”.

Về bản chất, việc nghiện điện thoại cũng có liên quan tới cơ chế nói trên và thậm chí, dù không nhận thức được điều đó nhưng bộ não con người phải luôn chiến đấu để chống lại việc suy nghĩ về điện thoại hoặc check thông báo.

GS Adrian cho biết thêm: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng những tín hiệu từ điện thoại của một người (không phải của người khác) đã kích hoạt hệ thống tập trung vô thức của con người. Khi các thiết bị điện thoại xuất hiện một cách nổi bật trong môi trường xung quanh, người đó sẽ rơi vào trạng thái kích thích cường độ cao, cho thấy chúng thật sự tạo nên xung lực lôi kéo quá trình định hướng sự tập trung của con người”.

May mắn thay, các nhà nghiên cứu khẳng định tất cả chúng ta không cần phải quá tuyệt vọng. Trong nghiên cứu, các tình nguyện viên còn được hỏi một chuỗi những câu hỏi giúp tiết lộ được “sự khác nhau giữa các cá nhân trong việc sử dụng và gắn kết với điện thoại của họ”. Từ đó nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, sự suy giảm khả năng nhận thức có liên quan trực tiếp tới mức độ gắn kết và mức độ cảm xúc với điện thoại của từng cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ