Món chủ đạo
Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Quảng Lâm khi trời tang tảng sáng, lác đác tiếng gà rừng gáy văng vẳng trong một vài dãy núi khuất xa.
Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm nằm cheo leo trên một đỉnh núi cao, tách biệt hoàn toàn với các khu dân cư xung quanh bởi các dãy núi dựng đứng cùng mây mù bao phủ gần như quanh năm. Khi chúng tôi đến, học sinh đã vào lớp, còn thầy giáo Dương Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường đang hướng dẫn mấy “nhà cung cấp” thực phẩm sắp xếp gà, thịt gọn gàng vào kho nhà bếp, đôn đốc mấy bác “hậu cần” đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị cho kịp bữa ăn trưa cho học sinh.
Nhìn vào các món ăn trong thực đơn tháng, cứ ngỡ như một trò đùa, bởi mỗi ngày 241 HSBT ở ngôi trường này đều “gắn bó” với vài món “truyền thống”. Cả tháng trước, buổi sáng các em ăn mì tôm, buổi trưa chỉ có thịt lợn rim đậu phụ cùng với canh rau. Canh rau có khi là su su hoặc đỗ mà cũng có lúc là bí xanh. Còn bữa tối thì chẳng có gì khác bữa trưa. Sang tháng này các em được bổ sung thêm món gà ta. Cũng chỉ ngần ấy món ăn thay đổi quanh năm.
“Chỉ có ngần ấy món đổi bữa cho nhau trong ngày. Nói thật với anh ở trên này có thể bổ sung được trứng và cá. Trước chúng tôi đã mua trứng, cá về để đổi món cho các cháu nhưng phụ huynh người ta kiên quyết phản đối. Trứng thì họ sợ rằng nhập từ bên kia biên giới về không yên tâm. Còn cá thì sợ con em bị hóc xương. Nếu nấu cho HSBT ăn thì nhiều phụ huynh phản đối bằng cách không cho con đi học nữa”, thầy giáo Dương Thế Công tâm sự.
Sau đợt đó, nhà trường phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội từ phía các bậc phụ huynh, đặc biệt là đồng bào Mông có con em đang theo học. Thế là giáo viên nhà trường lại “khăn gói quả mướp” lặn lội lên các bản xa xôi, hẻo lánh để vận động, tuyên truyền. Nói mãi, thuyết phục mãi cũng chẳng xong thế nên đành phải “xuống nước” để giữ học sinh.
“Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 170km, nếu muốn mua cá tươi thì hàng ngày phải đặt hàng rồi vận chuyển từ TP Điện Biên Phủ vào trường, trong khi nhà trường không có điều kiện để lưu giữ, bảo quản, đồng thời giá cả sẽ tăng cao do chi phí vận chuyển lớn”, thầy Công cho biết thêm.
Không có sự lựa chọn
Cũng bởi đường xá đi lại khó khăn, sự xa cách giữa trường với các khu vực có thể cung cấp nguồn thực phẩm phong phú khiến cho nhà trường gặp khó. Bởi thế mà ở đây hầu như không thể áp dụng được thực đơn bữa ăn cho học sinh theo như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. “Chỉ có các trường trên huyện mới làm được thôi, ở đây xa huyện, xa tỉnh nên việc cung cấp thực phẩm thực sự không đều đặn như vùng thuận lợi được”, thầy Công tâm sự.
- Quanh năm, các HS Trường THCS Quảng Lâm phải “gắn bó” với 3 món chủ đạo
Quãng đường từ TP Điện Biên Phủ vào đến Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm ngót nghét 170 cây số. Còn nếu tính từ trung tâm huyện lỵ Mường Nhé trở ra cũng mất gần 40 cây số. Trong khi hầu hết nguồn thực phẩm sử dụng tại Mường Nhé đều do các đầu mối từ TP ĐBP cung cấp, song lại không được phong phú, đa dạng như các nơi khác.
Nhiều khi nguồn “cung” cũng rất “bập bõm”, không đủ đáp ứng cho khu vực trung tâm chứ chẳng nói gì đến hàng nghìn học sinh ở các trường bán trú. Do đó, nếu không huy động, thu gom nguồn thực phẩm trong dân thì cán bộ, giáo viên ở Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm cũng chẳng biết tìm mua ở đâu.
“Nếu nhập thực phẩm từ TP ĐBP vào đến chỗ chúng tôi thì không còn tươi nữa, dẫn đến việc cho các cháu ăn sẽ không đảm bảo, nguy cơ ngộ độc cao. Trứng cũng thế thôi, vận chuyện hàng trăm nghìn quả vào đây nếu thời tiết không thuận lợi thì cũng hỏng nên nhà trường quanh năm chỉ có 3 món đấy. Còn với những thực phẩm mua gom tại địa phương thì vẫn còn tươi sống”, thầy Công giãi bày.
Có lần, Trường THCS Quảng Lâm cũng đã thử tìm đặt mua cá tươi chuyển từ TP ĐBP vào nhưng đều bị “lỡ bữa”. Nếu xe buổi sáng di chuyển từ thành phố thì gần tối thầy trò mới nhận được “hàng”. Để đến ngày hôm sau làm thức ăn cho học sinh thì cá đã chết ươn từ bao giờ. Mùa khô thì thế, còn nếu mùa mưa, có khi sụt sạt gây tắc đường đến vài ngày sau xe cũng chẳng đến nơi được.