Bóng ma mới của thế giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bóng ma của cuộc chiến Israel - Hamas sẽ trở nên nguy hiểm nhất với kinh tế thế giới, nếu dẫn tới một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc chiến tranh Israel - Hamas đang bước sang ngày thứ 11 với con số thương vong của cả hai bên tiếp tục tăng lên, nhưng gây tác động sâu rộng hơn là việc nó đã trở thành bóng ma thứ hai đối với nền kinh tế thế giới bên cạnh cuộc chiến Nga - Ukraine.

Hãng tin Bloomberg thậm chí còn đưa ra cảnh báo, với diễn biến hiện nay, cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza sẽ tương tự như các cuộc chiến ở Trung Đông trước đây khi làm gián đoạn nền kinh tế giới. Thậm chí cuộc xung đột lần này còn có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham gia.

Cuộc chiến nổ ra hôm 7/10 sau khi Hamas tấn công miền Nam Israel làm hơn 1.300 người chết, dẫn đến màn đáp trả của Israel đến nay khiến gần 3.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng. Quân đội Israel đang tập trung lực lượng để đổ bộ vào khu vực miền Bắc Dải Gaza nhằm “nhổ tận gốc” lực lượng Hamas, đẩy cuộc xung đột bước sang một cấp độ mới về quy mô.

Về tác động đối với nền kinh tế thế giới nhất là về tăng trưởng và lạm phát, các nhà phân tích đang xem xét dựa trên 3 kịch bản có thể xảy ra của cuộc chiến. Thứ nhất là xung đột chỉ giới hạn ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, thứ hai là lan sang Libăng và Syria; và thứ ba là quy mô lớn nhất khi dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai đối thủ không đội trời chung là Israel và Iran.

Kể cả cuộc chiến sẽ diễn ra theo kịch bản nào nói trên thì xu hướng ảnh hưởng đến kinh tế được dự báo là sẽ giống nhau. Đó là đều khiến giá dầu mỏ đắt hơn, lạm phát tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, nhưng ở các mức độ khác nhau mà thôi. Quy mô ảnh hưởng theo tỷ lệ thuận là xung đột càng lan rộng thì tác động đối với nền kinh tế sẽ ở mức độ toàn cầu hơn là khu vực.

Trong kịch bản tích cực nhất là xung đột Israel – Hamas không lan rộng, tác động đối với giá dầu quốc tế và nền kinh tế toàn cầu sẽ ở mức hạn chế. Bối cảnh này sẽ tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc xung đột giữa hai bên vào năm 2014, khi đó giá dầu sẽ tăng không đáng kể từ khoảng 3 - 4 USD/thùng và ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới ở mức tối thiểu.

Trong kịch bản tiêu cực hơn khi cuộc chiến lan sang Syria và Libăng, cuộc xung đột Israel – Hamas có thể biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Israel và Iran, dẫn đến tổn thất đối với nền kinh tế thế giới sẽ tăng lên khi giá dầu bị đẩy tăng cao khoảng 10% vì liên quan trực tiếp đến nhà cung cấp dầu mỏ lớn là Iran. Bối cảnh này có thể được so sánh với những gì đã xảy ra trong Mùa Xuân Ả Rập năm 2010.

Bóng ma của cuộc chiến Israel - Hamas sẽ trở nên nguy hiểm nhất đối với kinh tế thế giới nếu xảy ra theo kịch bản thứ ba là dẫn tới một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel. Kịch bản này hiện được giới phân tích cho rằng có khả năng xảy ra ở mức thấp nhưng vẫn có nguy cơ và có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Khi đó giá dầu sẽ tăng phi mã, giáng đòn vào sự tăng trưởng kinh tế và làm cho lạm phát tăng cao hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi vì đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, không nước lớn nào trên thế giới muốn để kịch bản thứ ba của xung đột Israel – Hamas xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn của sự leo thang trong cuộc xung đột hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ