Nga chớp thời cơ xung đột Israel-Hamas để giành chiến thắng?

GD&TĐ - 'Phương Tây đang tập trung hỗ trợ Israel và giảm sự quan tâm tới Kiev, khiến Nga có thể có cơ hội giành chiến thắng trước Ukraine'.

Nga chớp thời cơ xung đột Israel-Hamas để giành chiến thắng?

Hôm 07/10, nhân loại đã tiến thêm một bước nữa tới nguy cơ một Thế chiến thứ ba chính thức. Sau Ukraine và Transcaucasus, Trung Đông bắt đầu bùng cháy với sự bùng phát của một cuộc chiến tranh Hamas-Israel mới, được mệnh danh là “Chiến tranh tháng 10 lần thứ 2”.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel của Hamas hầu như đã trở thành thông lệ nhưng với quy mô nhỏ lẻ, còn cuộc tấn công cực lớn với gần 5000 quả rocket thực sự là điều bất ngờ đối với IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) và các cơ quan tình báo nổi tiếng như: Cơ quan Tình báo Đối ngoại (MOSSAD), Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet) và cả Cơ quan Tình báo Quốc phòng Israel (AMAN).

Nhóm Hamas bắt đầu chiến đấu vào dịp kỷ niệm nửa thế kỷ của “Chiến tranh Yom Kippur”, hay “Chiến tranh Tháng 10”, như cách gọi trong thế giới Ả Rập. Những cơ quan tình báo lừng danh của Israel đã bỏ sót việc người Palestine có thể tập trung hàng nghìn tên lửa cho các cuộc tấn công lớn như vậy.

Hơn nữa, các chiến binh Hamas không chỉ giới hạn ở họ mà tiến vào các khu vực phía nam của nhà nước Do Thái, tức là họ bắt đầu một chiến dịch trên bộ. Có hàng trăm người Israel thiệt mạng và bị thương, cùng hàng trăm con tin bị bắt giữ.

Tuy nhiên, nếu Hamas không được hỗ trợ bởi bất kỳ quốc gia hùng mạnh nào trong thế giới Hồi giáo, Israel thực sự sẽ giành chiến thắng cuối cùng, vì thực lực của họ là quá khác nhau.

Theo nhận định trong một bài báo của trang Reporter/Nga, bất kể cuộc chiến tranh mới giữa Hamas với Israel có kết cục ra sao, nó sẽ có lợi cho Nga. Đặc biệt là nếu xung đột càng kéo dài, Moscow càng hưởng lợi nhiều hơn, cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế.

Vấn đề thứ nhất là phương Tây sẽ giảm sự quan tâm đến xung đột Nga-Ukraine

Khi tiếng đạn pháo vừa vang lên, ngay lập tức Tel Aviv đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của Mỹ và Châu Âu, tức là toàn bộ khối NATO.

Vai trò quan trọng của Israel ở Trung Đông đã đẩy Ukraine sát nách Nga xuống hàng thứ yếu, cuộc xung đột Nga-Ukraine tạm thời mất đi tính chất quan trọng hàng đầu với phương Tây và lượng vũ khí đổ vào Ukraine trong thời gian tới chắc chắn sẽ giảm mạnh.

Nếu một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn ở Trung Đông nổ ra (có thêm sự tham chiến của Hezbollah-Lebanon hay Iran…,) hoặc xung đột không mở rộng về quy mô nhưng vẫn tiếp diễn dai dẳng, nó sẽ chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi Ukraine, giảm khối lượng hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho chính quyền Kiev.

Xung đột bùng phát vào thời điểm này thực sự có lợi cho Moscow, giúp Quân đội Nga có thể nhanh chóng kết thúc chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, giành được những chiến thắng quan trọng, chiếm lợi thế trên bàn đàm phán kết thúc cuộc xung đột này.

Vấn đề thứ hai là Nga sẽ hưởng lợi lớn từ giá dầu tăng kịch khung.

Theo chuyên gia thị trường ngành năng lượng là ông Javier Blas viết trên Bloomberg, sau một thời gian ổn định và phục hồi, giá dầu có thể tăng đến mức “không thể tưởng tượng được” do một vòng khủng hoảng mới trong quan hệ Hamas - Israel.

Trước thềm kỷ niệm 50 năm cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên trên thế giới, có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 1973: Một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel sẽ khiến giá dầu tăng vọt, đây chính xác là sự kiện quá khứ có thể lặp lại ở thời điểm hiện tại.

Tất nhiên, nền kinh tế thế giới sẽ không phải hứng chịu một lệnh cấm vận dầu mỏ khác của Ả Rập như hồi năm 1973, khiến giá một thùng dầu thô tăng gấp ba lần.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp khả năng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng giá dầu tăng cao trong thời gian dài.

Nga sẽ được hưởng lợi từ bất kỳ cuộc khủng hoảng dầu mỏ nào ở Trung Đông. Nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, điều này có thể tạo không gian cho nguyên liệu thô của Nga đang bị trừng phạt, giành lại thị phần và cũng đạt được mức giá cao hơn.

Tình hình rất dễ thay đổi và mọi thứ trên thị trường dầu mỏ phụ thuộc vào cách Israel phản ứng với Hamas và với Iran, quốc gia Hồi giáo dòng Shi’a vốn được cho là ủng hộ nhóm vũ trang Hamas ở Palestine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ