Giữa thời bình, già không quên tuyên truyền, vận động bà con tránh xa bom mìn, loại bỏ những tập tục lạc hậu… Già A Nhất như bóng cây Kơ nia giúp dân làng Kon Bưu bước sang trang đời mới.
Đi qua thời lửa khói
Căn nhà sàn trông rất bình yên của già A Nhất nằm cuối làng Kon Bưu (Tân Lập, Kon Rẫy, Kon Tum). Buổi sáng, khi Mặt trời vừa nhô lên ở dãy núi phía Đông, già A Nhất đã vội vã ra vườn.
Ở tuổi 75, già vẫn ngày ngày chăm sóc vườn mít Thái siêu quả cùng mấy trăm gốc cà phê. Nghe có người lạ hỏi thăm, già A Nhất vội buông cây cuốc, đon đả chào hỏi rồi dắt khách vào nhà.
“Tranh thủ trời đang mát mình ra thăm vườn, làm được gì thì làm chứ một lúc nữa nắng lên rồi không làm nổi đâu”, già A Nhất nói như giải thích.
A Nhất kể, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có người cha đã cống hiến tuổi trẻ làm giao liên phục vụ chiến trường. Cũng trong những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh tang thương do bom rơi đạn lạc, cậu bé A Nhất đã mơ ước trở thành bác sĩ cứu người.
Năm 1974, sau quá trình học tập, A Nhất được phân về công tác tại bệnh xá của căn cứ H.16 (bây giờ là huyện Kon Rẫy). Trong những ngày lửa đạn, A Nhất cùng nhiều bác sĩ khác trong bệnh xá phải cõng thuốc men, vật tư y tế từ H.16 lên thị xã Kon Tum (giờ là TP Kon Tum) để tiếp tế cho chiến trường.
“Những ngày ấy, vùng này làm gì có đường nhựa, anh em chủ yếu cõng thuốc men trên vai, cuốc bộ hơn 30km lên thị xã. Đến nơi bàn giao xong thuốc men lại quay về. Anh em trong bệnh xá cứ đi đi lại lại như vậy trong mấy tháng liền”, ông A Nhất nhớ lại.
Cũng trên hành trình cõng thuốc cho chiến trường ấy, đã không ít lần A Nhất cùng đồng nghiệp gặp thương binh, người dân bị thương do tên bay đạn lạc. Ngay lập tức, A Nhất cùng đồng nghiệp sơ cứu, băng bó cho nạn nhân rồi dìu họ về các khu an toàn cấp cứu rồi mới tiếp tục hành trình giao thuốc của mình.
“Thời chiến mà, người bị thương làm sao mà nhớ hết được. Lúc ấy mình chỉ nghĩ cứu người là trách nhiệm, nhiệm vụ của mình thôi. Phải làm sao để giữ được mạng sống cho họ là điều mình và đồng nghiệp quan tâm nhất”, ông A Nhất bộc bạch.
Những bằng khen, giấy khen treo kín nhà già A Nhất. |
Hòa bình lập lại, ông A Nhất cùng đồng nghiệp lại tiếp tục công cuộc gánh thuốc men, vật tư y tế từ thị xã Kon Tum trở về Kon Rẫy. Những chuyến đi về vẫn tiếp tục kéo dài như thế ròng rã suốt mấy tháng trời trên cung đường dài hơn 30km.
Trở về với công tác khám chữa bệnh tại địa phương, A Nhất không ít lần phải hỗ trợ bệnh nhân, cứu mạng sống cho họ bằng nhiều cách, có khi phải cắt cụt chân tay.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hiểm họa từ bom mìn luôn rình rập dân làng. Bà con đồng bào đi lên rừng, làm rẫy khi phát hiện bom đạn vẫn chủ quan nhặt về. Có người cưa bom ra lấy thuốc nổ để đem đánh cá, có người lại nhặt đạn pháo đem bán phế liệu kiếm thêm chút đỉnh mưu sinh. Thế rồi những tiếng nổ tang thương thỉnh thoảng lại vang lên, ám ảnh cả một vùng rừng núi.
Già A Nhất kể rằng, từ những năm 1975 - 1980 người chết vì bom đạn nhiều không thể đếm được. Những người may mắn sống sót sau những vụ nổ thì cụt tay, mất chân, mang thương tật suốt đời.
“Mình nhớ có một vụ, 6 người ở xã Đăk Tơ Lung cùng tháo đầu nổ quả bom. Sau tiếng nổ lớn chỉ còn 1 người sống sót. Nạn nhân may mắn sống sót bị bom xé rách một bên cánh tay. Khi đưa đến bệnh xá, người bị nạn đã mê man bất tỉnh rồi. Mình cùng đồng nghiệp phải nhanh chóng cầm máu, sát trùng vết thương. Vì vết thương quá nặng nên anh em thống nhất phương án cắt cụt cánh tay của nạn nhân đến gần nách để cứu chữa. Đến giờ, ông ấy vẫn đang còn sống đấy”, già A Nhất kể.
Chiến tranh tàn khốc đã vậy, nhưng ngay cả khi đất nước đã hòa bình mà người dân vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng ấy ông chẳng thể kìm lòng được.
Những ngày rảnh rỗi, ông A Nhất thường phối hợp với cán bộ địa phương đến các bản làng tuyên truyền để người dân hiểu được hậu quả của bom mìn và cách phòng tránh. Đoàn cán bộ khuyến cáo dân làng hễ nhìn thấy chúng thì phải tránh xa. Những tiếng bom vì thế cũng vơi dần trên nương rẫy.
Căn nhà sàn cuối làng Kon Bưu của vợ chồng ông A Nhất. |
Xóa bỏ hủ tục
Năm 1980, già A Nhất được đảm nhiệm vị trí Trưởng trạm y tế xã Tân Lập. Cũng trong thời gian này, già cùng chính quyền địa phương vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Thuở ấy, xung quanh xã Tân Lập được bao phủ bởi những cánh rừng rậm, bệnh sốt rét bùng phát dữ dội. Thời buổi bấy giờ nhận thức của người dân về các loại bệnh truyền nhiễm còn lơ mơ. Bà con cũng chưa có thói quen giăng màn khi ngủ, đây là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh sốt rét lây lan. Bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài còn chưa thể đẩy lùi, lại thêm bệnh đến từ sự mê tín, kém hiểu biết.
Người dân quan niệm bệnh tật mà họ mắc phải đều do con ma rừng gây ra. Bởi vậy khi có người đau ốm, gia đình sẽ mời thầy cúng về. Và để mỗi lần thầy cúng xuất hiện là gia chủ sẽ phải giết trâu bò, lợn gà để làm lễ tế. Đối với những hộ dư dả việc mổ trâu, mổ lợn không thành vấn đề lớn nhưng với những hộ nghèo, không có tiền phải đi vay mượn để mua đồ cúng rất tốn kém.
Đàn trâu bò của người dân cứ theo chân thầy cúng mà vợi đi, thế nhưng bệnh tình thì mãi chẳng thể khỏi.
Chứng kiến người dân cứ mãi chìm đắm trong hủ tục lạc hậu, già A Nhất chẳng đành lòng. Già quyết tâm cùng chính quyền địa phương làm công tác tuyên truyền, đến từng làng giải thích, vận động người dân không tin lời thầy cúng, loại bỏ những suy nghĩ mê tín dị đoan, đến bệnh viện, trạm xá thăm khám ngay khi bị ốm.
Cùng với đó, già A Nhất cùng đồng nghiệp tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho bà con. Tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện phát quang bụi rậm, vệ sinh ao tù nước đọng và thực hiện, rèn thói quen mắc màn khi ngủ.
“Thời điểm đó với cương vị Trạm trưởng trạm y tế xã nên mình thường xuyên tuyên truyền người dân khi ốm đau cần nhanh chóng đến thăm khám để được cấp phát thuốc. Lúc bấy giờ người mắc bệnh nhiều, trạm y tế lại không có giường nên đa số cán bộ, nhân viên y tế xuống tận thôn làng, nhà người dân thăm khám”, già A Nhất tâm sự.
Qua một thời gian, với sự tận tâm của già A Nhất, bệnh tình của người dân trong xã dần được chữa khỏi. Niềm tin của bà con vào thầy cúng chẳng còn, bởi vậy hủ tục cúng tế con ma rừng cũng được xóa bỏ.
Để bà con tin tưởng, già A Nhất áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất trên chính mảnh đất của gia đình. |
Dựng lại nhà rông
Năm 2010 vị bác sĩ làng về hưu, trước những đóng góp của mình, già A Nhất được người dân tin tưởng bầu làm già làng Kon Bưu.
Những ngày đầu nhận trọng trách mới, già A Nhất thấy nhiều gia đình vẫn còn tập tục du canh du cư. Dân làng không chịu canh tác ở một mảnh rẫy cố định. Năm nay họ sẽ trồng trọt ở đây, nhưng vài năm sau sẽ canh tác ở một chỗ khác. Ở mỗi nơi họ chỉ canh tác vài năm, khi đất đai bạc màu bà con nhất quyết chuyển sang nơi khác.
Chưa biết áp dụng khoa học kĩ thuật nên người dân chỉ biết chặt phá, đốt rừng để tạo độ mùn, cải tạo đất. Cũng bởi vậy mà diện tích rừng ngày càng bị thu nhỏ lại, trong khi năng suất cây trồng cũng không tăng thêm được.
Mong muốn bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, có cuộc sống tốt hơn già A Nhất lại tiếp tục cần mẫn đi vận động người dân định canh định cư, áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, tưới tắm, bón phân đúng thời điểm, áp dụng kiến thức khoa học kĩ thuật để cây trồng cho năng suất hiệu quả nhất.
Thế nhưng, những kiến thức mới mẻ đâu thể thuyết phục người dân ngay được. Già A Nhất phải cầm tay chỉ việc, tự mua phân bón, máy móc phục vụ việc trồng trọt, tưới tiêu để làm mẫu trên thửa đất của mình.
Sau vài năm, khi vườn cây đã cho năng suất cao, già A Nhất mới đem làm bằng chứng thuyết phục người dân. Kể từ đó dân làng nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp.
Người dân cứ thế tìm về học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật. Chỉ trong vài năm tình hình phá rừng làm nương rẫy đã giảm hẳn. Năng suất cây trồng được nâng lên, làng Kon Bưu cũng dần dần “thay áo”.
Năm 2014, thấy nhà rông có dấu hiệu xuống cấp. Những ngày họp làng, hạt mưa rừng thấm qua lớp mái rơi xuống sàn nhà lộp độp. Đến họp làng nhưng bà con dân bản cứ phải chịu ướt.
“Nhà rông là nơi sinh hoạt của làng, nhà rông dột nát cũng như mái nhà mình hư hỏng vậy. Phải sửa lại nhà rông thôi, không có mái nhà rông là không họp làng được đâu”, già A Nhất nói.
Vậy rồi già A Nhất liền đứng ra kêu gọi bà con chung tay xây dựng nhà rông, tạo nên điểm giao lưu văn hóa cộng đồng. Sau khi xin phép chính quyền địa phương, dân làng triển khai xây dựng lại nhà rông. Nam giới đi tìm gỗ, phụ nữ, thanh niên tìm cắt dây mây, cỏ tranh… cùng nhau góp công sức để dựng lại nhà rông. Sau mấy tháng miệt mài căn nhà rông mới của làng Kon Bưu được dựng lên, sừng sững như mái núi. Cũng từ đấy làng Kon Bưu có chỗ sinh hoạt tươm tất.
“Ở cái tuổi gần đất, xa trời mình chỉ mong dân làng đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Dù tuổi cao, không còn đủ sức giữ chức già làng nhưng mình luôn đồng hành và hỗ trợ bà con khi cần”, già A Nhất chia sẻ.