Bong bóng V-League có vỡ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với khoản nợ gần 40 tỷ đồng, Câu lạc bộ Bình Định đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng và tương lai bất định.

Câu lạc bộ Bình Định tham dự V-League 2022.
Câu lạc bộ Bình Định tham dự V-League 2022.

Điều đó khiến cho vết dầu loang của sự đổ vỡ tại sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng rộng hơn.

“Nghìn cân treo sợi tóc”

Công ty cổ phần Bình Định Sport, đơn vị quản lý Câu lạc bộ bóng đá Bình Định đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết đang gánh khoản nợ lên đến 38,5 tỉ đồng và đề xuất tìm kiếm nhà tài trợ cho những mùa sau.

Đáng chú ý, trong số nợ này có đến 20 tỷ đồng là nợ các khoản phí và thưởng các trận thắng, thưởng thành tích cuối mùa bóng 2022. Có nghĩa khoản nợ xấu của đội bóng đất Võ đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cầu thủ, huấn luyện viên cũng như nhân viên của chính họ vào thời điểm cuối năm.

Lý do được hiểu là các nhà tài trợ cho câu lạc bộ Bình Định gặp khó khăn về tài chính nên họ buộc thắt chặt chi tiêu, điều đó đồng nghĩa giảm tài trợ. Công ty cổ phần Bình Định Sport không còn nguồn thu như kế hoạch dự tính nên rơi vào trạng thái “giật gấu vá vai” và giải pháp họ đưa ra là tỉnh Bình Định hỗ trợ khẩn cấp 15 tỉ đồng từ ngân sách hoặc kêu gọi các đơn vị tài trợ khác để chi ngay cho các khoản như khen thưởng các cầu thủ, tiền thắng trận của đội bóng và có thể cả khoản “lót tay” của một số cầu thủ.

Đặc biệt, từ mùa bóng 2023 Công ty cổ phần Bình Định Sport đề nghị tỉnh Bình Định vận động thêm các nhà tài trợ đồng hành khác chung tay hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí hoạt động đội bóng (khoảng 60 tỉ đồng). Trong trường hợp không nhận được sự hỗ trợ từ phía tỉnh nhà thì số phận của câu lạc bộ Bình Định không biết sẽ trôi về đâu. Bởi không đủ kinh phí vận hành với con số lên đến cả trăm tỷ đồng, nhiều khả năng Công ty Bình Định Sport sẽ “buông” đội bóng và điều đó đồng nghĩa, câu lạc bộ Bình Định rơi vào khủng hoảng.

Quay trở lại tháng 12/2020, câu lạc bộ Bình Định làm lễ ra mắt nhà tài trợ mới và công bố đội hình mùa giải V-League 2021. Thời điểm đó, đội bóng đất Võ khiến sân chơi bóng đá nội chấn động khi ra mắt nhà tài trợ khủng với số tiền 300 tỷ đồng cho 3 mùa giải 2021 - 2023 và hướng đến cuộc đua tranh danh hiệu vô địch quốc gia.

Sân Quy Nhơn trở thành miền đất hứa, nơi tụ hội của nhiều cầu thủ ngôi sao. Theo thống kê vào tháng 8/2022, câu lạc bộ Bình Định chiêu mộ tới 14 cầu thủ, trong đó có nhiều bản hợp đồng đình đám như Văn Lâm, Đình Trọng, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Hà Đức Chinh…

Dàn sao trong đội hình giúp Bình Định cán đích V-League 2022 ở vị trí thứ 3 và về nhì tại Cúp Quốc gia 2022. Vậy nên, thông tin đội bóng nhà giàu được ví như “PSG Việt Nam” khủng hoảng, kéo theo nguy cơ giải thể đã khiến giới mộ điệu và cả chính người trong cuộc rơi vào cú sốc khác.

Khả năng lớn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định sẽ không cấp ngân sách như đề nghị của Công ty cổ phần Bình Định Sport. Phương án vận động các nhà tài trợ khác chung tay giải cứu cũng không dễ dàng thực hiện, trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Kinh phí hoạt động trong năm 2023 của đội Bình Định sẽ là bài toán khó, chưa tìm ra lời giải.

Cầu thủ Sài Gòn FC thất vọng khi phải xuống hạng Nhất 2023.

Cầu thủ Sài Gòn FC thất vọng khi phải xuống hạng Nhất 2023.

Nguyên nhân nào khiến đội bóng đất Võ từ đỉnh cao đang rơi xuống vực sâu? Ngay sau khi ra mắt nhà tài trợ, Bình Định đã mua sắm cầu thủ ồ ạt. Ước tính trong hơn 2 năm qua, đội bóng này đã chi 350 tỷ đồng, con số theo truyền thông Việt Nam đưa ra.

Như vậy, có thể hiểu, đội Bình Định đã chi tiêu vượt qua con số tài trợ 300 tỷ cho 3 năm như họ đã công bố. Điều quan trọng hơn, đội bóng này dường như đã tiêu trước cả khoản kinh phí của năm 2023!?

Trong khi đó, kết quả thu về chưa tương xứng, cộng với khả năng chưa thể tìm thêm nguồn tiền từ 2 nhà tài trợ chính khiến công ty quản lý đội bóng mất phương hướng.

Trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, nhà tài trợ của câu lạc bộ Bình Định phát đi thông cáo báo chí khẳng định sẽ tiếp tục tài trợ cho đội bóng này ở V-League 2023. Nhà tài trợ cho biết: “Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung, dù đối mặt với nhiều thách thức, chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì nguồn kinh phí cho đội bóng, đảm bảo thu nhập cho các cầu thủ và ban huấn luyện, giúp đội bóng an tâm cống hiến xuyên suốt mùa giải V-League 2023”.

Nhà tài trợ chính cho đội Bình Định cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tài trợ theo đúng cam kết. Tuy nhiên, đối tác này không quên kêu gọi sự “chia sẻ” cả về tình cảm và vật chất: Thông qua đây, chúng tôi bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp quý giá, chung sức gầy dựng nền bóng đá Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi mong muốn sự thấu hiểu và kêu gọi sự chung tay đồng hành của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, mạnh thường quân và cộng đồng để đưa bóng đá Bình Định nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung phát triển bền vững.

Như vậy, có thể hiểu, những khó khăn mà Công ty cổ phần Bình Định Sport đặt ra trong công văn gửi lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn chưa có hướng giải quyết ổn thỏa.

Ngay cả khi nhà tài trợ chính cam kết thực hiện đúng hợp đồng, vậy sau mùa giải 2023, đội bóng nhiều cầu thủ ngôi sao với khoản chi rất lớn về lương thưởng sẽ lấy đâu ra tiền để hoạt động bền vững vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Bóng đá Bình Định giờ giống như “người khổng lồ” đứng trên đôi chân đất sét, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Các cầu thủ Bình Định nhận Huy chương Đồng V-League 2022.

Các cầu thủ Bình Định nhận Huy chương Đồng V-League 2022.

Thực trạng đáng buồn

Những gì xảy ra với đội bóng Bình Định không mới. Thực ra nó là vấn đề của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tài trợ phải đối mặt xuyên suốt hơn 2 thập kỷ vừa qua. Đó là bài toán phát triển bền vững, cũng như làm gì có tiền nuôi đội bóng?

V-League đã chứng kiến các doanh nghiệp đến và đi, quá nhiều đội bóng được đưa lên “mây xanh” với những hợp đồng tài trợ khủng, bạo chi để rồi một thời gian ngắn lặng lẽ biến mất, hoặc vất vưởng tồn tại ở hạng thấp.

Vào tháng 8/2021, Than Quảng Ninh chính thức dừng hoạt động, sau khi một loạt các cầu thủ gửi đơn kêu cứu vì bị nợ lương, thưởng, lót tay trong gần 2 năm. Đến tháng 10 cùng năm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chính thức không cấp phép cho Than Quảng Ninh dự V-League 2022 vì không đáp ứng một loạt các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về tài chính. Lúc này, câu lạc bộ đã thanh lý gần 30 cầu thủ, các nhân sự khác cũng được bàn giao công việc...

Năm 2012, đội Navibank Sài Gòn tuyên bố dừng hoạt động vì hết kinh phí. Đội bóng có tiền thân là Quân khu 4, được bàn giao cho các nhà đầu tư tại TPHCM năm 2009, đổi tên thành Navibank Sài Gòn. Đội bóng này được đầu tư rất mạnh ở V-League 2011 và năm đó vô địch Cúp Quốc gia, giành quyền dự AFC Cup 2012.

Nhưng sau V-League 2012, ông chủ Navibank Sài Gòn bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động, vì hết… kinh phí. Ước tính trong 3 năm ngắn ngủi đá V-League, đội bóng này đã chi ra 300 tỉ đồng.

Sài Gòn Xuân Thành cũng là bài học đau đớn nữa của V-League. Đội bóng này tiền thân là đội hạng Nhất Hòa Phát V&V, được một doanh nghiệp mua suất vào cuối năm 2010, sau đó đổi tên và đưa vào TPHCM thi đấu. Nhà tài trợ đã chi ra hàng trăm tỉ đồng để đưa về hàng loạt cầu thủ ngôi sao, giành được chức vô địch hạng Nhất 2011, hạng 3 V-League 2012 và Cúp Quốc gia 2012. Tuy nhiên từ cuối năm 2012, nhà tài trợ bắt đầu chán bóng và V-League 2013 chỉ còn 2 vòng là kết thúc, họ tuyên bố bỏ giải và giải tán Sài Gòn Xuân Thành.

Và còn đó rất nhiều những cuộc ra đi day dứt khác như K.Kiên Giang, Hùng vương An Giang, Xi măng The Vissai Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội… Những đội bóng này đều có điểm chung, sau khi có nhà tài trợ và giành được thành tích nhất định đều được coi là hình mẫu của bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, từ Than Quảng Ninh cho đến Bình Định bây giờ, tất cả những doanh nhân được coi là thành đạt, có tài đều không giải nổi bài toán kinh phí hoạt động bền vững.

Trước khi Than Quảng Ninh giải thể, theo dữ liệu phân tích tài chính của tờ Viettimes, công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh, quản lý đội bóng đất Mỏ liên tiếp báo lỗ trong 3 năm gần nhất. Khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến nhiều nhà tài trợ rút lui.

Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh không thể cáng đáng được khoản tài chính nuôi câu lạc bộ từ 70 tỉ đồng đến 80 tỉ đồng/năm, trong khi những khoản nợ lương, thưởng, chi phí “lót tay” cho cầu thủ ngày càng nhiều hơn. Trước khi giải thể, số nợ ước tính của Than Quảng Ninh có thể lên 90 tỷ đồng.

Không chỉ đội Bình Định, mùa bóng 2022 khép lại cũng là lúc số phận của đội Sài Gòn FC chưa biết đi về đâu. Cầu thủ đội bóng này đã không chịu ký giấy thanh lý hợp đồng do chưa được lãnh đạo Sài Gòn FC thanh toán tiền thưởng và lót tay của mùa bóng 2022. Nhà tài trợ cũng không còn mặn mà và gần như sẽ buông sau khi Sài Gòn FC phải xuống hạng Nhất 2023. Việc giải quyết thủ tục cho toàn bộ cầu thủ sau khi mùa giải 2022 kết thúc của đội bóng này được coi là động thái cần thiết trước khi giải thể.

Sài Gòn FC đã rơi vào trạng thái bất ổn từ lâu và điều đó thường xuyên xảy ra trong quá trình họ tham dự V-League 2022. Như trước chuyến làm khách của Nam Định ở trận quyết định vé trụ hạng tại vòng 25, hai cầu thủ Olsen và Nanitelamio từ chối đi cùng bởi do lãnh đạo câu lạc bộ không thanh toán tiền lót tay còn nợ. Thời điểm đó, Sài Gòn FC được cho là còn nợ các cầu thủ khoảng 3 tỷ đồng tiền thưởng cho các trận thắng và hòa, cùng 50% số tiền lót tay trong năm của toàn đội.

Cũng trong mùa giải 2022, đội hạng Nhất Cần Thơ nhiều lần đứng trên miệng vực của giải thể. Có thời điểm, do không thể giải quyết chuyện nợ lương thưởng, các cầu thủ Cần Thơ quyết định đình công và huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng xin từ chức. Hoặc các cầu thủ Cần Thơ chỉ chấp nhận lên đường ra Khánh Hoà đấu vòng cuối giải hạng Nhất 2022 sau khi được chi trả một phần khoản nợ. Hiện đội hạng Nhất Cần Thơ vẫn đang tìm nhà tài trợ và số phận đội bóng Tây đô như thế nào thì chưa thể có được đáp án chính xác.

Ngoài ra, cũng trong thời điểm cầu thủ Cần Thơ đình công, nhiều cầu thủ đội hạng Nhất Phù Đổng lên mạng chia sẻ nỗi lo về việc bị nợ lương, thưởng kéo dài. Nhiều người phải đi đá phủi hoặc bỏ tiền tiết kiệm/đi vay để trang trải sinh hoạt.

Thực tế, mùa giải nào cũng vậy, nợ lương, thưởng và các chế độ là câu chuyện lặp đi lặp lại của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Từ đó cho thấy những vấn đề bất cập, thiếu ổn định của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ nền tảng là các câu lạc bộ. Trong đó, kinh phí hoạt động luôn là vấn đề đau đầu nhất với lãnh đạo các đội bóng, đơn vị quản lý.

Ðến nay, sau hơn 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, phần lớn các câu lạc bộ bóng đá vẫn phụ thuộc vào sự tài trợ của doanh nghiệp hay đúng hơn là cá nhân các ông chủ quyền lực. Do vậy, sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn khá bấp bênh.

Sự tồn tại và phát triển của các câu lạc bộ hoàn toàn tùy thuộc vào sự đầu tư của doanh nghiệp và có khi là cả tâm tính của “ông chủ”. Ngược lại, việc các câu lạc bộ chi tiêu “vung tay quá trán” để lấp đầy các khoảng trống trong khi nguồn thu rất hạn chế thì không doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được.

Và đến lúc này, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có được những câu lạc bộ có thể tự “nuôi mình”, làm ra tiền từ bóng đá theo mô hình chuyên nghiệp như nhiều nước đã làm qua việc kinh doanh dịch vụ, quảng cáo thương hiệu, bán vé vào sân... Vậy nên, Than Quảng Ninh, hay đội bóng nào sụp đổ cũng là điều dễ hiểu!

Chuyện ở Bình Định, hay Cần Thơ có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn đề tài chính của các câu lạc bộ. Gần 3 năm do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp đang tài trợ cho bóng đá thực sự rơi vào khó khăn. Bên cạnh đó, câu chuyện doanh nghiệp nhận làm bóng đá để đổi lại những “ưu ái” nào đó của địa phương vẫn luôn để lại câu chuyện buồn. Thuận buồm xuôi gió thì không sao, song đến khi một trong hai bên, doanh nghiệp và địa phương không còn ở thế “win-win”, đội bóng sẽ là nơi hứng chịu hậu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ