Trong 3 ngày tập huấn trực tiếp, giáo viên cốt cán cấp THCS, THPT của hai tỉnh được 42 giảng viên chủ chốt của Trường ĐHSP, ĐH Huế hướng dẫn thực hiện mô đun 2 về “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.
Theo đó, 3 nội dung được tập trung tập huấn là: Các xu hướng hiện đại về phương pháp, kĩ thuật dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh THCS, THPT; lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo môn học/hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT 2018; lựa chọn, xây dựng các chiến lược dạy học, giáo dục hiệu quả phù hợp với đối tượng học sinh THCS, THPT.
Chia sẻ về điểm mới của mô đun 2, bà Ngô Thanh Thủy - chuyên gia tư vấn Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết: Khi tiếp cận mô đun 2, các thầy cô giáo có thể gặp lại các phương pháp, kĩ thuật dạy học đã được bồi dưỡng và sử dụng trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, một trong những điểm mới và cốt lõi của mô đun mà các tác giả và Chương trình ETEP muốn truyền tải tới thầy cô giáo là cách thức thiết kế và tổ chức dạy học hướng tới tổ chức hoạt động học nhằm tích cực hóa hoạt động của học sinh.
"Các thầy cô cần nắm vững cách thiết kế và tổ chức dạy học theo chủ đề/ bài học theo các chuỗi hoạt động tuân theo một quy trình của một phương pháp dạy học cụ thể, tuân theo nguyên tắc học sinh thực hiện hoạt động nào thì sẽ phát triển năng lực đó.
Hi vọng các thầy cô sẽ là những nhân tố tích cực lan tỏa những đổi mới, xây dựng được cộng đồng học tập chuyên môn tại trường, tại địa phương mình; giúp đồng nghiệp tự tin, sẵn sàng thực hiện những đổi mới trong Chương trình GDPT 2018” – chuyên gia Ngô Thanh Thủy chia sẻ.
Trải qua 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp, cô Lê Đặng Ngọc Thúy - Tổ trưởng chuyên môn Hóa học, Trường THPT Hùng Vương, tỉnh Bình Định nhận định: mô đun 2 có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với giáo viên. Trong đợt tập huấn, chúng tôi được chuẩn bị kĩ càng với tập huấn 7 ngày trên mạng và tài liệu hướng dẫn rất cụ thể, có video minh họa cho phương pháp dạy học mới.
Đây là vấn đề cần thiết và thiết thực với giáo viên hiện nay. Bởi vì thông qua các giờ sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ các phương pháp dạy học tích cực: Phương pháp dạy học hợp tác, phương pháp dạy học khám phá và phương pháp dạy học giải quyết vấn đề; các kĩ thuật dạy học tích cực như công não, sơ đồ tư duy... Đó là những phương pháp, kĩ thuật cần thiết để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tham gia tập huấn, ông Hồ Xuân Ninh - chuyên viên Phòng GD&ĐT thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Đình chia sẻ cảm nhận: giảng viên truyền đạt rõ ràng, chi tiết, đi từ khái quát đến cụ thể giúp người được tập huấn lĩnh hội cách thức và hình thành những kĩ năng giải quyết vấn đề có liên quan đến phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
"Sau đợt tập huấn này, chúng tôi sẽ tập huấn cho giáo viên địa phương để nắm được tinh thần cũng như phương pháp phát triển phẩm chất, năng lực và chuẩn bị cho những mô đun tiếp theo." - ông Ninh cho hay.
Trong đợt bồi dưỡng này, 348 giáo viên cốt cán được chia thành 16 lớp bồi dưỡng theo môn học để cùng giảng viên sư phạm chủ chốt nghiên cứu, tìm hiểu, thực hành các phương pháp dạy học theo nội dung tài liệu mô đun 2 đã thiết kế.
Trước đó, giáo viên cốt cán của hai tỉnh đã tham gia 7 ngày bồi dưỡng online qua hệ thống LMS. Qua đợt tập huấn, các thầy cô sẽ có nền tảng vững chắc về phương pháp dạy học và áp dụng hiệu quả vào thực tế giảng dạy, triển khai tốt Chương trình GDPT 2018.