Bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có nguyện vọng làm giáo viên: Trường sư phạm “bắt tay” vào việc

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT mới ban hành 2 Thông tư hướng dẫn về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên.

Sinh viên Trần Thu Hà (thứ ba từ phải qua trái). Ảnh: NVCC
Sinh viên Trần Thu Hà (thứ ba từ phải qua trái). Ảnh: NVCC

Quy định này giúp nhiều sinh viên có thể hiện thực hóa ước mơ được đứng trên bục giảng. 

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Phấn khởi khi biết Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên; Trần Thu Hà – sinh viên lớp K43 ngành cử nhân Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 bộc bạch: Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội trở thành giáo viên đang đến rất gần với em. Em sẽ cố gắng học thật tốt để có tấm bằng cử nhân, sau đó sẽ đăng ký học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để được cấp chứng chỉ, biến ước mơ trở thành hiện thực.

Thực tế nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, trên đại học mong muốn trở thành giáo viên, nhưng vì không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nên dù đã có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp cũng không có cơ hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT phù hợp với thực tiễn khách quan và luật định.

TS Cao Bá Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) khẳng định: Sự ra đời của Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các địa phương, đặc biệt đối với nhu cầu tuyển dụng các môn đặc thù như: Giáo dục thể chất, Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ… 

Hiện nhiều địa phương thiếu giáo viên dạy các bộ môn liên quan đến năng lực này. Trong khi, nguồn cử nhân ngoài ngành sư phạm, có năng lực chuyên môn giỏi, nhưng lại không đủ điều kiện làm giáo viên do chưa học qua nghiệp vụ sư phạm. Điều này đã được các sở GD&ĐT đưa ra trong các hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ sư phạm. Theo đó, hầu hết các ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có trình độ cử nhân chuyên ngành phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu của các địa phương, và có được nguồn giáo viên chuyên môn tốt.

“Đứng trên góc độ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy, trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm của các trường sư phạm, mỗi sinh viên đều có khoảng 30 - 35 tín chỉ học về nghiệp vụ sư phạm, nhằm phát triển năng lực nghiệp vụ. Còn lại là các tín chỉ nhằm phát triển năng lực chuyên ngành. Trong đó, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được đưa ra ở Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT có số tín chỉ tương tự. Người tốt nghiệp cử nhân (chuyên ngành phù hợp) đã đáp ứng đủ về các năng lực chuyên ngành. Vì vậy, sau khi bồi dưỡng chương trình nghiệp vụ sư phạm, các em hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia giảng dạy ở bậc phổ thông” - TS Cao Bá Cường khẳng định.

Một lớp học của ngành cử nhân Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC
Một lớp học của ngành cử nhân Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Lên kế hoạch triển khai

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, nhấn mạnh, Thông tư được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện quy định Luật Giáo dục 2019 về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Theo đó, Thông tư ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho các đối tượng không được đào tạo sư phạm, nhưng có nguyện vọng trở thành giáo viên; đặc biệt là cho các môn học còn thiếu giáo viên do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là ở một số môn học đặc thù như: Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ...

“Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ “Có nguyện vọng trở thành giáo viên”. Đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu học viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng, việc có được tuyển dụng vào làm giáo viên hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng. Tức là loại hình giáo viên đó có thiếu hay không?” - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi.

Khẳng định, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã thực hiện và tiếp tục có kế hoạch triển khai các hoạt động bồi dưỡng, TS Cao Bá Cường nhấn mạnh: Trường sẽ tập trung vào phát triển năng lực cho đội ngũ giảng viên cả về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhằm thực hiện tốt việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên và các đối tượng có nhu cầu. Đồng thời, nâng cao nhận thức và kĩ năng cho đội ngũ giảng viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, gắn kết quá trình đào tạo với bồi dưỡng giáo viên.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể. Cùng với đó, thành lập các ban soạn thảo tài liệu bồi dưỡng chương trình, bám sát đề cương, nội dung và yêu cầu của Thông tư. Ngoài ra, tổ chức các hội thảo về tài liệu bồi dưỡng và hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để thực hiện tốt chủ trương này.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Thông tư quy định: Các cơ sở đào tạo giáo viên được Bộ cho phép mở mã ngành đào tạo nào được tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho môn học thuộc mã ngành đó. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những ai có nhu cầu. Trước hết, nhà trường căn cứ vào quy định tại Thông tư, rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài liệu, học liệu nhằm bảo đảm chất lượng trong quá trình triển khai. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.