Bồi dưỡng kiến thức trong dạy tập đọc lớp 5

GD&TĐ - Dạy đọc trong môn Tiếng Việt là dạy tiếp nhận văn bản, một trong những kỹ năng cơ bản và quan trọng bậc nhất trong dạy học Tiếng Việt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vì nó cung cấp ngữ liệu, cách thức, khởi nguồn sáng tạo và cảm hứng để học các phân môn còn lại, quyết định tới chất lượng học tập môn Tiếng Việt và các môn học khác.

Muốn phát triển năng lực đọc, trước hết phải dạy học sinh kỹ năng đọc thành tiếng với các yêu cầu trọng tâm là đọc tròn vành rõ tiếng các âm tiết tiếng Việt, đọc đúng tốc độ để có thể lĩnh hội được nội dung văn bản và biết ngắt nghỉ phù hợp. Đối với các văn bản nghệ thuật, dạy các em đọc diễn cảm sau khi đã tiến hành tìm hiểu bài.

Yêu cầu cao nhất trong dạy đọc ở bậc Tiểu học là Đọc mở rộng: Học sinh tìm các văn bản cùng chủ để, bổ sung cho bài học ở ngoài sách giáo khoa (sách tham khảo, báo và tạp chí, Internet…), ghi chép được câu thơ, đoạn văn, chi tiết, hình ảnh mình yêu thích và bước đầu lí giải được vì sao yêu thích, tóm tắt ngắn gọn nội dung đọc hay nêu một vài câu cảm nhận về bài đọc.

Kĩ năng đọc được hình thành và luyện tập trong tất cả các môn học nhưng thể hiện rõ nét nhất trong phân môn Tập đọc.

Để thực hiện được các yêu cầu này, tôi xin phép được minh họa qua một tiết học: Hạt gạo làng ta.

I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

1. Kiến thức, kĩ năng

- Hiểu nội dung, ý nghĩa: Hạt gạo được làm nên từ công sức của nhiều người, là tấm lòng của hậu phương với tiền tuyến trong những năm chiến tranh. (Trả lời được các câu hỏi trong sách giáo khoa, thuộc lòng 2 - 3 khổ thơ).

- Biết đọc diễn cảm bài thơ với giọng nhẹ nhàng, tình cảm.

2. Năng lực, phẩm chất

- Năng lực tự chủ và tự học trong quá trình tự đọc và làm việc nhóm, năng lực giao tiếp và hợp tác trong quá trình luyện đọc với bạn, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo trong phần xác định giọng đọc, tìm hiểu bài…

- Năng lực văn học, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ (cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong thế giới ngôn từ).

- Yêu quý những người làm ra hạt thóc, hạt gạo, trân quý những sản phẩm mà họ làm ra.

II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

Tranh minh họa bài đọc trong sách giáo khoa, tư liệu về nhà thơ Trần Đăng Khoa, một số hình ảnh, nội dung về hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

1. Khởi động:

Cho học sinh nghe và hát bài hát Hạt gạo làng ta

Dẫn dắt, chiếu hình ảnh nhà thơ và giới thiệu Trần Đăng Khoa (sinh năm 1958), quê ở Ðiền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, Hải Dương. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là một thần đồng thơ văn, lên tám tuổi đã có thơ được đăng báo.

“Hạt gạo làng ta” (In trong tập “Góc sân và khoảng trời”, 1968) là một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

“Hạt gạo làng ta” là hình ảnh mang tính biểu tượng, hạt gạo hay cũng chính là những hạt ngọc của quê hương.

- Qua bài thơ, Trần Đăng Khoa cũng gửi gắm sự biết ơn đến những người dân lao động hai sương một nắng. Từ đó giúp chúng ta biết trân trọng hơn sự vất vả chân lấm tay bùn để tạo ra những hạt gạo quý giá.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

2. Hình thành kiến thức mới:

a) Luyện đọc

- 1 học sinh đọc toàn bài, cả lớp đọc thầm.

- Học sinh xác định số khổ thơ trong bài (5 khổ)

* Luyện đọc Vòng 1: 5 học sinh đọc nối tiếp đọc 5 đoạn và phát hiện từ khó đọc trong bài trong quá trình đọc và nghe bạn đọc.

- Học sinh nêu các từ khó đọc, giáo viên chiếu lên bảng: (dự kiến: phù sa, quang trành, quyết, tiền tuyến...)

- Học sinh luyện đọc từ ngữ khó, đọc câu thơ có chứa từ khó.

- Học sinh đọc đoạn nối tiếp kết hợp giải nghĩa từ: Kinh Thầy, hào giao thông, quang trành, giáo viên hỗ trợ thêm bằng hình ảnh

* Vòng 2: Đọc nối tiếp khổ thơ trong nhóm, nêu các khổ khó đọc, khó ngắt nhịp thơ.

- Học sinh báo cáo kết quả, và nêu cách đọc, giọng đọc.

Giáo viên kết luận: Bài thơ này các các em cần đọc với giọng nhẹ nhàng tình cảm, thiết tha, cần nhấn giọng tự nhiên ở các từ thể hiện sự vất vả của người mẹ. Kết thúc mỗi dòng thơ các em nghỉ hơi như một dấu phẩy và chú ý cách đọc các dòng ở một số khổ thơ. Ở khổ 2 đọc với giọng nhanh hơn, vui tươi thể hiện nhịp độ làm việc khẩn trương và niềm vui trong lao động của các bạn nhỏ.

Chuyển tiếp: Vừa rồi các em đã được luyện đọc nối tiếp các khổ thơ, luyện đọc 1 số từ khó, câu khó, được nghe giải nghĩa một số từ. Để đọc tốt hơn, mời các em luyện đọc trong nhóm 5, mỗi bạn 1 khổ.

- Học sinh đọc đoạn trong nhóm 5.

- Gọi một nhóm đọc trước lớp – học sinh khác nhận xét bạn đọc – giáo viên nhận xét.

- Giáo viên đọc diễn cảm toàn bài, học sinh lắng nghe.

Chuyển tiếp: Qua phần luyện đọc vừa rồi cô nhận thấy các em đã có nhiều cố gắng, một số em đọc bài tương đối tốt, để hiểu nội dung bài thơ cô trò chúng ta cùng bước sang phần Tìm hiểu bài.

b) Tìm hiểu bài

- Đọc khổ thơ 1 và trả lời câu hỏi:

+ Em hiểu hạt gạo được làm nên từ những gì? (Hạt gạo được làm nên từ tinh tuý của đất có vị phù sa; của nước: Có hương sen thơm trong hồ nước đầy và có công lao, tình cảm của mẹ: Có lời mẹ hát ngọt bùi).

- Học sinh đọc khổ thơ 2.

+ Những hình ảnh nào tả nỗi vất vả của người nông dân? (Giọt mồ hôi sa; Những trưa tháng Sáu; Nước như ai nấu; Chết cả cá cờ; Cua ngoi lên bờ; Mẹ em xuống cấy).

- Em hãy tìm cặp từ trái nghĩa trong khổ thơ (lên – xuống).

Sử dụng cặp từ trái nghĩa để thể hiện hình ảnh đối lập Cua ngoi lên bờ vì nước tháng 6 quá nóng, không thể chịu được nhưng Mẹ em xuống cấy, nhằm gợi tả hình ảnh lao động vất vả của người mẹ chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, từ đó nhấn mạnh giá trị quý giá của hạt gạo được làm ra.

- Học sinh đọc các khổ còn lại.

+ Tuổi nhỏ đã góp sức như thế nào để làm ra hạt gạo? (Thiếu nhi đã thay cho các anh ở chiến trường gắng sức lao động, làm ra hạt gạo tiếp tế cho tiền tuyến. Hình ảnh các bạn chống hạn vục mẻ miệng gầu, bắt sâu lúa cao rát mặt, gánh phân quang trành quết đất là những hình ảnh cảm động nói lên nỗ lực của thiếu nhi dù nhỏ và chưa quen lao động vẫn cố gắng đóng góp công sức để làm ra hạt gạo).

+ Vì sao tác giả lại gọi hạt gạo là hạt vàng? (Hạt gạo rất quý. Hạt gạo làm ra nhờ đất nhờ nước, nhờ mồ hôi công sức của mẹ cha, của các bạn thiếu nhi. Hạt gạo đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc).

* Học sinh làm việc theo nhóm 4, nêu ý nghĩa của bài thơ. (Giáo viên sử dụng kĩ thuật dạy học Khăn trải bàn để yêu cầu học sinh tìm ý nghĩa của bài thơ. Hạt gạo được làm nên từ công sức của cha mẹ, của các bạn thiếu nhi là tấm lòng hậu phương góp phần vào chiến thắng của tiền tuyến trong thời kì chống Mĩ cứu nước).

Chuyển tiếp: Vừa rồi chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu nội dung của bài thơ, để đọc được tốt hơn, hay hơn cô mời các em cùng chuyển sang phần đọc diễn cảm và học thuộc lòng bài thơ.

c) Đọc diễn cảm và học thuộc lòng

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng Bảy

Có mưa tháng Ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng Sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy...

Hạt gạo làng ta

Những năm bom Mỹ

Trút trên mái nhà

Những năm cây súng

Theo người đi xa

Những năm băng đạn

Vàng như lúa đồng

Bát cơm mùa gặt

Thơm hào giao thông…

- Học sinh tự đọc thầm và xác định giọng đọc, giáo viên phát hiện mời các em đọc tốt lên đọc trước lớp.

- Học sinh luyện đọc diễn cảm.

- Học sinh thi đọc thuộc và diễn cảm bài thơ.

- Giáo viên nhận xét và nhận xét học trò.

- Cả lớp hát bài Hạt gạo làng ta.

3.Vận dụng và vận dụng nâng cao

a) Vận dụng

- Trong bài thơ có những câu thơ, từ ngữ nào được lặp lại?

- Học sinh trả lời

- Giáo viên kết luận: Cách tác giả sử dụng lặp đi lặp lại một từ hay cụm từ chính là sử dụng biện pháp điệp từ điệp ngữ nhằm nhấn mạnh giá trị của hạt gạo. Đó là sự hội tụ tinh túy của đất trời, của mưa, gió, của hương sen và cả giọt mồ hôi của mẹ… từ đó tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc, người nghe.

b) Vận dụng nâng cao (Giao về nhà)

Em hãy viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 10 câu để nói những cảm nhận của mình về bài thơ.

- Các em làm vào vở Luyện tập chung, đầu tiết tập đọc tuần sau cô mời các chia sẻ.

- Tổng kết tiết học

Phân môn Tập đọc cung cấp các kiến thức văn học, kiến thức đời sống về con người, thiên nhiên. Các bài tập đọc là những văn bản với các thể loại khác nhau.

Nếu chỉ dạy với yêu cầu, mục đích của một tiết dạy tập đọc theo chương trình thì không thể hướng dẫn học sinh nắm bắt và hiểu hết giá trị nghệ thuật cũng như nội dung của văn bản nghệ thuật trong phân môn Tập đọc.

Do đó sẽ khó giúp các em cảm thụ hết cái hay, cái đẹp của bài tập đọc bởi một bài tập đọc chính là một văn bản nghệ thuật. Thiên nhiên và con người luôn là đề tài bất tận cho chúng ta khám phá. Vì vậy ở mỗi thể loại văn đều có vô số đề bài yêu cầu học sinh viết thành những bài văn khác nhau về tả cảnh, tả người…

Với học sinh tiểu học, có thể hiểu biết của các em còn hạn chế, sự tưởng tượng của các em chưa phong phú, có những cảnh các em chưa được biết đến, có những người các em chưa được tiếp xúc, có những con vật, cây cối, đồ vật các em chưa được nhìn thấy, nhưng tình yêu đối với cảnh vật xung quanh và mong muốn được bộc lộ ra bên ngoài tình cảm, cảm xúc, ý kiến cá nhân của các em thì luôn cần được chúng ta động viên, tôn trọng, bồi đắp.

Trách nhiệm hướng dẫn cho các em kỹ năng cảm thụ và khả năng diễn đạt là giáo viên, môi trường để thực hành các kỹ năng chính là các bài Tập đọc và các bài làm Tập làm văn ngay từ khi bắt đầu tiếp cận phân môn này.

Vì vậy, giáo viên tiểu học, bên cạnh việc rèn luyện khả năng đọc tròn vành rõ chữ, biết ngắt nghỉ câu đúng, hiểu được nội dung văn bản theo yêu cầu phổ thông lâu nay cần chú tâm bồi đắp khả năng cảm thụ để các em có thể diễn đạt ý nghĩ bằng chính ngôn ngữ và cảm xúc của bản thân.

Đây cũng chính là bước đầu bồi dưỡng tình yêu văn học, khả năng văn chương, một yêu cầu rất quan trọng trong qúa trình học tập làm việc sau này của các em.

Quả ngọt là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu, hi vọng các em học sinh sẽ bước vào chương trình các cấp học tiếp theo bằng tình yêu và năng lực văn học được bồi đắp từ chính những bài Tập đọc nhẹ nhàng mà lý thú ở chương trình tiểu học.

Môn Tiếng Việt lớp 4, 5 hiện hành đang được phân chia thành các phân môn: Tập đọc, Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu và Tập làm văn. Mỗi phân môn bên cạnh chức năng chung của môn học thường đảm nhận một nhiệm vụ riêng. Phân môn Tập đọc nhằm hình thành và phát triển kỹ năng đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc; Ghi chép được vắn tắt ý tưởng, chi tiết quan trọng vào phiếu đọc sách hoặc sổ tay; Đánh giá được giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản hoặc liên hệ được văn bản với cuộc sống; Biết tìm văn bản để tự đọc mở rộng và bước đầu biết ghi chép phản hồi (Ghi lại câu thơ yêu thích sau khi đọc; nêu nhân vật yêu thích và giải thích lí do vì sao yêu thích, tóm tắt lại câu chuyện đã đọc...). Cảm nhận được giá trị văn học, giá trị ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật, các hình ảnh đẹp trong tác phẩm văn học là một trong những năng lực, phẩm chất giáo viên cần bồi đắp cho học sinh mà Công văn số 3799/BGDĐT GDTH đã nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ