Hiệu quả của Mô hình VNEN trong dạy học môn tập đọc

GD&TĐ - Ngoài một số trường tiểu học trên địa bàn thị xã La Gi (Bình Thuận) dạy học theo Mô hình Trường học mới VNEN, những trường học còn lại cũng đã và đang lồng ghép chương trình dạy học mới vào tất cả các môn học. Qua giảng dạy thực tế, hiệu quả mang lại rõ nét nhất là phân môn tập đọc từ khối lớp 2 đến khối lớp 5.

Hiệu quả của Mô hình VNEN trong dạy học môn tập đọc

Nếu như trước đây, ở chương trình hiện hành, dạy phân môn tập đọc, giáo viên phải tuân thủ theo quy trình có sẵn từng bước cụ thể. Khi dạy, thầy cô phải bắt buộc thực hiện đúng quy trình đó mà không được phép bỏ bước nào. Phương pháp sử dụng chủ yếu ở phân môn Tập đọc là hỏi - đáp. Học sinh cũng chỉ được đọc bài có giới hạn bình quân một tiết học các em chỉ được đọc 1 lượt/ học sinh. Từ khi vận dụng phương pháp dạy VNEN vào phân môn tập đọc, đã có nhiều bước chuyển mới mang lại hiệu quả cao.

Vào tiết học, giáo viên phát phiếu học tập đã được chuẩn bị từ trước cho các nhóm. Trong tờ phiếu ghi những nội dung mà thầy cô đã thiết kế trước. Đó là những lệnh hướng dẫn học sinh trình tự sinh hoạt nhóm cho hiệu quả.

Ví dụ: Để dạy bài tập đọc: Trận bóng dưới lòng đường (tập đọc lớp 3 tuần 7); Phiếu hướng dẫn ghi: Nhóm trưởng cho các bạn đọc nối tiếp câu, nối tiếp đoạn, đọc một số từ khó, đọc từ chú giải, đọc đồng thanh nhóm và trả lời từng câu hỏi trong sách giáo khoa. Từng thành viên trong nhóm đọc độc lập, nhóm trưởng kiểm tra lại rồi báo cáo với cô.

Giáo viên có thể kiểm tra từng em hoặc đại diện nhóm. Hỏi ý kiến đánh giá nhận xét về cách học của từng cá nhân và của từng bạn trong nhóm để kết thúc phần tự học nhóm. Trong quá trình theo dõi, giám sát, giáo viên thấy cần thống nhất trước lớp một số nội dung nào đó, các em sẽ được trở về cách học cả lớp như trước đây.

Nhóm trưởng ở các nhóm học tập vừa là một thành viên trong nhóm, vừa đóng vai trò như “cô giáo nhỏ”. Các em sẽ nhìn vào phiếu hướng dẫn được phát để điều khiển mọi hoạt động của nhóm. Từ việc đọc câu, từ chú giải, từ khó, đọc đoạn đến trả lời các câu hỏi được nhóm trưởng điều khiển các bạn lần lượt trả lời.

Vai trò của thầy cô lúc này thật sự chỉ là người quan sát, giúp đỡ một số học sinh còn yếu và “chờ đợi” các nhóm cần sự cứu trợ. Khi gặp vấn đề khó, học sinh trong nhóm chưa hiểu, chưa thể trả lời rõ ràng được, các em đưa bảng cứu trợ. Giáo viên đến tư vấn, giúp đỡ và giảng giải… Nhờ cách học này, học sinh được phát âm, được đọc, được trả lời các câu hỏi một cách nhiều lần. Vì thế, kĩ năng đọc của học sinh cũng dần được nâng lên. Thông qua cách đặt và trả lời câu hỏi, các em được tự do bày tỏ quan điểm, được tranh luận, được đề đạt ý kiến, nguyện vọng với bạn, với cô…nhờ đó các em dạn dĩ hơn nhiều.

Luôn tiếp cận cái mới để thay đổi phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp, nhờ vậy, những tiết tập đọc ở chương trình hiện hành của các trường tiểu học trên địa bàn thị xã La Gi đã và đang giúp học sinh có thêm nhiều kĩ năng đọc đúng, đọc hiểu, giúp các em tự tin trong cách trả lời câu hỏi một cách hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.