Sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp
Là một trong những giáo viên cốt cán, cô Đoàn Thị Luyên –Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) cho biết: ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do các cơ quan quản lý giáo dục tổ chức, thời gian này, cô còn tham gia hỗ trợ, bồi dưỡng cho giáo viên đại trà.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động hỗ trợ được thực hiện theo hình thức trực tuyến. “Chỗ nào chưa hiểu, tôi và các đồng nghiệp cùng chát box hoặc gọi điện trao đổi với nhau để cùng tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất” - cô Đoàn Thị Luyên chia sẻ, đồng thời cho hay: Cô đã xây dựng tài liệu để có thể hỗ trợ đồng nghiệp của mình một cách bài bản, khoa học. Quan trọng là, thông qua tài liệu, giáo viên có thể tự học, tự bồi dưỡng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Cũng bằng cách này, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) đã hỗ trợ đồng nghiệp của mình thông qua các nhóm Zalo, facebook. Thi thoảng cô đưa ra một vài chủ đề, hoặc tình huống sư phạm, phương pháp dạy học mới để mọi người trong nhóm cùng nhau thảo luận; từ đó mỗi người sẽ tự rút ra bài học kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn lớp học mà mình phụ trách.
Theo cô Bình, mỗi giáo viên cần thay đổi về phương pháp dạy học, nhằm khơi nguồn cảm hứng cho học sinh. Bên cạnh đó, cần tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm. Qua đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cũng là một trong những giáo viên cốt cán, thầy giáo Lương Văn Hiệp - Trường THCS Gia Lộc (Chi Lăng, Lạng Sơn) đã được tham gia bồi dưỡng 3 mô – đun 1, 2, 3 gồm: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Thông qua các khoá bồi dưỡng, thầy đã biết thêm nhiều phương pháp dạy học như: truy vấn, dạy học theo dự án, mô hình lớp học đảo ngược và các kỹ thuật giảng dạy như: hỏi đáp, làm việc nhóm, thuyết trình…
Sau mỗi khoá tập huấn, thầy Hiệp chủ động “bắt tay” xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng: chú trọng hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.
Do đó, thầy luôn khơi nguồn cảm hứng, tạo động lực để đồng nghiệp cùng thay đổi, tạo điều kiện cho học sinh được chủ động tiếp nhận kiến thức; qua đó, giúp các em nhớ lâu và hiểu sâu bài học hơn.
Đào tạo "máy cái”
Theo các chuyên gia, để hoạt động bồi dưỡng thường xuyên và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Sở GD&ĐT – trường phổ thông và mối quan hệ giữa các trường sư phạm.
TS Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm (Trường Đại học Vinh) chia sẻ, nhà trường đã làm tốt việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ giảng viên, sắp xếp lịch giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng.
Trong quá trình bồi dưỡng, các giảng viên đã tiết chế cung cấp lý thuyết, dành nhiều thời gian cho học viên chia sẻ bài học thực tiễn. Chỉ khi đặt học viên vào tiến trình của sự thay đổi, để họ tự nhận thấy mình phải thay đổi, thì khi đó các hoạt động giáo dục ở nhà trường mới phát huy hiệu quả như mong muốn.
Theo PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, bên cạnh công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ cốt cán, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đại trà. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt cần xác định: tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán là đào tạo "máy cái”, để từ đó tạo sự lan tỏa theo hình thức “vết dầu loang” đến đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của các địa phương trên cả nước.