Giáo viên phải có những phẩm chất và năng lực mới
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo từng bước thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 – NQ/TW. Thực tế này đã và đang đòi hỏi giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục phải có những phẩm chất và năng lực mới trong phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lí chuyên môn trong nhà trường. Theo đó, việc bồi dưỡng, đào tạo lại một số lượng lớn GV các cấp học là nhu cầu tất yếu.
Thực tế cho thấy, đội ngũ GV đang giảng dạy ở hệ thống trường các cấp còn một tỉ lệ khá lớn chưa đạt chuẩn về đào tạo và cũng không ít những GV được đào tạo có bằng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, vì vậy khi thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa, phần lớn GV này chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp, vẫn dạy theo phương pháp truyền thống, truyền thụ kiến thức một chiều, hoặc rất lúng túng khi sử dụng phương pháp mới. Điều đó vừa không kích thích sự hứng thú học tập của học sinh vừa làm cho người học thụ động trong quá trình học tập.
Trước thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cho rằng, đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng GV bằng cách tối ưu hóa ưu điểm của công nghệ thông tin sẽ là một lựa chọn hợp lí. Và dù ở mức độ nào, nội dung nào thì công tác bồi dưỡng giáo viên chỉ đạt hiệu quả cao khi nó chuyển hóa được từ việc được bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng một cách thường xuyên, liên tục.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Từ thực tế chỉ đạo, điều hành công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc, Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho rằng, công tác bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL và giáo viên là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.
Giáo viên phải được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng sao cho họ vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học, chuyên đề ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với lĩnh vực một lĩnh vực ngành nghề. Đó là giải pháp lâu dài, bền vững mà trước hết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.
Trong xã hội đổi thay ngày nay, một giáo viên được đào tạo ở trường đại học dù có giỏi đến đâu mà không thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức thì cũng không thể khẳng định mình có đầy đủ kiến thức, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu thực tế. Giáo viên cần học tập bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế - xã hội, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu nhiệm vụ năm học, yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong đơn vị.
Việc thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên sẽ trang bị kiến thức về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nâng cao mức độ đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Như vậy có thể thấy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay thì chúng ta phải quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Bà Hoàng Thị Lý cho biết, từ năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã phối hợp với Trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu cho giáo viên cấp THPT. Đối với giáo viên cấp THCS, Sở GD&ĐT thành lập đoàn báo cáo viên gồm những chuyên viên thuộc Sở, giảng viên, giáo viên có trình độ cao, có kinh nghiệm và uy tín từ các cơ sở giáo dục về bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn tại các địa phương huyện, thị xã, thành phố.
Sau khi bồi dưỡng, Sở GD&ĐT đã tổ chức đánh giá và thông báo kết quả để các đơn vị làm căn cứ đánh giá xếp loại BDTX cho giáo viên; đồng thời tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu đánh giá của người học về lớp bồi dưỡng. Qua ý kiến đánh giá của người học, Sở GD&ĐT nhận thấy việc Sở phối hợp với trường Đại học sư phạm Hà Nội và Phòng GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cấp THPT và THCS đạt kết quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết thực về nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Lý, CBQL, GV vẫn phải thực hiện hình thức tự bồi dưỡng trước khi đến lớp tập trung để giải đáp thắc mắc và cập nhật, bổ sung kiến thức, kĩ năng mới mà trong tài liệu tự học chưa có. Sau tự học của GV, các trường cần tổ chức sinh hoạt chuyên môn để chia sẻ, hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc của GV.
Cần nâng cao năng lực đào tạo trường sư phạm
Để công tác bồi dưỡng đảm bảo đạt chất lượng và có tính hiệu quả, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, cần sự kết hợp giữa Bộ GD&ĐT với các trường ĐHSP, các Sở GD&ĐT cùng hệ thống báo cáo viên cấp Bộ, các GV cốt cán cần được tổ chức nhịp nhàng, theo kế hoạch và lộ trình thống nhất. Tập huấn GV theo e-learning với hình thức học kết hợp, học đảo chiều chính là đảm bảo các tiêu chí học tập: vừa đủ, kịp thời, cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục, tiết kiệm chi phí. GV có thể tự học nhiều lần tại trường, tại nhà và có cộng đồng cùng học tập trên cả nước.
Người học trong quá trình học qua mạng luôn cần được quản lý, đánh giá thường xuyên; sự trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục giữa các thành phần tham gia và tổ chức khóa bồi dưỡng là hết sức cần thiết.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Hoàng Thị Lý cho rằng, Bộ GD&ĐT cần nâng cao năng lực của các trường sư phạm để đáp ứng với yêu cầu bồi dưỡng thường xuyên lâu dài và thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới.
Trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng và công bố danh sách các trường đủ tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên để sở/phòng GD&ĐT lựa chọn đơn vị phối hợp bồi dưỡng, hoặc tổ chức đấu thầu để chọn ra đơn vị tối ưu đáp ứng yêu cầu BDTX của địa phương.