Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng để có thành công tại các kỳ thi Olympic khu vực và thế giới, thi khoa học kỹ thuật quốc tế trước hết là do chất lượng giáo dục phổ thông đại trà đã được nâng lên, để trên nền đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến vượt bậc.
Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn - Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương được WB công bố ngày 15/3/2018, cho thấy, Việt Nam cùng 7 nước khác trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương có kết quả GD rất ấn tượng, trong đó, Việt Nam là một hiện tượng nổi bật.
Thông thường các số liệu cho thấy, kết quả học tập của HS tỷ lệ thuận với mức phát triển kinh tế của quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Riêng Việt Nam có một “cú nhảy” ngoạn mục, kết quả GD vượt lên rất nhiều so với mặt bằng kinh tế hiện nay của đất nước.
Có thể thấy, sau 5 năm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT, kết quả của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và thế giới, thi khoa học kỹ thuật quốc tế luôn đạt năm sau cao hơn năm trước và đỉnh cao là vào năm 2017, 2018.
Trước đó, năm 2017, Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD tổ chức (thực hiện 3 năm một lần, được xem như một thước đo tiêu chuẩn cho sự phát triển của các nền giáo dục trên toàn thế giới) đánh giá Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. “Những gì giáo dục Việt Nam đã đạt được trong một khoảng thời gian ngắn như vậy thật sự là “đáng nể” - BBC News dẫn lời các chuyên gia OECD bình luận về sự kiện này.
Gần đây nhất, tháng 10/2018, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS Unversity Rankings 2019, trong đó Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH lọt top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh; 7 trường ĐH “lọt” top các ĐH hàng đầu châu Á. Lần đầu tiên này sẽ là bước đệm để các trường ĐH Việt Nam tự tin cập nhật, “show” các tiêu chí của mình ra thế giới thi thố xếp hạng với nhiều trường ĐH quốc tế.
Có thể thấy, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam từ bậc phổ thông đến đại học được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao, như bà Trần Thị Mỹ An - Chuyên gia Giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) – nhận định những đổi mới giáo dục trong thời gian gần đây của Việt Nam: Đổi mới chương trình, SGK, kiểm tra đánh giá, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên… đang đi đúng hướng. Với bối cảnh ngành Giáo dục còn bộn bề khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc không được tự chủ về tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, tài chính… thì việc đưa giáo dục Việt Nam ghi danh trong các bảng xếp hạng thế giới quả là nỗ lực tuyệt vời!
Để có được những thành quả giáo dục trên, mỗi ngày, ở các xã vùng khó tỉnh Tuyên Quang, rất nhiều giáo viên nhiệt huyết yêu nghề đứng lớp sau những tháng ngày thanh xuân dành hết cho các học trò nghèo trên núi; ở xã đảo Tân Hiệp (Hội An, Quảng Nam), cô giáo trẻ dạy Âm nhạc mỗi ngày cất cao lời ca tiếng hát, mong các học sinh bé bỏng có thế giới tinh thần phong phú, phát triển hài hòa về trí tuệ, tâm hồn; những thầy giáo ở Tri Lễ (Nghệ An) gắn bó với ngôi trường nghèo 30 năm, vừa làm giáo viên, vừa thay thế người mẹ đảm, cô giáo hiền chăm sóc các học sinh; trong cơn lũ dữ, những cô giáo Trường Mầm non Tân Hiệp (Tuy An, Phú Yên) vật lộn 2 tiếng đồng hồ bao bọc, cứu học sinh thoát chết…
Ở mỗi vùng đất trên bản đồ chữ S đều có những tấm gương nhà giáo quên mình vì học sinh thân yêu, hy sinh cả vật chất, tinh thần và tuổi xuân cống hiến cho giáo dục.
Chính những tấm lòng, nhiệt huyết, sự chân thành của thầy cô giáo, của những người làm giáo dục đã lan tỏa những tác động tích cực đến mỗi học sinh, mỗi gia đình và toàn xã hội; để nghề giáo luôn là nghề được tôn vinh – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.