2 nội dung bồi dưỡng tập trung trong năm 2019
Chia sẻ lộ trình bồi dưỡng năm 2019-2021, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở GDPT (ETEP) – cho biết: năm 2019 sẽ thực hiện 2 chuyên đề bồi dưỡng cho đối tượng là giáo viên phổ thông, hiệu trưởng trưởng phổ thông và CBQL sở, phòng GDĐT. Năm 2020, số chuyên đề cho mỗi đối tượng nói trên là 4 và năm 2021 là 3 chuyên đề.
Tài liệu bồi dưỡng sẽ gồm tài liệu in (nội dung dạy học các chủ đề minh họa; giáo án; tài liệu bổ trợ); video (bài học minh họa được thực hiện tại trường phổ thông; sinh hoạt chuyên môn/phân tích, rút kinh nghiệm về bài học minh họa…); mô phỏng (thí nghiệm, hiện tượng, quá trình…) và phần mềm kiểm tra, đánh giá.
Quy trình triển khai bồi dưỡng cũng được ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Theo dó, các trường ĐHSP/Học viện nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thực tế, đề xuất chuyên đề cần bồi dưỡng cho mỗi đối tượng. Sau đó, Bộ GDĐT lựa chọn chuyên đề phù hợp để giao cho các trường ĐHSP/Học viện biên soạn, thẩm định tài liệu. Các trường ĐHSP/Học viện tổ chức bồi dưỡng giáo viên/CBQL giáo dục cốt cán theo hình thức học kết hợp. Địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên/CBQL giáo dục đại trà với sự hỗ trợ từ các trường ĐHSP/Học viện. Bộ GDĐT (các Vụ, Cục chức năng) chỉ đạo, giám sát toàn bộ công tác bồ dưỡng theo kế hoạch hàng năm.
“Bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ nhà giáo và CBLQ giáo dục, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phải phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng được bồi dưỡng; đảm bảo thiết thực, hiệu quả” – ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh về mục đích và yêu cầu của bồi dưỡng lần này.
Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ về kế hoạch bồi dưỡng |
Tạo động lực, hỗ trợ để nhà giáo tự bồi dưỡng
Cơ bản đồng tình với kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành cũng đưa ra ý kiến trao đổi thêm liên quan đến thời gian bồi dưỡng; nội dung bồi dưỡng; về bồi dưỡng giáo viên dạy học tích hợp theo định hướng chương trình GDPT mới; trách nhiệm của sở GDĐT trong bồi dưỡng ở địa phương; vai trò của trường sư phạm trong bồi dưỡng… Các địa phương đều mong kế hoạch bồi dưỡng được ban hành sớm để kịp tiến độ triển khai.
Đồng tình nội dung bồi dưỡng gắn với Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT và Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Long – cho biết: 2 Thông tư này đã được Sở GDĐT thực hiện đến cơ sở giáo dục, nhưng nội dung bồi dưỡng Thông tư nói trên chưa được tiếp cận. Từ đó, mong muốn nội dung chương trình bồi dưỡng gắn kết với Thông tư 20, Thông tư 14, đồng thời gắn với chương trình GDPT mới; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, nội dung chi tiết, rõ ràng để thuận lợi hơn cho địa phương thực hiện.
Để việc bồi dưỡng thực sự hiệu quả, ông Trần Văn Hòa – Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa – cho rằng, điều này phải là nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, CBQL.
Đồng tình với ý kiến này, cho rằng, khi xác định được nhu cầu bồi dưỡng là tự thân thì sẽ thấy bồi dưỡng nhẹ nhàng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thêm: việc tạo thuận lợi, động lực cho các thầy cô là rất quan trọng. Trong đó đặc biệt quan tâm đội ngũ giáo viên vùng khó, làm sao để chất lượng giáo dục vùng khó ngày càng được nâng lên.
Đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn rõ hơn trách nhiệm của sở GDĐT trong bồi dưỡng ở địa phương và đề nghị Bộ GDĐT có văn bản gửi UBDN tỉnh trong chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với các sở ngành có liên quan, bảo đảm điều kiện cho tổ chức bồi dưỡng; nhất là hướng dẫn kĩ hơn về kinh phí trong tổ chức bồi dưỡng tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Khánh Hòa – cũng mong muốn biết rõ hơn trách nhiệm của Sở GDĐT trong chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cũng như vai trò của trường sư phạm địa phương trong bồi dưỡng giáo viên, CBQL cơ sở GDPT lần này.
Giám đốc Sở GDĐT Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang thì đề nghị nên có nội dung truyền thông trong bồi dưỡng để đội ngũ hiểu rõ và ủng hộ đổi mới.
Ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội – đặc biệt quan tâm đến chất lượng bồi dưỡng và đề nghị quá trình triển khai tập huấn cần được chuẩn bị hết sức kĩ càng, từ đó chất lượng bồi dưỡng mới đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn…
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị |
Cần sự vào cuộc tích cực của địa phương
Trước một số câu hỏi của địa phương về tài chính thực hiện bồi dưỡng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GDĐT nhận thức đây là việc quan trọng và đã làm việc với Bộ Tài chính về nội dung này. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán xây dựng tài liệu địa phương. Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành công văn hướng dẫn kinh phí, mức chi cho bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Nếu đội ngũ cốt cán, kinh phí sẽ từ dự án RGEP và chương trình ETEP; còn triển khai đại trà, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong thời gian tới.
Liên quan đến triển khai kế hoạch bồi dưỡng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý: địa phương cần nhận thức, quan tâm đầy đủ về công tác này, coi đây là yếu tố quyềt định thành công chương trình GDPT mới; từ đó xây dựng kế hoạch để triển khai ở địa phương.
Cùng với đó, chọn lọc được đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở GDPT cốt cán thực sự chất lượng. Sau khi lựa chọn được đội ngũ này, địa phương cần chủ động tham mưu với UBND tỉnh/thành phố về xây dựng kế hoạch tổng thể công tác bồi dưỡng; lo các điều kiện đảm bảo chất lượng; đề nghị UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, mời các sở ban ngành có liên quan tham gia.
Chia sẻ về hạ tầng kĩ thuật, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GDĐT) – cho biết: năm 2019, trước mắt sử dụng phần mềm bồi dưỡng trực tuyến của các trường sư phạm. Năm 2020, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện phần mềm bồi dưỡng trực tuyến toàn ngành và mỗi giáo viên đều có tài khoản trên hệ thống. Ngoài ra, toàn bộ quá trình bồi dưỡng của giáo viên cũng sẽ được cập nhật trong hệ thống này.
Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của điểm cầu 63 tỉnh thành và điểm cầu Bộ GDĐT |
Sẽ có những điểm mới đột phá
Nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, điểm đột phá trong bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục lần này là khai thác tối đa lợi thế vượt trội của CNTT; chương trình bồi dưỡng cũng mang tính thực tiễn rất cao. Trong xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu thực của thầy cô theo từng nhóm đối tượng. Trên cơ sở nhu cầu ấy và yêu của của chương trình, những người có kinh nghiệm sẽ cùng xây dựng chương trình bồi dưỡng theo hướng người có kinh nghiệm chia sẻ cho người ít kinh nghiệm hơn.
Phương thức bồi dưỡng kết hợp giữa phương thức trực tuyến và trực tiếp; trong đó sử dụng tối đa lợi thế của đào tạo từ xa, trực tuyến; các tài liệu bồi dưỡng được số hóa, đưa lên mạng, giúp các thầy cô tham khảo ở mọi lúc, mọi nơi. Trong quá trình tham khảo, có tương tác, có câu hỏi và bộ phận quản trị sẽ hướng dẫn, để khi trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn chỉ tập trung thảo luận, chia sẻ những vấn đề thấy cần phải làm sâu. Như vậy, công tác tập huấn, tổ chức bồi dưỡng hiệu quả cao hơn, đồng thời thuận lợi hơn cho người được bồi dưỡng.
Bộ trưởng cũng chia sẻ việc thiết kế chương trình bồi dưỡng liên thông với chương trình đào tạo để có thể cấp bằng với thầy cô có điều kiện hoặc nguyện vọng. Các chương trình cũng sẽ được thiết kế gắn với chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng. “Như vậy, phương pháp tiếp cận xây dựng chương trình đợt này là liên thông và hệ thống; lấy khảo sát, tổng kết thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm được nhấn mạnh” – Bộ trưởng cho hay.