Bồi đắp đạo đức lối sống từ hoạt động bình dị trồng cây, chăm hoa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đổi mới giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách học trò, ngoài việc dạy kiến thức văn hoá, nhiều trường học tại Hải Phòng, Quảng Ninh chú trọng rèn đạo đức, kĩ năng cho học sinh qua những hoạt động thiết thực.

Thầy trò Trường THCS An Dương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ.
Thầy trò Trường THCS An Dương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ.

Bù lấp những thiệt thòi

Trường Tiểu học và THCS Bản Sen nằm trên xã đảo nghèo của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Theo cô Nguyễn Thị Giang Hậu, Hiệu trưởng nhà trường, với đặc thù xã đảo, điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ cho công tác dạy học của thầy trò còn hạn chế nên học sinh xã Bản Sen có nhiều thiệt thòi.

Học sinh Bản Sen không có khu vui chơi tập trung, các hoạt động văn hoá phù hợp với lứa tuổi rất hiếm hoi, hạn hẹp. Cũng vì điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên mỗi mùa hè đến học sinh hay cùng gia đình đi bán hàng, bán vé tàu khách kiếm thêm thu nhập. Vì thế, nhiều em không mặn mà với việc học. Thậm chí có học sinh lớp 9 hay "nhấp nhổm" bỏ học, thầy cô phải lặn lội đi tìm để khuyên bảo và động viên các em đi học.

Cô giáo Phạm Thị Nga là người tận tình, quan tâm học sinh từ những điều nhỏ nhặt nhất. Mỗi lớp học sinh cô chủ nhiệm cô đều biết từng nhà các em. Cô gần gũi học sinh, tâm tình như những người bạn tốt nên học trò rất quý cô. Qua cách cô ân cần dạy bảo và quan tâm học trò như con khiến các em rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập.

Nhóm học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) với dự án trồng 1.000 cây xanh một xã đảo của huyện Cát Hải.

Nhóm học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) với dự án trồng 1.000 cây xanh một xã đảo của huyện Cát Hải.

Theo cô Hậu, vì cuộc sống mưu sinh nhiều học trò tiếp xúc với môi trường xã hội sớm, nhất là những nơi buôn bán trên tàu bè vì thế trong năm học có phát hiện ra học sinh hút thuốc lá điện tử.

Khi phát hiện giáo viên chủ nhiệm, cùng nhà trường đã nhanh chóng gần gũi, phân tích, khuyên bảo em, đồng thời tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến với học sinh toàn trường. Nhờ những biện pháp linh hoạt thầy cô đã "dập tắt" được hiện tượng hút thuốc lá trong trường học.

Việc giáo dục đạo đức kĩ năng sống cho học sinh ngoài xã đảo không thuận lợi như trường trong đất liền khi không có các trung tâm kĩ năng liên kết để đẩy mạnh các hoạt động. Vì thế, thầy cô giáo đã chủ động liên kết với Công an xã, đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội khác để tuyên truyền về xâm hại tình dục, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn giao thông....

Với những năm học trước, Trường Tiểu học và THCS Bản Sen còn phối hợp với đơn vị bộ đội dạy học sinh kĩ năng ăn ở, sinh hoạt, trồng cây. Học sinh ở Bản Sen rất tự giác, em nào cũng biết làm vườn vì thế sau những giờ giải lao, thầy cô cùng học trò thường xắn tay chăm bồn cây, bồn hoa ở sân trường.

Giáo dục trò qua lao động

Trường THCS Nam Sơn huyện An Dương, TP Hải Phòng có hơn 900 học sinh. Cô Phạm Thị Thuý Anh -Hiệu trưởng nhà trường tự hào "khoe" học sinh nhà trường các em đều ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập. Ngoài việc rèn dạy văn hoá, nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trường tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho học sinh và phát động phong trào học trò bảo vệ môi trường sống, không gian sống bằng việc các em tự tay lao động, dọn vệ sinh lớp học, trồng cây, chăm hoa. Không khí thi đua giữa các tổ trong lớp, giữa các lớp trong toàn trường vì thế trường luôn có không gian xanh tích cực và đó là thành quả lao động của chính học trò.

Theo cô Thuý Anh, thầy cô không phạt học sinh nhưng khi có trò không ngoan các con sẽ tự chọn hình thức, lao động, trực nhật, nộp sách báo...mỗi học trò sẽ phải đi học sớm một buổi trong tuần để trực nhật lớp. Ý thức tự giác, yêu lao động của học sinh tăng dần lên.

Những tiết ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn kết tình cảm học trò, thầy cô và mái trường là cơ hội giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thiết thực.

Những tiết ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn kết tình cảm học trò, thầy cô và mái trường là cơ hội giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thiết thực.

Với trường THCS An Dương, huyện An Dương, cô Nguyễn Thị Bích- Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, nhà trường luôn quan tâm, chú trọng nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được nhà trường duy trì thường xuyên và mang lại hiệu quả. Nhà trường thống nhất quan điểm chỉ đạo: chú trọng dạy đạo đức, lối sống song song với việc dạy kiến thức, thể chất và thẩm mĩ.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được triển khai đồng bộ, dạy lồng ghép ngay cả khi học sinh học online do dịch bệnh Covid-19. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được tích hợp trong các môn văn hóa bằng nhiều hình thức, phong phú và đa dạng.

Theo cô Bích, những tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Chi đội luôn được đổi mới gắn với chủ đề năm học, với phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ ngoài việc xếp loại thi đua giữa các lớp thông qua nhận xét, theo dõi của đội sao đỏ thì Chi đội còn phát động các lớp tham gia một tiết mục văn nghệ (như hát, đánh đàn và các nhạc cụ dân tộc tuỳ theo sự lựa chọn và năng khiếu của học sinh mỗi lớp); hoặc một câu chuyện kể về “tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Các hình thức rèn lao động, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giáo dục tình yêu quê hương, biết ơn những người có công; các phong trào nhân ái như: “Lá lành đùm lá rách”, “Kế hoạch nhỏ”...tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.

"Nhà trường hay tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh thông qua các giờ học, chào cờ đầu tuần bằng việc xây dựng các tiểu phẩm nhỏ. Nội dung các tiểu phẩm liên quan đến vấn đề mà trường tuyên truyền: Bảo vệ môi trường thông qua việc không xả rác bừa bãi, không lạm dụng túi nilong, hoặc bạo lực học đường, luật an toàn giao thông. Chúng tôi cũng mời chuyên gia về nói chuyện cho học sinh về vấn đề lạm dụng tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên", cô Bích chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.