Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại An Giang

GD&TĐ - Sáng 2/12, đoàn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh An Giang. An Giang hiện áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng với mạng lưới 34 cơ sở.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp với ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh An Giang.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp với ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh An Giang.

Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, tổng số ca Covid-19 của tỉnh từ ngày 15/4 đến nay là 23.527, hiện có 5.584 ca đang điều trị. An Giang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng với mạng lưới 34 cơ sở có tổng số giường 4.570. Tầng 3 bao gồm 4 bệnh viện tuyến tỉnh đang điều trị cho 317 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Trong những ngày gần đây, số ca tử vong có chiều hướng tăng (ngày 1/12 có 17 ca tử vong). Tỉnh đã triển khai các trạm y tế lưu động để chăm sóc điều trị F0 tại nhà, phát triển phần mềm riêng để quản lý 3.600 trường hợp và thực hiện điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào được sử dụng Molnupiravir mà bị tử vong.

An Giang nhận được sự hỗ trợ về nhân lực điều trị của Bệnh viện Bạch Mai và hai bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, nhóm chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai vừa hỗ trợ điều trị vừa tập huấn các kỹ thuật hồi sức tích cực hiện đại.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Vương Ánh Dương và Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Lương Mai Anh kiểm tra phần mềm quản lý F0 tại cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Vương Ánh Dương và Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Lương Mai Anh kiểm tra phần mềm quản lý F0 tại cộng đồng.

An Giang đã tiến hành bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 96,41% người trên 18 tuổi và mũi 2 đạt 88,16%. Gần 83% trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã được tiêm vắc-xin. Đây là tỷ lệ bao phủ cao đối với một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TS.BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho hay, với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, trong đó bao phủ vắc-xin cho người từ 50 tuổi trở lên đạt 82,9%, nên tỉnh An Giang đang ở cấp độ dịch 2.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, An Giang đã thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ và đem lại sắc thái mới cho công tác phòng chống dịch, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đặc biệt, An Giang đã thực hiện tốt việc bao phủ vắc-xin. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, tình không được chủ quan lơ là, vẫn cần phát hiện F0 để kịp thời chăm sóc điều trị, ngăn chặn nguy cơ trở nặng và tử vong.

“An Giang cần xây dựng kế hoạch xét nghiệm phù hợp với tình hình, đồng thời duy trì hệ thống quản lý F0 tại nhà và hệ thống điều trị hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Tập trung giám sát dịch tễ đối với những người có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế và các nơi tập trung đông người, đặc biệt tại các nhà máy, xí nghiệp nơi có đông công nhân tập trung làm việc.

Đối với công tác điều trị, An Giang chủ động việc quản lý F0 tại nhà, tiếp cận các loại thuốc điều trị F0 như Molnupiravir, Avigan. Xây dựng liên kết tốt hơn giữa các tầng điều trị, có thể tính đến việc kết hợp tầng 2 và tầng 3, phát triển mô hình cơ sở điều trị đa tầng để tối ưu hóa trang thiết bị và nhân viên y tế. Xây dựng mô hình bệnh viện chị - em giữa các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 nhằm đảm bảo công tác chuyển tuyến của bệnh nhân được thuận lợi.

Đối với việc tiêm chủng cho công nhân tại các khu công nghiệp, cần bố trí thời gian nghỉ ngơi cho công nhân trước khi tiêm chủng và theo dõi sau tiêm đúng quy định. Tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch về tiêm vắc-xin bổ sung và tiêm nhắc lại theo hướng dẫn ngày 1/12 của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý, tỉnh cần truyền thông mạnh để người dân có triệu chứng bệnh cần thông báo cho y tế cơ sở để được hỗ trợ kể cả trong trường hợp không phát hiện mắc Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.