Bộ Y tế hướng dẫn lộ trình để TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới

GD&TĐ - Trong văn bản hỏa tốc lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các bộ, ngành, UBND TP Hồ Chí Minh mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc mở cửa kinh tế theo 4 bước.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tiêu chí tiên quyết để được mở cửa kinh tế trở lại là kiểm soát được dịch bệnh theo quyết định 3979/QĐ-BYT ban hành ngày 18-8-2021 của Bộ Y tế: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Tỉ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Bên cạnh đó, số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao.

Tiêu chí động để đưa TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn là tỉ lệ tiêm vắc xin của người dân.

Khi đáp ứng được các tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, việc mở cửa TP Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện theo 4 bước.

Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỉ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cấp xã, phường để phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt dưới 60%. Mở các hoạt động ngoài trời với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát; những người đã tiêm vắc xin, đặc biệt những khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70%. Mở thêm các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn; những người đã tiêm vắc xin, đặc biệt những khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 4: Thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới khi địa phương đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, và có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt trên 70%.

Theo đó, với phường, xã, quận, huyện có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi (được tiêm ít nhất 1 liều và dưới 20% được tiêm đủ hai liều vắc xin) đạt dưới 60% sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19 theo chỉ thị 16 với vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; áp dụng chỉ thị 19 với vùng có nguy cơ, vùng bình thường mới.

Khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70% sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch theo chỉ thị 16 với vùng nguy cơ rất cao, chỉ thị 15 với vùng nguy cơ cao, chỉ thị 19 với vùng có nguy cơ và vùng bình thường mới.

Trường hợp địa bàn có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt trên 70% sẽ áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 tại vùng nguy cơ rất cao, chỉ thị 19 ở vùng nguy cơ cao, và áp dụng trạng thái bình thường mới với hai vùng còn lại.

Một số địa bàn nào kiểm soát dịch tốt, ngành nào đảm bảo an toàn thì sẽ cân nhắc mở dần ở đó, chứ không phải tới đúng ngày 30/9 mới mở

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trong cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hôm 13/9 cho biết, trong thời gian Thành phố tăng cường siết chặt giãn cách, từng lúc, từng địa bàn, có chuyển biến tốt. Thành phố đã mở dần một số hoạt động, một số dịch vụ.

Thành phố đang rà soát, vẽ lại bản đồ "vùng xanh". Kết quả đến lúc này cho thấy 53% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản đã là "vùng xanh". Hiện huyện Cần Giờ, quận 7 và huyện Củ Chi là những địa phương đầu tiên cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Ngoài ra, các quận Phú Nhuận, quận 5, quận 11, huyện Nhà Bè cũng đang có kết quả tương đối tốt và có thể sẽ công bố kết quả tích cực trong ngày 15/9 .

Bên cạnh đó, tỷ lệ dương tính giảm rõ rệt qua 3 đợt xét nghiệm. Gần đây Thành phố cũng ghi nhận tín hiệu đáng mừng là số ca cấp cứu và tử vong giảm đi.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho rằng, so sánh với mục tiêu của Nghị quyết 86 do Chính phủ đề ra là đến 15/9 kiểm soát được dịch bệnh và so với một số tiêu chí của Bộ Y tế thì Thành phố chưa đạt được. Do đó, để đảm bảo kết quả phòng, chống dịch của Thành phố bền vững hơn, Thành phố quyết định sẽ tiếp tục giãn cách xã hội trên địa bàn toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 dự kiến đến hết tháng 9.

Ông Phan Văn Mãi cũng chia sẻ thêm, áp lực giãn cách lâu khiến cho nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu mở cửa. Mặc dù đó là những nơi có trình độ phát triển hơn TP Hồ Chí Minh, có tỉ lệ tiêm chủng bao phủ cao hơn, hệ thống y tế tốt hơn, với cách làm khá khoa học nhưng khi mở cửa thì một số nơi đã bùng phát dịch trở lại. Do đó, việc này cũng không loại trừ với Việt Nam hay TP Hồ Chí Minh.

Và đây cũng là một trong những lý do mà TP Hồ Chí Minh rất cân nhắc khi đưa ra quyết định có mở trở lại các hoạt động hay không.

Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, có thể từ nay tới cuối tháng, một số địa bàn nào kiểm soát dịch tốt, ngành nào đảm bảo an toàn thì sẽ cân nhắc mở dần ở đó, chứ không phải tới đúng ngày 30/9 mới mở.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ, Ban chỉ đạo Thành phố và ban chỉ đạo các cấp sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực hết sức mình để đạt kết quả cao nhất. Ông mong người dân cùng chung tay, cùng chia sẻ với sự lo lắng này, cùng đồng cam cộng khổ thêm thời gian nữa để đến thời điểm đó, chúng ta có đủ cơ sở tự tin mở từng bước các sinh hoạt bình thường, các hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp với tình hình chứ không phải chần chừ, quá nhiều cân nhắc như bây giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.