Bộ Y tế chuẩn bị kịch bản, kế hoạch sử dụng hộ chiếu vắc xin COVID-19

GD&TĐ - Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vắc xin trong tương lai, xây dựng phần mềm quản lý người tiêm chủng bằng mã QR, đảm bảo tính xác thực thông tin tiêm chủng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Y tế cho biết, hiện nay không có vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100% đối tượng được tiêm. Đặc biệt, vắc xin phòng Covid-19 được phát triển trong thời gian ngắn, hiệu lực bảo vệ đạt từ 60% - 90% và Tổ chức Y tế thế giới còn đang tiếp tục đánh giá. Vì vậy, có một số người đã được tiêm chủng  vắc xin vẫn có thể mắc bệnh và tiềm ẩn khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, mặc dù nguy cơ này là thấp.

Hộ chiếu vắc xin vẫn còn là một vấn đề đang được thảo luận trên thế giới do đòi hỏi các nước phải đạt tỷ lệ tiêm chủng cao để có được miễn dịch cộng đồng và chưa có đủ bằng chứng về việc hiệu quả phòng ngừa của vắc xin đối với sự biến chủng của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vắc xin trong tương lai và chủ đạo xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tượng tiêm chủng bằng mã QR, đảm bảo tính xác thực thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã làm việc với cơ quan Đầu mối Y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất phương án áp dụng bộ chiếu  vắc xin phù hợp khi đủ điều kiện.

Về kết quả tiêm chủng  vắc xin, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương đã có hơn 35.000 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, tỉnh Hải Dương, địa phương vừa trải qua đợt bùng phát Coivd-19 mạnh từ cuối tháng 1 tới trung tuần tháng 3/2021, có số lượng người tiêm cao nhất với 16.635 người.

Đây đều là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Chương trình TCMR quốc gia đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường với tỷ lệ tương đương thông báo của nhà sản xuất và một số rất ít trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nhưng đã được xử lý theo quy định. Đến nay, các trường hợp này đã hồi phục sức khoẻ.

Tới thời điểm này, không ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện đông máu sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam.

Bộ Y tế khuyến cáo sau khi tiêm vắc xin COVID-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19.

Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vắc xin COVID-19 tiếp theo về đến nước ta.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin trên thế giới và của Việt Nam đến thời điểm hiện tại diễn ra chiều ngày 22/3, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để tiêm.

Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.

Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vắc xin hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.