“Hành vi nhân danh Bộ Y tế để tiếp tay cho các doanh nghiệp bán sản phẩm với giá cao nhằm trục lợi là trái đạo đức, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn làm tình hình bệnh tật thêm nghiêm trọng"- Tiến sỹ, luật sư Lê Văn Thiệp- Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm.
Phóng viên: Xin luật sư cho biết về mặt pháp lý , Bộ Y tế ban hành văn bản số 5944 có kèm theo việc “giới thiệu” các sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid- 19 đang gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.… có đúng quy định của pháp luật hiện hành?
Luật sư Lê Văn Thiệp: Việc Bộ Y tế định danh một nhóm sản phẩm chưa có các báo cáo hay công trình nghiên cứu khoa học về tác dụng hỗ trợ điều trị bênh nhân nhiễm chủng Virus Sars- nCovi 2 sau đó hướng dẫn, khuyến khích sử dụng đã vi phạm các quy định của ngành y tế cũng như vi phạm các nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của các chủ thể trong hoạt động thương mại.
Hành vi nhân danh Bộ Y tế (nếu có) để tiếp tay cho các doanh nghiệp bán sản phẩm với giá cao nhằm trục lợi là trái đạo đức, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn làm tình hình bệnh tật thêm nghiêm trọng.
Rõ ràng là hành vi này đã vi phạm nhiều quy định của các ngành luật khác nhau trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Phóng viên: Trong trường hợp nếu cơ quan hữu trách phát hiện, chứng minh có lợi ích nhóm để trục lợi trong việc ban hành văn bản thì các đối tượng liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Lê Văn Thiệp: Với sự thật khách quan như báo chí phản ánh thì rõ ràng đây là vấn đề bất bình thường.
Tuy nhiên, việc chứng minh, kết luận có tiêu cực như đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ hay vi phạm các quy định khác của pháp luật hay không thì đó là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nếu qua điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quan hệ được luật hình sự bảo vệ thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Luật sư đánh giá như thế nào về các hành vi trục lợi trên sự hoang mang của cộng đồng giữa đại dịch nói chung và cụ thể ở đây là dấu hiệu câu kết giữa doanh nghiệp và nhà quản lý?
Luật sư Lê Văn Thiệp: Có thể thấy việc sử dụng quyền lực Nhà nước để tiếp tay cho thương nhân cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền để nâng cao giá bán sản phẩm trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch bệnh là hành vi đáng lên án.
Trong lúc dịch bệnh hoành hành, người dân hoang mang, lo lắng vì sự đe dọa sức khỏe thường trực của chủng Virut mới rất nguy hiểm trong khi chưa có thuốc đặc trị thì rõ ràng việc người dân tin vào hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế là hoàn toàn chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý Nhà nước bắt tay với doanh nghiệp dược phẩm để thông tin sai về tính năng, công dụng của sản phẩm chức năng chưa có các công trình nghiên cứu khoa học, chưa có bất kỳ cơ quancó thẩm quyền nào chứng nhận thì là sự lừa dối nghiêm trọng, là tội ác thật sự chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi trục lợi của những người liên quan.
Theo quy định tại điểm l, khoản 1, điều 52 BLHS 2015 ( sửa đổi bổ sung một số điều năm 2017) thì hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội luôn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu xác định có hành vi phạm tội.