Bỏ xếp hạng học sinh là đúng

GD&TĐ - Nhằm giảm thiểu bệnh thành tích, tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh và giáo viên, mới đây, Thường trực UBND TPHCM có văn bản yêu cầu ngành GD thành phố nghiên cứu để trong năm học tới bỏ xếp hạng học sinh trong lớp. Sự việc này khiến dư luận khá xôn xao.

Ảnh internet
Ảnh internet

Đa số phụ huynh tranh luận theo chủ đề nên bỏ hay không bỏ xếp hạng. Phía ủng hộ xếp hạng cho rằng nếu bỏ sẽ triệt tiêu cố gắng, phấn đấu của học sinh. Phía ủng hộ việc bỏ xếp hạng thì cho rằng việc làm này là không nên, vì nó không mang lại lợi ích gì, chỉ đem lại sự hiếu thắng và ganh đua, gây áp lực cho trẻ. Trong khi đó, ở phía giáo viên và cán bộ quản lí trong ngành lại xôn xao với chủ đề có hay không có quy định xếp hạng học sinh trong lớp? Tại sao nơi này có xếp hạng, nơi khác lại không?

Không thể phủ nhận rằng, thực tế vẫn có một số trường lớp tiến hành việc xếp hạng học sinh, đặc biệt ở nhóm tiểu học và THCS. Ngay từ thời tôi còn đi học ở các cấp bậc học này đã luôn ám ảnh bởi câu hỏi của mẹ cha sau mỗi kỳ tổng kết: “Con đứng thứ mấy?”. Trong lớp người tôi ấy có hai người bạn học rất giỏi, con của hai giáo viên trong trường, luôn luân phiên nhau vị trí thứ nhất, thứ nhì. Khi trưởng thành, một trong hai người này cho biết việc tụt hạng không chỉ khiến họ sợ hãi vô cùng, mà còn làm cả cha mẹ căng thẳng trong một cuộc đua ngầm về khả năng của con. Cứ mỗi bài kiểm tra phát ra, hai bà mẹ lúc nào cũng hỏi thế A (hay B) mấy điểm. Cho đến bây giờ, khi toàn ngành, toàn xã hội đang nỗ lực cho trẻ phát triển toàn diện, thì vẫn còn đâu đó trong mỗi gia đình, mỗi lớp học, mỗi trường học nỗi trở trăn với câu chuyện xếp hạng học sinh!

Vậy ai sáng tác việc xếp hạng học sinh? Chắc chắn, dựa trên các quy định của ngành, không có văn bản nào cho phép giáo viên, nhà trường xếp hạng kiểu xếp thứ Nhất, thứ Nhì, hay thứ 34, 35… Hiện nay, học sinh tiểu học được thực hiện đánh giá theo Thông tư 30 và Thông tư 22. Riêng học sinh THCS và THPT được thực hiện đánh giá theo Thông tư 58 (năm 2011) của Bộ GD&ĐT. Các văn bản này không quy định việc xếp hạng học sinh.Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng lên tiếng rằng: “Qua kiểm tra giám sát việc thực hiện tại các địa phương, chúng tôi chưa thấy địa phương nào có văn bản quy định việc xếp hạng học sinh. TPHCM cũng chưa từng ra bất cứ quy định nào yêu cầu các trường xếp hạng học sinh!”.

Có lẽ, giáo viên hay hiệu trưởng nhà trường không ai thích tự sáng tác ra một việc mà bản thân họ cảm thấy vừa mất thời gian, vừa không có ích cho học trò hay cố ý làm sai quy định của ngành một cách có hệ thống (theo lớp, theo trường) để phải chịu trách nhiệm. Vấn đề trong câu chuyện sáng tác việc xếp hạng học sinh, thiển nghĩ, phần nhiều nằm ở nhận thức. Quán tính, cách nghĩ, cách làm theo quan niệm giáo dục xưa cũ thực tế vẫn còn tồn tại trong một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lí. Việc Thường trực UBND TPHCM có văn bản yêu cầu bỏ xếp hạng trong lớp trong lúc không có quy định nào bắt buộc xếp hạng đã cho thấy một thực tế ở cơ sở là có một bộ phận đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí còn tồn tại tư duy cũ, chưa có nhận thức đúng, quan niệm giáo dục chưa đổi mới.

Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo thực hiện đánh giá hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực, giúp học sinh tự tin, chủ động tham gia các hoạt động học tập, tạo cơ hội cho các em bộc lộ, phát huy những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Để đổi mới giáo dục hiệu quả, thực chất, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức. Mỗi khi giáo viên, cán bộ quản lý chưa có nhận thức đúng, chưa nắm vững những quy định của ngành mà vẫn thực hiện theo tư duy cũ, câu chuyện xếp hạng sẽ vẫn còn tồn tại đâu đó, gây áp lực cho học sinh, như việc “thương cho roi cho vọt”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ