Doanh nghiệp phá sản tăng cao
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, hàng tồn kho tăng, có số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Cụ thể, trong năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 14%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 57%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.
Thực tế, việc một số tổ chức, cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Hàng loạt các động thái thắt chặt về tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý khiến tâm lý chung của thị trường bắt đầu có sự biến động.
Trong bối cảnh đó, thị trường địa ốc đã rơi vào trạng thái trầm lắng kéo dài với nhiều khó khăn đè nén. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng.
Mặc dù dư nợ tín dụng tăng nhưng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp lại ngày càng khó khăn hơn.
Riêng, trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỷ đồng (chiếm 34%).
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ là nút thắt cần giải quyết để khơi thông cho các lĩnh vực khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. |
Đề xuất nới room tín dụng
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét, đề xuất phương án điều hành trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo đó, ngân hàng cần hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ...
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra ngày 2/2, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.