Bộ vũ khí độc đáo của trường Giảng Võ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ sưu tập vũ khí trường Giảng Võ gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm, được phân theo chức năng sử dụng gồm 2 loại: Bạch khí và hỏa khí.

Giáo 1 ngạnh.
Giáo 1 ngạnh.

Không chỉ là nhóm vũ khí có hình dáng độc đáo, là những hiện vật gốc độc bản, bộ sưu tập vũ khí trường Giảng Võ còn có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và khoa học quân sự từ thế kỷ 15 - 18.

Bộ sưu tập đa dạng nhất

Ngày 7/2, ThS Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - xác nhận, sưu tập vũ khí trường Giảng Võ hiện đang lưu giữ tại bảo tàng vừa được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Có thể nói, đây là nhóm hiện vật phong phú và đa dạng nhất trong các nhóm bảo vật quốc gia nói riêng, với nhóm hiện vật vũ khí nói chung. Với 111 hiện vật thuộc 13 nhóm, xứng đáng đại diện giá trị lịch sử quân sự như trong “Binh thư yếu lược” đã viết: “Cái đạo mạnh binh để chiến thắng có 5 điều: Sửa sang binh khí; Có đủ quân lính và xe cộ; Súc tích nhiều; Rèn luyện sĩ tốt; Kén được tướng giỏi”.

ThS Nguyễn Tiến Đà cho biết, trường Giảng Võ là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến.

“Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi các sự kiện: Năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ, năm 1070 lập Xạ đình. Tháng 8/1253, Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường làm nơi học tập của các tướng lĩnh. Từ đầu thời Lê, khu vực phía Tây Thăng Long (bao gồm khu vực Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh) trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn lập quân sự lớn.

Khu di tích Giảng Võ phía Tây Thăng Long chính là khu di tích về một trường võ bị quốc gia thời Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến 18).

Từ những năm 1960, việc nghiên cứu khu di tích trường Giảng Võ đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học quan tâm. Bắt đầu từ những phát hiện nhỏ lẻ và đặc biệt là những phát hiện ở hồ Ngọc Khánh (Ba Đình) năm 1983 với bộ sưu tập vũ khí bằng kim loại, đã cho phép xác định khu vực này là trường Giảng Võ thời Lê.

Câu liêm.

Câu liêm.

Qua các hiện vật, giới nghiên cứu đánh giá đây là sưu tập vũ khí độc đáo, phong phú và có nguồn gốc rõ ràng nhất, tập trung nhất, có niên đại thời Lê sơ - Mạc - Lê trung hưng được phát hiện ở nước ta từ trước tới nay.

Theo GS.TS Đỗ Văn Ninh, sưu tập vũ khí này là một trong những bộ di vật hiếm quý vào bậc nhất so với tất cả những phát hiện dưới lòng đất Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội. Phần lớn các loại hình vũ khí trong sưu tập đều có tên trong binh chế thời Lê đã được Phan Huy Chú liệt kê trong “Lịch triều hiến chương loại chí”.

“Bộ sưu tập hoàn chỉnh với đầy đủ các loại hình bạch khí và hỏa khí, trong đó bạch khí chiếm số lượng lớn (83%), hỏa khí chỉ có súng lệnh và đạn (17%). Trong bạch khí, chủ yếu là loại vũ khí đánh gần và vũ khí đánh xa, còn vũ khí phòng ngự chiếm tỉ lệ thấp (1,8%)”, ThS Nguyễn Tiến Đà cho biết.

Minh chứng sự tồn tại trường Giảng Võ

Bản đồ Thăng Long vẽ năm 1490 và vị trí trường Giảng Võ. Ảnh: Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Bản đồ Thăng Long vẽ năm 1490 và vị trí trường Giảng Võ. Ảnh: Viện nghiên cứu Hán Nôm.

“Với phát hiện sưu tập vũ khí ở hồ Ngọc Khánh vào năm 1983, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã xác nhận sự tồn tại của trường Giảng Võ tại khu vực này phù hợp với sử sách ghi lại. Đây là cơ quan chuyên đào tạo, huấn luyện võ quan và binh sĩ để chiến đấu bảo vệ đất nước”. ThS Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội

Theo hồ sơ bảo vật, đa số vũ khí trong bộ sưu tập được làm từ kim loại sắt. Trong đó, súng lệnh được đúc bằng hợp kim đồng và đạn bằng đá.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa có điều kiện phân tích hóa lý về thành phần của sắt trong các loại vũ khí này.

Kỹ thuật chế tác vũ khí trường Giảng Võ chủ yếu theo phương pháp rèn đập thủ công. Riêng mũi tên và súng lệnh được đúc nên không trùng lặp với bất cứ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam hiện có.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện dấu tích của lò bễ, các cục xỉ sắt và những phác vật vũ khí đang chế tạo dở. Điều này chứng minh vũ khí được đúc tại chỗ, và rõ ràng trường Giảng Võ ngoài vai trò đào tạo, huấn luyện binh sĩ còn là địa điểm tự cung cấp vũ khí, phục vụ việc rèn luyện đào tạo quân đội.

Đặc biệt, khi mới phát hiện, hầu hết vũ khí đều có tra cán bằng tre hoặc gỗ - cho thấy vũ khí đã và đang dùng làm công cụ tập luyện.

Các chuyên gia phân chia 111 hiện vật theo 2 chức năng sử dụng, gồm bạch khí và hỏa khí. Bạch khí chia thành 3 loại theo công năng. Thứ nhất là “Vũ khí đánh gần”, gồm: Giáo, mũi trường, câu liêm, đinh ba, qua và kiếm.

Loại vũ khí này được trang bị cho bộ binh và kỵ binh, phổ biến trong tất cả các sưu tập bạch khí của các nước và đặc biệt đối với quân đội của một nước có truyền thống đánh giặc tự vệ và cận chiến như nước ta. Vũ khí đánh gần trong sưu tập vũ khí trường Giảng Võ có số lượng 40 hiện vật (36% sưu tập).

Thứ 2 là “Vũ khí đánh xa” có khả năng sát thương đối phương trong một khoảng cách xa hơn tầm của vũ khí cầm tay, và được phân thành 3 loại: Lao 2 ngạnh, móc câu chùm và mũi tên - với số lượng 50 hiện vật (45% sưu tập).

Thứ 3 là “Vũ khí phòng ngự” dùng để bẫy hoặc chặn đường rút lui của địch, gồm 2 loại chông: Chông củ ấu và chông cắm, mỗi loại chỉ có 1 hiện vật (1,8% sưu tập).

Súng lệnh.

Súng lệnh.

Hỏa khí là những vũ khí vận hành bằng thuốc súng. Có 2 loại: Súng lệnh và đạn đá - với số lượng 19 hiện vật. Súng lệnh có khắc chữ “Công tự tam bách thập thất hiệu” (Hiệu chữ Công số 317). Đây là số hiệu chính quy do triều đình đúc bằng hợp kim đồng và cấp phát cho các đơn vị quân đội.

Súng được sử dụng xem như khí tài huấn luyện của trường đấu võ xưa, khi mới phát hiện vẫn còn dấu vết cán gỗ đóng chốt ở phần đuôi. Súng lệnh nòng trơn nhồi thuốc từ đầu nòng và phát hỏa bằng dây cháy chậm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.