Vàng son một thuở

Đào mương thấy trống và chuyện người giữ 3 bảo vật quốc gia

GD&TĐ - Trong số 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022), có 2 chiếc trống đồng thu hút sự chú ý của người dân cũng như giới bảo tồn.

Trống đồng Tiên Nội I được tìm thấy năm 1988 tại thôn Trì (Duy Tiên - Hà Nam).
Trống đồng Tiên Nội I được tìm thấy năm 1988 tại thôn Trì (Duy Tiên - Hà Nam).

Đặc biệt, trong đó có một chiếc trống và một chiếc thạp đồng thuộc bộ sưu tập tư nhân của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) - nâng tổng số bảo vật quốc gia mà người này đang lưu giữ lên tới 3 hiện vật.

Trống quý phát lộ

Ngày 30/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022), trong đó có chiếc trống đồng Tiên Nội I hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nam.

Hà Nam được biết đến là một trong những địa phương phát hiện ra nhiều trống đồng nhất, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ đã được công nhận là bảo vật quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn.

Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa, trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay, trống đồng Ngọc Lũ là hiện vật trang trí đẹp và phong phú nhất, phản ánh nhiều nét đặc trưng của cư dân Lạc Việt.

Trống được phát hiện từ năm 1893 khi người dân tham gia đắp đê ở phủ Lý Nhân. Sau thời gian lưu giữ tại đình Ngọc Lũ, trống được đem ra đấu xảo rồi lại được mua lại để lưu trữ tại Hà Nội.

Cũng giống như hoàn cảnh phát hiện trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Tiên Nội I được tìm thấy ngày 23/12/1988 do ông Đinh Văn Nhân ở thôn Trì thuộc xã Tiên Nội (Duy Tiên), trong quá trình đào đất ở cánh đồng Cầu Đất.

Ban đầu trống được lưu giữ tại trụ sở UBND huyện Duy Tiên. Gần 10 năm sau, khi Bảo tàng Hà Nam thành lập thì được bàn giao để trưng bày. Trống đồng Tiên Nội I hiện nằm trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn 16 chiếc của Bảo tàng Hà Nam, và là 1 trong 9 chiếc trống đồng được phát hiện trên địa bàn thị xã Duy Tiên.

Theo số liệu hồ sơ di sản của Bảo tàng Hà Nam, trống đồng Tiên Nội I có niên đại Văn hoá Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên). Trống có hình dáng cân đối, đề tài trang trí độc đáo với chiều cao gần 53cm, đường kính đáy rộng 69cm, đường kính mặt là 68.2cm.

TS Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết sự độc đáo của trống đồng Tiên Nội I tập trung ở vành 4 - với đồ án từng đôi chim Lạc được cách điệu hóa cùng họa tiết chữ S và vòng tròn đồng tâm.

TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định đây là chiếc trống đồng quý hiếm với hình tượng “băng hoa văn chim Lạc - Cá”, có thể nói là duy nhất trong số các trống đồng Đông Sơn.

Theo vị chuyên gia này, hoa văn chim Lạc và Cá ở vành 7 trên mặt trống gợi ý nghĩa về tư duy của người Việt cổ. Số 7 là triết lý âm dương kết hợp trong vũ trụ quan của người Việt cổ, chim Lạc biểu hiện cho dương, con cá tượng trưng cho âm. Con cá không ở dưới nước mà được đẩy lên không trung dưới mỏ chim Lạc.

Trống đồng Kính Hoa. Ảnh: GS.TS Trịnh Sinh.

Trống đồng Kính Hoa. Ảnh: GS.TS Trịnh Sinh.

Nhà sưu tập có 3 bảo vật quốc gia

Ngay sau khi chiếc trống Kính Hoa được công nhận, nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính đã tiến hành thiết kế một không gian bảo tàng để trưng bày các loại trống đồng. Đặc biệt, ông cũng xây dựng và sắp xếp phòng trưng bày “Bảo vật quốc gia trống đồng Kính Hoa I và II” theo tiêu chuẩn bảo vệ quốc bảo.

Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) có hai hiện vật, gồm trống đồng Kính Hoa II có niên đại thế kỷ II - I trước Công nguyên, và thạp đồng Kính Hoa có niên đại thế kỷ III - II trước Công nguyên.

Cả hai bảo vật hiện lưu giữ tại bộ sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính (Hà Nội). Như vậy cho đến nay, ông Kính đang giữ 3 hiện vật quý - trở thành người có nhiều bảo vật quốc gia nhất Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2020 Thủ tướng công nhận trống đồng Kính Hoa I là bảo vật quốc gia. Hiện vật được đánh giá là chiếc trống đồng xếp vào nhóm 5 chiếc trống đẹp nhất và độc đáo của Việt Nam.

Theo hồ sơ di sản, trống có hình dáng cân đối, mặt trống hình tròn, đường kính 89cm. Thân trống chia ba phần rõ rệt. Tang trống nở, lưng gần hình trụ tròn, chân choãi. Trống có chiều cao 59.5cm, nặng 110kg. Các số đo này cho thấy trống Kính Hoa thuộc loại chuẩn mực - được các nhà khoa học xếp vào nhóm A1 gồm: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà.

GS.TS Trịnh Sinh cho hay, trống được phát hiện ngay trong lòng đất ở một vùng quê ven sông Hồng. Ngay sau đó, các nhà sưu tập “thính tai” lập tức tìm đến và “hạ tiền” mua ngay. Qua một thời gian lưu lạc trong giới sưu tập cổ vật và cuối cùng chiếc trống này đến tay một doanh nhân yêu cổ vật ở Hà Nội - ông Nguyễn Văn Kính.

“Trống được trang trí hoa văn đẹp: Giữa mặt trống có hoa văn ngôi sao đúc nổi có 10 cánh nhọn. Giữa mỗi cánh sao được trang trí hình 1 cặp Giao long, tổng số có 10 cặp như vậy. Xung quanh hình ngôi sao giữa mặt trống có 13 vành hoa văn với độ rộng không đều nhau, miêu tả các mô típ hình động vật và các hoa văn hình học: 10 hoa văn hình con sam biển, hình 16 thú đuôi dài có thể là cáo, hình 21 con chim Lạc dang cánh bay”, GS.TS Trịnh Sinh bật mí.

Ngoài ra, trên lưng trống được khắc họa chính con người Đông Sơn, gồm 16 người chia thành từng cặp đang múa. Đầu đội mũ cắm lông chim dài, thân có áo lông chim xoè ra, tay dang ngang. Trên đầu các cặp đôi đang múa là hình ảnh chim Lạc đang sải cánh bay vươn thẳng lên trời, chứ không thành đàn bay ngang như trên mặt trống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ