Bố vợ từng coi con rể là “kẻ không có tương lai”

GD&TĐ - “Em ơi! Chuẩn bị đồ đạc nhanh lên nhé, chúng mình về nhà ngoại”, giọng Đạt vang lên từ phòng khách. 

Bố vợ từng coi con rể là “kẻ không có tương lai”

“Về nhà ngoại” – chưa bao giờ Hương thấy câu nói này thân thương, gần gũi đến thế. Cách đây gần 10 năm, với Hương, mỗi lần về nhà chẳng khác nào những cuộc tra tấn tinh thần. Bố Hương không thích Đạt trở thành con rể của ông, vì thế ông đã tìm mọi cách ngăn cản đám cưới của đôi trẻ.

Bố Hương là công chức, ông được cơ quan phân cho căn hộ cũ này để yên tâm công tác, nó nhỏ nhắn và thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn là lựa chọn tốt nhất cho 2 bố con vào thời điểm ấy. Đồng lương ít ỏi của bố chỉ có thể trang trải học phí cho Hương, thực phẩm ăn uống hàng ngày đều trông chờ vào những thứ mẹ Hương gửi từ quê lên.

Với bố Hương, tình hình có vẻ tệ hơn khi nhà trường thông báo rằng ông sẽ phải chia sẻ căn hộ với một đồng nghiệp khác, và đó người ông không ưa tí nào, chính là bố Đạt.

Hương và Đạt đã gặp nhau trong tình cảnh éo leo như thế. Căn hộ bé tí giờ phải chia làm 4 khoảnh cho 4 người. Hương không biết vì sao 2 ông bố không ưa nhau, có lẽ là những xích mích trong công việc. Khi về nhà, họ thường im lặng, không chào hỏi nhau. Hương cũng không quan tâm nhiều về chuyện người lớn, cô cần tập trung vào việc học. Bố cô ngày nào cũng dặn: “Con phải học cho tốt, sau này kiếm được công việc tốt thì mới có được người chồng tử tế”.

Thế nhưng mỗi lần Hương cố gắng tập trung để học thì tiếng đàn ghi-ta ở bên kia vách ngăn lại vang lên, kèm theo những tiếng gõ, tiếng đập rất “vô duyên”. Có lần Hương hét lên: “Này hàng xóm! Làm ơn trật tự chút nhé, tôi đang học bài”. Giọng ồm ồm đáng ghét của Đạt như muốn trêu ngươi: “Hàng xóm đâu, người một nhà mà”.

Lúc ấy Hương chưa biết Đạt học trường nào, ngành gì nhưng lúc nào anh cũng nghêu ngao đàn hát, như thể cuộc sống của anh chỉ có âm nhạc thôi vậy. “Có lẽ nào anh ta là kẻ ăn chơi?” – những suy nghĩ có phần tiêu cực ấy vô tình cuốn Hương vào cuộc sống của Đạt. Mỗi ngày cô lại muốn biết thêm chút ít về anh. 

Một lần, bố Hương đi công tác, bố Đạt về quê ăn cưới, đôi trẻ đã tận dụng cơ hội này để hẹn hò. Hương bị thu hút bởi mọi thứ ở Đạt.

Cuộc sống đang êm đềm thì đột nhiên bố Đạt xin nghỉ hưu sớm. Ông về quê, Đạt ở lại Hà Nội một mình. Đón nhận tin này, Hương không biết cô nên vui hay buồn. Còn bố Hương, ông thể hiện rõ thái độ không hài lòng: “Con với chả cái, giỏi giang thì tự kiếm việc làm đi chứ”. 

Khi ấy Hương không hiểu lắm câu nói của bố mình, về sau cô mới biết bố Đạt xin về hưu sớm để nhường lại vị trí công việc ấy cho Đạt. Bố Đạt dành rất nhiều tâm huyết cho anh, kế hoạch này ông cũng không bàn trước khiến anh không còn lựa chọn nào khác. Trở thành giảng viên trẻ nhất trường, lại mang tiếng “dựa hơi” bố, Đạt càng khiến bố Hương thấy “ngứa mắt”.

Đợi Hương tốt nghiệp và xin được việc làm, đôi trẻ mới chịu công khai chuyện hẹn hò. Ngay khi biết tin, bố Đạt tỏ ra hài lòng, hơn ai hết, ông biết Hương là cô gái ngoan ngoãn, chăm chỉ và có nhiều tham vọng trong công việc, ông tin Hương sẽ thành công, ông không bận tâm đến những xích mích của người lớn trong quá khứ mà thật lòng vun vén cho tình yêu của 2 con. Nhưng bố Hương lại khác, ông kịch liệt phản đối, trong mắt ông, Đạt là một chàng trai… không có tương lai.

Những tranh luận to tiếng giữa Hương và bố ngày càng căng thẳng. Bố Hương không chịu “xuống thang”, Hương quyết định dồn hết số tiền cô kiếm được trong năm đầu tiên đi làm để cùng Đạt tổ chức đám cưới. Ngày trọng đại không có sự góp mặt của người lớn, hạnh phúc đôi trẻ vì thế cũng không trọn vẹn. 

Cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Hương và bố khiến Đạt không vui. Anh tìm mọi cách để hàn gắn vết rạn trong gia đình vợ, mỗi dịp lễ Tết, anh thường chủ động rủ Hương về nhà ngoại. Hương miễn cưỡng làm theo những gì Đạt yêu cầu nhưng chưa lần nào những cuộc trở về ấy khiến cô cảm thấy dễ chịu. Hễ nhìn thấy Đạt, bố Hương một là không nói câu nào, hai là bắt đầu mỉa mai. 

Mọi chuyện chỉ có thể khác đi khi Hương sinh con gái đầu lòng. Niềm vui đứa cháu mang lại khiến ông ngoại quên mất rằng ông từng không ưa bố cháu. Con gái Hương càng lớn càng thông minh lanh lợi, mỗi lần về với ông ngoại, nó thường tìm cách giấu răng giả của ông, 2 ông cháu còn nghĩ ra đủ trò để chơi, ngôi nhà không ngớt tiếng cười, đến mức hàng xóm cũng phải ghen tị. 

***

10 năm đã trôi qua, Hương và Đạt mua được một căn hộ chung cư, cuộc sống đã khác rất nhiều nhưng tình yêu của họ vẫn thế, đầy ắp niềm vui và những tiếng cười. Điều khiến Hương hạnh phúc nhất là mối quan hệ giữa bố cô và Đạt đã thay đổi, tiếp xúc với con rể nhiều hơn, lắng nghe những tâm tư của anh, bố Hương dần mở lòng và yêu quý anh từ lúc nào mà chính ông cũng không biết. 

Giờ đây anh không chỉ là con rể mà còn là niềm tự hào của ông nữa. Hương thầm cảm ơn sự kiên nhẫn của chồng và biết ơn cả sự xuất hiện vô giá của cô con gái bé bỏng, con bé chính là chất keo kỳ diệu, chữa lành vết rạn ngày nào mà cô ngỡ không bao giờ có thể hàn gắn được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ