Sáng nay (3/10), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0.
Tại phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những trao đổi xung quanh việc chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0. Theo đó, người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định, nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực 4.0, ngành Giáo dục đã chủ động và sẵn sàng cho nguồn nhân lực này.
Bộ trưởng cho biết, ở bậc học phổ thông - bậc học nền tảng, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được xây dựng và đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện theo hướng tiếp cận năng lực, để học xong người học sẽ biết vận dụng kiến thức, năng lực vào giải quyết các bài toán của cuộc sống, tức là học xong để biết làm gì, thay vì học xong để biết cái gì như chương trình hiện nay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Trung ương tham quan các gian hàng. |
Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phương pháp giáo dục sẽ được chú trọng, đặc biệt là ứng dụng phương pháp STEAM trong dạy và học để hướng tới một thế hệ người Việt Nam có thế mạnh về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán và nghệ thuật.
Xác định Công nghệ thông tin và tiếng Anh là 2 mảng quan trọng nên Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học các môn học này và đưa vào học rất sớm - ngay từ lớp 3.
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giai 2016-2020, định hướng đến năm 2025, đề án này hiện đang được ngành Giáo dục tích cực triển khai thực hiện.
Đối với bậc đại học - bậc học đào tạo trực tiếp nhân lực, Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục đang triển khai đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu mô hình trường đại học 4.0, mô hình trường đại học thông minh gắn với đổi mới sáng tạo. Đề tài nghiên cứu này bước đầu đã đưa ra được các tiêu chí và đang tiếp tục thử nghiệm kết nối các trường đại học để tham khảo, chia sẻ, đối sánh.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT hiện đang phối hợp với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng các tài liệu học mở để không chỉ phục vụ cho công tác giáo dục của nhà trường mà còn phục vụ cho giáo dục suốt đời của cộng đồng.
“Chúng tôi đang cho thí điểm cơ chế đào tạo công nghệ thông tin theo mô hình chuyển đổi tín chỉ, thu hút công ty công nghệ tham gia vào đào tạo trong và ngoài trường. Đây là mô hình gắn với thực tiễn rất cao. Chúng tôi cũng khuyến khích các trường mở các mã ngành đào tạo mới liên quan đến công nghệ thông tin, ICT, trí tuệ nhân tạo và một số ngành phục vụ cho công nghệ chuyển đổi số. Đặc biệt, chúng tôi đang triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực 4.0, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - Bộ trưởng chia sẻ