Tỉnh Lâm Đồng hiện có 713 trường học từ mầm non tới cao đẳng với hơn 310 nghìn học sinh và gần 25 nghìn cán bộ, giáo viên các cấp. Giáo dục Lâm Đồng nổi bật với những kết quả trong đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các mô hình và phương pháp dạy học tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin, dạy và học ngoại ngữ, hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, Lâm Đồng là tỉnh đi đầu cả nước về đẩy mạnh phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường phổ thông, gắn giáo dục trong trường phổ thông với giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả, đây là tỉnh đầu tiên có học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) và liên tục nhiều năm liền luôn có học sinh đoạt giải cao từ cuộc thi này.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục Lâm Đồng đến nay vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số số học sinh bỏ học, nghỉ học còn nhiều; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp nằm trong nhóm thấp của cả nước; cơ sở vật chất dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc tổ chức học 2 buổi/ngày, chất lượng đội ngũ giáo viên vẫn còn hạn chế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan và trải nghiệm tại phòng học hiện đại với kết nối Internet và công nghệ số |
Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những kết quả mà giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng lưu ý, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng cần tập trung cho công tác quy hoạch mạng lưới gắn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung, để 2 trường đại học và 4 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh cùng tham gia vào nhiệm vụ này.
Cụ thể, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp xếp lại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nghiên cứu, sắp xếp trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt theo hướng là trung tâm bồi dưỡng giáo viên; củng cố khoa sư phạm Trường Đại học Đà Lạt; tăng cường rà soát công tác liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo liên kết ở bậc đại học và sau đại học.
Về nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát thông tư chuẩn giáo viên để từ đó có hướng dẫn chuẩn, quy chuẩn và tăng cường đào tạo theo chuẩn. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần chủ động bố trí, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia tập huấn nâng cao năng lực.
Đồng thời, huy động cán bộ giáo viên tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới. Chủ động chuẩn bị, bố trí kinh phí cho việc bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Trao đổi về vấn đề dồn dịch đội ngũ giáo viên hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên phù hợp với số lượng học sinh, tăng tính linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo chất lượng đội ngũ, cố gắng hạn chế tình trạng thêm việc lại thêm người, gây lãng phí, tốn kém.
Về cơ sở vật chất trường lớp học, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lâm Đồng sớm rà soát thống kê cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong toàn tỉnh để đưa ra được bức tranh trung thực về cơ sở vật chất, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư bằng các nguồn kinh phí khác nhau, đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan Khoa Lịch sử của nhà trường |
Trường Đại học Đà Lạt phải là biểu tượng văn hóa của tỉnh Lâm Đồng
Tới thăm Trường Đại học Đà Lạt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự ấn tượng về cơ sở vật chất của nhà trường. Bộ trưởng cho rằng, bề dày kinh nghiệm cùng với vị trí địa lý thuận lợi, quá trình quy hoạch đầu tư hợp lý, quy trình tổ chức quản lý bài bản đã giúp cho Trường Đại học Đà Lạt có được lợi thế hơn hẳn nhiều trường đại học khác trong khu vực và cả nước.
Bộ trưởng cũng ghi nhận những nỗ lực của Trường Đại học Đà Lạt trong việc bắt tay với các trường đại học, các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các mô hình khoa học công nghệ hiện đại, trong đó đặc biệt là công nghệ sinh học phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc đặt ra tầm nhìn đào tạo chỉ cho khu vực Tây Nguyên như hiện nay của Trường Đại học Đà Lạt là chưa phù hợp, nhà trường cần đặt vấn đề để trở thành địa chỉ thu hút trí tuệ của cả nước và dần hướng tới tiếp cận khu vực. Muốn làm được điều này, nhà trường cần phải có định hướng rõ ràng, có những quy hoạch cụ thể và làm đến nơi đến chốn, tránh việc rơi vào “bẫy nhận viện trợ”, chấp nhận mọi nhà đầu tư mà không tính đến quy hoạch tổng thể.
Bộ trưởng gợi ý, Trường Đại học Đà Lạt nên hướng tới đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh, địa phương có nhu cầu như công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông…
Bộ trưởng trao cho PGS.TS Nguyễn Đức Hòa- Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt bức tranh Khuê Văn Các |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, Trường Đại học Đà Lạt cần củng cố lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhưng không dàn trải, trong đó có thể tập trung vào nghiên cứu xây dựng bảo tàng Tây Nguyên; nghiên cứu những nét văn hóa vùng Tây Nguyên và gắn những nghiên cứu này với đào tạo. Trong quá trình phát triển, Trường Đại học Đà Lạt phải đặt ra mục tiêu để trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay, Trường Đại học Đà Lạt được biết tới là một trong những trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên, nhiều sản phẩm được nghiên cứu từ đây đã được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao giá trị nông sản cho địa phương và cho vùng. Để việc nghiên cứu đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Đà Lạt cần tiếp tục củng cố hệ thống các phòng thí nghiệm trên cơ sở đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, từng bước đưa Lâm Đồng trở thành một phòng thí nghiệm lớn để thu hút công nghệ và nguồn lực.
Bên cạnh đó, thời gian tới, theo Bộ trưởng, Trường Đại học Đà Lạt cần đầu tư mạnh vào khoa sư phạm trên cơ sở kết nối với các trường sư phạm lớn để trở thành trung tâm bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng lắng nghe Trưởng khoa Công nghệ sinh học trình bày giới thiệu những sản phẩm nghiên cứu của nhà trường |
Tới thăm và trò chuyện với giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trường chuyên là môi trường để phát hiện, ươm mầm tài năng cho các địa phương và cho đất nước chứ không phải là nơi luyện thi để giành giải, vì vậy, nhà trường cần chú trọng giáo dục toàn diện, tập trung giáo dục kỹ năng sống, tâm lý học đường, đầu tư sân chơi, bãi tập, thành lập các câu lạc bộ… để các em được phát triển toàn diện.
Đối với đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng lưu ý, trước yêu cầu đổi mới áp lực của đội ngũ giáo viên trường chuyên sẽ lớn hơn, mỗi thầy cô giáo cần tập trung đổi mới phương pháp, tránh giáo dục theo lối truyền thụ, áp dụng các phương pháp giáo dục mới gắn với thực tiễn, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Tới đây, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên các trường chuyên trong cả nước nói chung và Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt nói riêng phải là những người tiên phong đổi mới, trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy giáo viên toàn ngành triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong tương lai, Bộ trưởng đề nghị, Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt nên phát triển theo hướng hội nhập quốc tế, ngay từ bây giờ một số môn học mà nhà trường có điều kiện thì có thể thử nghiệm dạy bằng tiếng Anh, đồng thời mạnh dạn kết nối với một số trường phổ thông danh tiếng trên thế giới để trao đổi học sinh, hợp tác trao đổi chuyên môn, phương pháp sư phạm.
Nhân dịp tới thăm Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tặng học sinh nhà trường 1.200 cuốn sách tham khảo song ngữ.