Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Quyết tâm sớm đưa học sinh trở lại trường"  

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý ngành Giáo dục tỉnh Bến Tre cần nỗ lực vượt qua thách thức do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt, tỉnh cần quyết tâm, có giải pháp sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn.

Chiều 16/1, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về tình hình GD&ĐT; việc thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ GD&ĐT. Về phía tỉnh Bến Tre có ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT và các Sở, ngành của tỉnh.

Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại buổi làm việc.

Nỗ lực vượt qua đại dịch, từng bước mở cửa trường học

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, năm học 2020 – 2021 chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Giáo dục Bến Tre đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo các chỉ số của từng cấp, bậc học. Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh, kéo dài nên việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm học của tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự đồng hành, chia sẻ của người dân, nên việc chuẩn bị, tổ chức khai giảng năm học và triển khai các hình thức tổ chức dạy học được diễn ra đồng bộ, kịp thời, thích ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỉnh ưu tiên triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh, học viên từ lớp 5 đến lớp 12; giao nhiệm vụ học tập cho học sinh lớp 1 đến lớp 4; hướng dẫn cha mẹ chăm sóc con em tại nhà đối với trẻ mầm non. Đồng thời, tỉnh hết sức quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; ưu tiên tiêm vắc-xin cho giáo viên, học sinh để sẵn sàng sớm mở cửa trường học. Việc chăm lo cho đối tượng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm, hỗ trợ bằng các nguồn xã hội hóa…

Hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, kết quả đã vận động được 3,868 tỷ đồng cùng hàng ngàn điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn.

Hiện Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn. Do vậy, địa phương tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời dự kiến đầu tháng 2/2022 sẽ từng bước mở cửa lại trường học.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ GĐ&ĐT quan tâm hỗ trợ ngành giáo dục tỉnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ, xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực về ngân sách và biên chế giáo viên; cơ chế và biên chế tuyển giáo viên, công bố các chỉ tiêu về giáo dục giữa các tỉnh để địa phương có cơ sở so sánh, phấn đấu, điều chỉnh, bổ sung một số văn bản của ngành cho đồng bộ, sát hợp hơn. Đặc biệt là quan tâm, hướng dẫn, hỗ trở tỉnh sớm có một trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Ưu tiên củng cố kiến thức cho học sinh

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng và ghi nhận những thành quả mà ngành Giáo dục tỉnh Bến Tre đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý, trong năm 2022, ngành Giáo dục của tỉnh cần phải vượt qua thách thức do dịch bệnh gây ra.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, tỉnh Bến Tre cần quyết tâm, có giải pháp sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, tỉnh Bến Tre cần quyết tâm, có giải pháp sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn.
“Đặc biệt, trong ứng phó với dịch bệnh, khôi phục kinh tế xã hội hiện nay, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn với những quyết sách mạnh mẽ hơn. Khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, ngành giáo dục cần đặt trọng tâm vào rà soát, củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh sau thời gian dài dạy học trực tuyến, xem đây là trọng tâm số 1 của năm học này để tạo nền tảng vững chắc cho các năm học sau…” -  Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Nhân việc triển khai dạy học trực tuyến do dịch bệnh, Bộ trưởng lưu ý, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục một cách bài bản, lâu dài.

Ngoài ra, trong năm 2022 - 2023, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó quan trọng nhất là tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với điều kiện dạy học. Tỉnh tiếp tục quan tâm xã hội hóa trong giáo dục, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, quan tâm hệ thống GDTX, Trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống thư viện và các hệ thống học tập khác...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận, chia sẻ, ủng hộ những kiến nghị, đề xuất của địa phương và khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan trả lời bằng văn bản và làm việc trực tiếp với các sở, ngành của tỉnh để giải quyết.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác, đồng thời khẳng định, việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vì vậy, tỉnh Bến Tre sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt chú trọng chất lượng giáo dục thực chất.

Tạo ra sản phẩm giáo dục tương xứng với quê hương Bến Tre

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bến Tre, chiều 15/1, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến thăm Trường THCS Châu Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Cùng đi có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo Sở GD&ĐT và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Giồng Trôm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thăm Trường THCS Châu Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thăm Trường THCS Châu Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

Sau khi tham quan khuôn viên trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao và cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngành GD&ĐT địa phương, tạo dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cả nước còn trên 30% trường học tạm bợ, bán kiên cố. Ngay trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nam Bộ, số lượng trường học bán kiên cố chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong tình hình chung của khu vực, Trường THCS Châu Hòa được tài trợ xây dựng kiên cố hết sức đáng quý. Bộ trưởng chúc mừng địa phương và ngành giáo dục Bến Tre có cơ sở tốt để giáo dục cho con em trong tỉnh.

“Với điều kiện cơ sở vật chất tốt, mong các thầy, cô giáo sử dụng hiệu quả và tạo ra sản phẩm giáo dục tương xứng với quê hương Bến Tre - nơi có nhiều danh nhân, anh hùng trong lịch sử dân tộc.

Mỗi thầy cô giáo tiếp tục giáo dục cho các em đạo đức, nhân cách, niềm tự hào về quê hương và phát triển toàn diện. Tập thể nhà trường phát huy truyền thống giáo dục của tỉnh, phấn đấu đưa chất lượng dạy học đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt giai đoạn hiện nay, phải học tập tốt và chống dịch an toàn để thầy cô giáo và học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng quà lưu niệm Trường THCS Châu Hòa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng quà lưu niệm Trường THCS Châu Hòa.

Bộ trưởng đặc biệt kỳ vọng từ ngôi Trường THCS Châu Hòa có thêm nhiều học sinh trưởng thành, đóng góp cho quê hương, dân tộc và sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai. Đồng thời mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đồng hành hỗ trợ địa phương nhiều ngôi trường khang trang và kiên cố.

Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tặng tủ sách cho thư viện và tặng quà lưu niệm cho trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Bình

169.000 lao động sẽ có việc làm mới

GD&TĐ - Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025, UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Indonesia có khoảng 60 loại keris khác nhau. Ảnh: Wikipedia.org

Linh kiếm của Indonesia

GD&TĐ - Nếu ở hầu hết các nền văn hóa, kiếm chỉ giữ vai trò vũ khí thì ở Indonesia, kiếm cổ truyền – Keris mang cả giá trị quân sự lẫn tâm linh.