Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi ý 5 vấn đề ưu tiên phát triển giáo dục Bình Phước

GD&TĐ - Sáng 24/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Bình Phước về tình hình phát triển giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Mạnh  Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đồng chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. 

Nhiều kết quả tích cực trong dạy và học

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Nguyễn Mạnh  Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh  Cường - Bí thư Tỉnh ủy và bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đến thăm và làm việc tại địa phương; Đồng thời ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của Bộ trường và đoàn công tác đối với việc phát triển GD&ĐT của Bình Phước trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, năm 2021, bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên toàn ngành, sự nghiệp Giáo dục tỉnh Bình Phước tiếp tục đạt được nhiều thành tích.

Toàn tỉnh có 388 trường, 8.092 lớp nhóm, 252.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng và ngày càng nâng cao. Công tác giáo dục đạo đức và xây dựng văn hóa học đường được đẩy mạnh. Đội tuyển học sinh của tỉnh dự kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia đạt 54 giải (tăng 7 giải so với kỳ thi năm 2020), gồm: 4 giải nhất, 6 giải Nhì, 17 giải Ba và 27 giải Khuyến khích.

Vào cuối năm học, tỷ lệ học sinh xếp loại từ Khá-Giỏi ở bậc THPT đạt 70,4%, bậc THCS đạt 56,3%; học sinh tiểu học được xếp loại Hoàn thành trở lên đạt khoảng 99%; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 99,69%; tỷ lệ học sinh lớp 12 thi đỗ các trường đại học đạt 74%.

11/11 huyện/thị xã/thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập trung học cơ sở; tỉnh Bình Phước đã được công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 vào năm 2020 (xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố); 15/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập bậc THPT.

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi làm việc.
Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi làm việc.

Ngoài ra, Bình Phước đã thực hiện một số nhiệm vụ, chương trình mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và thí điểm dạy Toán và các môn khoa học bằng song ngữ Việt-Anh.

Trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 63.977/102.189 học sinh tiểu học được học Tiếng Anh, đạt tỷ lệ 62,6% so với tổng số học sinh (tăng 12,3% so với năm học 2019 – 2020); 11.745 học sinh bậc THCS và 3.839 học sinh THPT học tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Riêng đối với trẻ mầm non, toàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục mầm non/3.258 trẻ tham gia triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, phát biểu tại buổi làm việc.

Từ học kỳ II, năm học 2019-2020 đến nay, tỉnh đã triển khai thí điểm dạy học môn Toán và các môn Khoa học bằng tiếng Anh (dạy học song ngữ) ở 2 trường THPT chuyên và một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Đồng Xoài (có 8 trường/22 lớp/2.795 học sinh đang tham gia các lớp thí điểm). Đồng thời, UBND tỉnh đang tiến hành thẩm định, phê duyệt đề án để mở rộng số lượng học sinh và các trường dạy song ngữ trong cả tỉnh.

Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Bình Phước cũng đạt một số kết quả tích cực. Bước vào năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 714 lớp 1/21.612 học sinh, 717 lớp 2/21.130 học sinh và 459 lớp 6/16.391 học sinh, các trường đã cơ bản bố trí đầy đủ phòng học cho các lớp theo yêu cầu của chương trình.

Việc thực hiện CTGDPT 2018 trên địa bàn tỉnh đã được 100% cán bộ, giáo viên và đại đa số phụ huynh học sinh đánh giá tốt, cuối năm học 2020-2021, có 97% học sinh lớp 1 (20.863/21.522 em) được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học.

Đa số trường đã thực hiện tốt công tác tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên lớp 1, lớp 2, lớp 6  được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ các mô đun theo CTGDPT 2018 và thực hiện khá tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Kế hoạch bài dạy của giáo viên đã thể hiện rõ mục tiêu về năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của chương trình và các hoạt động giáo dục.

Giáo viên đã sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá học sinh, có các biện pháp giúp đỡ học sinh kịp thời theo nhận thức, hành vi, thái độ của các em và yêu cầu cần đạt được của chương trình.

Hướng đến phát triển giáo dục bền vững

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc giữ vững phát triển kinh tế, ổn định đời sống với điều kiện dịch Covid-19 có những diễn biến vô cùng phức tạp trong hơn 1 năm qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Bình Phước là một trong số các địa phương triển khai sớm mô hình trường học thông minh, dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý 5 vấn đề cho phát triển GD&ĐT tại Bình Phước trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý 5 vấn đề cho phát triển GD&ĐT tại Bình Phước trong thời gian tới.

“Từ góc độ lãnh đạo ngành, tôi xin cám ơn lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến giáo dục, trong hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn nhưng tỉnh đặt sự quan tâm mạnh đến việc phát triển giáo dục bền vững thì đây là điều đáng mừng. Bình Phước là địa phương sớm triển khai mô hình trường học thông minh và một số trường đã triển khai việc dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tham gia với đề án ngoại ngữ quốc gia…”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý địa phương cần thực hiện một số ưu tiên cho ngành GD&ĐT trong năm 2022.

Thứ nhất, khi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, tỉnh cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố kiến thức, bổ sung những thiếu hụt, lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng cho các em do sau 1 năm bị thiệt thòi, phải học trực tuyến.

Thứ  hai,  cần củng cố toàn bộ hệ thống dạy học trên nền tảng số. Điều này không chỉ để ứng phó với điều kiện dịch bệnh hiện tại mà về lâu dài phải xem dạy học trên nền tảng số là công cụng để ứng phó với mọi tình huống để tạo bước tiến nâng cao chất lượng giáo dục.

“Đây không phải là chuyện chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến mà phải xem xét chuyển đổi số trong giáo dục ở góc độ chiều sâu hơn với những phương pháp mới, những tương tác mới và hình thành những kỹ năng mới cho thầy và trò.  

Do đó, Bình Phước nên có ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, công ty công nghệ để triển khai chuyển đổi số về giáo dục cho toàn tỉnh…”, Bộ trưởng lưu ý.

Thứ ba, tỉnh tập trung cho việc kiên cố hóa trường học. Hiện bình quân cả nước tỷ lệ này trên dưới 80%, trong khi Bình Phước mới đạt khoảng 60%. Do đó, kiên cố hóa trường học cần đưa vào Nghị quyết của tỉnh, để tập trung triển khai thực hiện, nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trường học. Trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ sẽ chú ý đến nội dung kiên cố hóa trường học, đặc biệt là trường học cho đồng bào dân tộc.

Bộ trưởng trao tặng 30 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học thuộc 2 trườngTHPT chuyên Quang Trung, THPT chuyên Bình Long (Bình Phước) và thiết bị phục vụ công tác giảng dạy học tập cho Trường PTDTNT THPT tỉnh Bình Phước, Trường PTDTNT THCS&THPT Bù Gia Mập, Trường PTDTNT THCS&THPT Điểu Ong.
Bộ trưởng trao tặng 30 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học thuộc 2 trườngTHPT chuyên Quang Trung,  THPT chuyên Bình Long (Bình Phước) và  thiết bị phục vụ công tác giảng dạy học tập cho Trường PTDTNT THPT tỉnh Bình Phước, Trường PTDTNT THCS&THPT Bù Gia Mập, Trường PTDTNT THCS&THPT Điểu Ong.

Thứ tư, tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện tốt việc đổi mới Chương trình GDPT 2018. Trong đó, cần tập trung giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất; thừa thiếu giáo viên; giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ, chuẩn bị triển khai lớp cho lớp 3, 7, 10.

Liên quan việc thừa thiếu giáo viên, Bộ trưởng lưu ý địa phương bên cạnh các chỉ tiêu cho phép, cần triển khai đa dạng các giải pháp xã hội hóa giáo dục. Trong đó, đối với môn ngoại ngữ, tin học, không chỉ tập trung dạy như các môn khác mà cần có giải pháp phù hợp, ví dụ như ký hợp đồng hợp tác dạy học với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ...

Thứ năm,  địa phương chú ý phát triển giáo dục dân tộc. Trong đó, cần đầu tư phát triển các trường nội trú, bán trú, tăng cường dạy tiếng Việt, xóa mù chữ, tái mù, dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông

Về đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực, Bộ trưởng ủng hộ, ưu tiên phát triển các trường đại học, các phân hiệu đại học theo lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Cùng với đó, tỉnh cần phải phối hợp với một vài đại học khác để đa dạng việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý việc tạo cơ chế, điều kiện phát triển các đại học và phân hiệu của các đại học, đồng thời thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; lưu ý việc lập các trường nghề với chất lượng tốt cũng sẽ là giải pháp quan trọng và phù hợp cho việc giải quyết vấn đề nhân lực của Bình Phước trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng trao tặng 30 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học thuộc 2 trường THPT chuyên Quang Trung,  THPT chuyên Bình Long (Bình Phước) và  thiết bị phục vụ công tác giảng dạy học tập cho Trường PTDTNT THPT tỉnh Bình Phước, Trường PTDTNT THCS&THPT Bù Gia Mập, Trường PTDTNT THCS&THPT Điểu Ong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.