Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đồng Tháp cần chú trọng củng cố kiến thức, kỹ năng khi học sinh quay lại trường học

GD&TĐ - Chiều 25/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình GD&ĐT; việc thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 và triển khai Chương trình GDPT 2018.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ GD&ĐT. Về phía tỉnh Đồng Tháp có ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT và các Sở, ngành của tỉnh.

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm học chưa có tiền lệ

Báo cáo tình hình GD-ĐT, thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Năm học 2020 - 2021, tuy bị tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục Đồng Tháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; linh hoạt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo đúng lộ trình quy định.

Căn cứ trên các chỉ số tổng hợp, so sánh được, ngành Giáo dục Đồng Tháp đang xếp trong nhóm 5 Khu vực và nhóm 20 của cả nước.

Toàn tỉnh có 632 cơ sở giáo dục công lập, giảm 12 cơ sở so với năm học 2020 - 2021. Tổng số nhóm/lớp học là 10.643 với 325.386 học sinh, học viên. Toàn tỉnh có 18.643 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, giảm 482 người so với năm học trước.

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm học là chưa có tiền lệ.

Về các hình thức tổ chức dạy học,  tỉnh ưu tiên triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh, học viên từ lớp 5 đến lớp 12; giao nhiệm vụ học tập cho học sinh lớp 1 đến lớp 4; hướng dẫn cha mẹ chăm sóc con em tại nhà đối với trẻ mầm non.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc.

Qua rà soát, đầu tháng 9/2021, toàn tỉnh còn 15.486 học sinh, học viên chưa có thiết bị học trực tuyến. Hưởng ứng Chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, kết quả đã vận động được 11,881 tỷ đồng và trên 5.000 điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn. Đến ngày 25/10/2021, tất cả học sinh, học viên từ lớp 5 đến lớp 12 đã có đủ thiết bị và tham gia học trực tuyến.

"Hiện tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn. Do vậy, việc tổ chức dạy và học trực tiếp phải thận trọng và thực hiện theo từng bước. Dự kiến đầu tháng 1/2022, UBND tỉnh sẽ xem xét từng bước mở cửa lại trường học, trước tiên là khối lớp 12, 9 và tiếp tục từng bước mở rộng các khối lớp còn lại", ông Bửu cho biết.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc.

Tập trung nguồn lực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Triển khai đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về Chương trình đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho dạy học ở các lớp thay sách (bổ sung cho lớp 1; mua sắm mới cho lớp 2 và lớp 6), với tổng kinh phí là 120,93 tỷ đồng...

Tại buổi làm việc, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị ngành Giáo dục quan tâm đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh; Quan tâm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT tại địa phương; Cần có chính sách nhà ở cho đội ngũ nhà giáo; Cơ chế tuyển giáo viên cần mở hơn, nhất là đãi ngộ, đặt hàng… Hiện cơ chế xã hội hóa giáo dục tỉnh còn khó khăn, cần có cơ chế thoáng hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp.

Củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những thành quả đạt được trong thời gian qua của ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai Chương trình GDPT mới. Đặc biệt là năm 2022, ngành Giáo dục cần phải vượt qua thách thức dịch bệnh.

Trong ứng phó dịch bệnh, khôi phục kinh tế xã hội, cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp đưa học sinh trở lại trường an toàn và có những quyết sách mạnh mẽ hơn.

Khẩn trương xác định năm 2022 là năm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh sau thời gian dài dạy học trực tuyến, xem là trọng tâm số 1.

Cần có giải pháp ứng phó với dịch bệnh khi trở lại học trực tiếp một cách bền vững. Nhân việc triển khai dạy học trực tuyến do dịch bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục một cách bài bản, lâu dài.

Bộ trưởng lưu ý tỉnh tiếp tục thực hiện, chuẩn bị tốt cho các bước triển khai tiếp theo kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông; Quan tâm vấn đề kiên cố hóa trường học; Phổ cập mầm non, đặc biệt lưu ý đủ trường, đủ giáo viên cho các trường mầm non, nhà trẻ ở các khu công nghiệp, và phải coi đây là việc làm song song với việc phát triển các khu công nghiệp.

Tỉnh tiếp tục quan tâm xã hội hóa trong giáo dục, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, quan tâm hệ thống GDTX, Trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống thư viện và các hệ thống học tập khác...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác. Tỉnh Đồng Tháp sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt chú trọng chất lượng thực chất. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong khẳng định, nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.