Báo cáo về tình hình hoạt động của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 23 khoa đào tạo; 2 bộ môn trực thuộc; 2 trường phổ thông, 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non trực thuộc; 1 phân hiệu tại Hà Nam và 2 viện nghiên cứu và các trung tâm khoa học - công nghệ.
Hiện, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hơn 1.000 cán bộ; trong đó, có 659 giảng viên. Trong số giảng viên có 19 Giáo sư, 138 Phó Giáo sư (chiếm 23,8% tổng số giảng viên của Trường); 270 Tiến sĩ; 446 Thạc sĩ; 140 cử nhân; 36 người trình độ khác. Trường có 38 Nhà giáo Nhân dân, 137 Nhà giáo Ưu tú.
Năm học 2020-2021 nhà trường triển khai đào tạo 34 ngành đào tạo tiến sĩ; 38 ngành đào tạo thạc sĩ. Với bậc đại học, trường có 36 ngành đào tạo với 47 chương trình chính quy.
Trong đó có 27 chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, phổ thông; 7 chương trình đào tạo giáo viên chất lượng cao; 5 chương trình đào tạo giáo viên dạy phổ thông bằng tiếng Anh, quy mô trên 10.000 sinh viên. Ngoài ra, trường còn đào tạo 42 chương trình đào tạo đại học không chính quy.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đơn vị nòng cốt trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông. Trường là nơi tập trung đông đảo các nhà giáo, các nhà khoa học cơ bản, khoa học giáo dục đầu ngành đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa.
Nhà trường cũng tham gia triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên trên cả nước. Đội ngũ giảng viên của trường là chủ lực trong biên soạn và thực hiện các khóa bồi dưỡng ngắn hạn thường xuyên, theo chu kì cho giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức trên phạm vi cả nước ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trước yêu cầu đổi mới, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xác định cần tập trung chuyển đổi số mọi hoạt động; tiếp tục đổi mới mô hình, chương trình đào tạo; tham gia tích cực vào tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông; nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Tại cuộc làm việc, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã trao đổi về những kết quả, đóng góp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách giáo dục thời gian qua; đặc biệt là những đóng góp trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.
Các đơn vị thuộc Bộ mong rằng, thời gian tới, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tiếp tục có những tư vấn hiệu quả hơn nữa về chính sách, nhất là những chính sách về đội ngũ nhà giáo; củng cố, phát triển hệ thống trường sư phạm; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đánh giá cao bề dày truyền thống, những đóng góp quan trọng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong đào tạo đội ngũ giáo viên, lực lượng cán bộ quản lý giáo dục, cũng như những đóng góp trực tiếp và gián tiếp về nhân lực thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn:
Trường ĐHSP Hà Nội sẽ trở thành động lực, là một trong những nơi khởi đầu cho đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục; là nơi triển khai, lan tỏa khoa học giáo dục, công nghệ giáo dục, công nghệ dạy học đổi mới, hiện đại, phát triển và có vai trò dẫn dắt đối với hệ thống đào tạo sư phạm.
Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, phát triển khoa học giáo dục; Đồng thời, liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thuộc Bộ để tham gia sâu hơn vào quá trình tư vấn, xây dựng chính sách giáo dục, trong đó có chính sách cho đội ngũ giáo viên; đổi mới giáo dục phổ thông; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo thống kê, tỉ lệ sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có việc làm sau một năm tốt nghiệp (bình quân trong 3 năm gần đây) là 95,9%. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với tỷ lệ các tiêu chí đạt yêu cầu là 85,2%. Trường được xếp hạng trong nhóm 551-600 tại danh sách xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á 2021 theo QS Asia University Rankings 2021.