Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Ngày 19/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ.

Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, đoàn của Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; bà Bùi Lan Hương, Phó Trưởng Phòng Quan hệ quốc tế - Cục Hợp tác quốc tế… Cùng dự có Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Atonio Guterres cho rằng giáo dục hiện nay đang trong giai đoạn khủng hoảng với nhiều thách thức, thay vì là nền tảng kiến tạo, giáo dục lại đang gây chia rẽ trên thế giới. Để hiện thực hóa tầm nhìn đối với giáo dục trong thế kỷ 21, Tổng Thư ký LHQ đưa ra đề xuất 5 điểm để các nước thành viên LHQ quan tâm và có cam kết mạnh mẽ.

Đó là bảo đảm quyền đối với giáo dục cho tất cả, nhất là trẻ em gái; quan tâm đến vai trò và kỹ năng của giáo viên - mạch sống của hệ thống giáo dục; đảm bảo trường học có không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, định kiến; tất cả người học được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số; bảo đảm tài chính cho giáo dục và đoàn kết quốc tế.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các đối tác phát triển tăng cường hỗ trợ, dành tối thiểu 15% ODA cho giáo dục, các thể chế tài chính quốc tế cần tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có đóng góp quan trọng tại Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (hàng đầu bên phải); Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.(thứ hai từ phải sang); và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (hàng đầu bên phải); Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.(thứ hai từ phải sang); và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ.

Bộ trưởng thông tin, tại Việt Nam, trong hơn hai năm qua, những ý chí, nỗ lực, sự bền bỉ của học sinh, thầy cô, nhà trường đã giúp sự nghiệp giáo dục được tiếp tục phát triển và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cho rằng, việc phải đối mặt và vượt qua thách thức do đại dịch mang lại đã giúp chúng ta định hình những cách nhìn mới về tương lai của giáo dục. Chúng ta càng thêm chắc chắn rằng công cuộc chuyển đổi giáo dục cần phải tăng tốc hơn nữa, trong bối cảnh những thay đổi vốn mang tính dài hạn nay đã được đẩy nhanh bởi đại dịch.

Thay vì hy vọng mọi thứ được trở về bình thường như trong quá khứ, cách tiếp cận tốt nhất giúp chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ giữa những bất ổn trước mắt và xu hướng toàn cầu dài hạn là kết hợp các phương pháp tối ưu trước và trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Việc đầu tiên cần làm, theo Bộ trưởng, là bù đắp những khoảng trống giáo dục do ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời gian dài. Hơn cả kiến thức, học sinh sau đại dịch đặc biệt thiếu hụt các kĩ năng trong cuộc sống cũng như trong học tập. Việc quay trở lại trường học giai đoạn này là một thay đổi lớn, đòi hỏi học sinh phải được trang bị khả năng thích ứng với nhiều thay đổi trong một thời gian ngắn. Các kỹ năng và việc củng cố kiến thức trở nên cần thiết đối hơn đối với việc phải đạt một điểm số cụ thể, hoặc vượt qua một kỳ thi cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong cuộc sống.

Thứ hai, trong một thế giới mà mọi thứ đang diễn tiến ngày càng nhanh hơn, phân hoá mạnh hơn và liên kết với nhau chặt chẽ hơn; chúng ta cần một mạng lưới kết nối mạnh mẽ để tối ưu hoá tiềm năng của mình và bảo đảm rằng không ai bị sót lại phía sau. Song song với các biện pháp hỗ trợ tư vấn về sức khoẻ tinh thần, những kỹ năng bậc cao để kết nối, cộng tác và tạo ra những giá trị mới là thứ chúng ta cần phải tập trung thúc đẩy cho các thế hệ tương lai.

Thứ ba, thông qua đối thoại chính sách, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm quốc tế về ứng phó và phục hồi sẽ được phổ biến nhanh chóng, kịp thời và các sáng kiến đổi mới sáng tạo cũng từ đó được nhân rộng.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

“Tôi hy vọng những chia sẻ ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta kết nối, hợp tác để cùng mạnh mẽ hơn, thực hiện sứ mệnh đào tạo những thế hệ công dân tương lai.” - Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội nghị sau 2 năm khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng của giai đoạn phục hồi, đồng thời là cơ hội để các quốc gia trở mình phát triển mạnh mẽ hơn.

Tương tự, với giáo dục cần phát huy sứ mệnh của mình để trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ công dân hiện tại và tương lai vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, việc đáp ứng được mục tiêu giáo dục có chất lượng (SDG 4) sẽ góp phần vào sự tiến bộ của tất cả các mục tiêu phát triển bền vững khác.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng trình bày 3 ý kiến tại phiên họp và hy vọng những ý này sẽ góp phần thúc đẩy vào quá trình phát triển giáo dục một cách bền vững của các quốc gia.

Thứ nhất, đối với một nền giáo dục, bất kể trình độ phát triển nào, việc cần phải làm là thu hẹp những khoảng cách về bất bình đẳng. Việt Nam đã đạt được phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc bình đẳng trong tiếp cận là chưa đủ, chúng ta cần phải bảo đảm rằng chất lượng giáo dục, sự hòa nhập và công bằng ở tất cả các cấp học là mục tiêu quan trọng trong tầm nhìn ở giai đoạn tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Đại sứ Đặng Hoàng Giang, và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Đại sứ Đặng Hoàng Giang, và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ.

Thứ hai, giảng dạy không chỉ là truyền thụ kiến ​​thức, học tập không chỉ là tiếp nhận kiến ​​thức. Giáo viên là người hỗ trợ giúp học sinh hấp thụ kiến ​​thức mới và xử lí các nguồn thông tin. Đích đến của việc học tập không phải chỉ có kiến thức, càng không phải là kiến ​​thức của ngày hôm qua. Thay vào đó, chúng ta cần hướng tới khả năng cộng tác, kết nối và kiến tạo. Điều này đòi hỏi giáo viên cần phải có những kiến thức, kỹ năng để giúp học sinh hiện thực hoá tiềm năng của mình.

Thứ ba, tiến bộ của khoa học, công nghệ cho phép chúng ta kết nối trong một cộng đồng số, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong thế giới đầy biến động. Phương pháp, nội dung giảng dạy có thể thay đổi, nhưng những giá trị cốt lõi luôn bất biến. Vì vậy, điều quan trọng là phải giúp học sinh định hướng bản thân, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc với những giá trị căn bản mà chúng ta mong muốn các em sẽ trân trọng trong suốt cuộc đời của mình.

Hội nghị với mục tiêu chung là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục với 2 mục tiêu cụ thể. Đó là tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu. Đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).

Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 19/9 do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì tại New York, Hoa Kỳ.

Trong 2 ngày 19-20/9, bên lề Hội nghị thượng đỉnh giáo dục, Bộ trưởng và đoàn công tác còn có các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, ông Miguel Cardona; ông Jaime Saavedra, Giám đốc Giáo dục toàn cầu của Ngân hàng thế giới (World Bank); đại diện Tập đoàn Microsoft và Đại học New York…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ