Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng 20 năm thành lập Vụ Pháp chế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều tối 7/12, Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt nhân dịp 20 năm thành lập.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng hoa tri ân nguyên lãnh đạo Bộ phụ trách Vụ Pháp chế và lãnh đạo Vụ Pháp chế các thời kỳ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng hoa tri ân nguyên lãnh đạo Bộ phụ trách Vụ Pháp chế và lãnh đạo Vụ Pháp chế các thời kỳ.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn; nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT phụ trách công tác pháp chế các thời kỳ; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ...; đại diện một số bộ ngành Trung ương, một số sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục...

Vụ Pháp chế được thành lập năm 2003 theo Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT.

Vụ được Bộ trưởng giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác pháp chế, với các nhiệm vụ cụ thể về công tác xây dựng pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và một số nhiệm vụ công tác pháp chế khác.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh, 20 năm thành lập và phát triển là chặng đường tạo dấu ấn mạnh mẽ của Vụ. Bên cạnh chủ trì, tham gia soạn thảo các dự án Luật, các văn bản quan trọng của Chính phủ, cán bộ công chức của Vụ Pháp chế đã tham gia soạn thảo, góp ý, thẩm định hàng ngàn lượt văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ do các đơn vị chức năng dự thảo.

Chặng đường đã qua, dù nhiều khó khăn, thử thách, áp lực, nhưng với nỗ lực của lãnh đạo Vụ và cán bộ công chức các thời kỳ, sự nỗ lực vượt khó, tập thể Vụ Pháp chế đã hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2003, Vụ Pháp chế đang từng bước kiện toàn mạnh mẽ về đội ngũ, bổ sung nhân lực, đổi mới phong cách và lề lối làm việc, chuyên nghiệp hóa, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đồng thời, tích cực tham mưu, tư vấn các vấn đề pháp lý cho Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh phát biểu tại buổi gặp mặt.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh phát biểu tại buổi gặp mặt.

Bày tỏ vui mừng, tự hào về truyền thống 20 năm của Vụ Pháp chế, nguyên Vụ trưởng Chu Hồng Thanh kỳ vọng Vụ sẽ không ngừng bền bỉ học hỏi, nâng cao năng lực công tác pháp chế, giữ được tình yêu nghề.

Cho rằng làm pháp chế không phải việc riêng của cán bộ pháp chế mà cần sự hợp tác chặt chẽ, sự ủng hộ của các vụ, cục, đơn vị liên quan, ông Chu Hồng Thanh hy vọng Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã quan tâm, sẽ quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa, đòi hỏi cao hơn nữa, để công tác pháp chế phục vụ tốt hơn cho ngành.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Chu Hồng Thanh chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Chu Hồng Thanh chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng, sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của tập thể Vụ Pháp chế trong 20 năm qua.

Bộ trưởng cho biết, năm 2023 có 2 đơn vị cùng kỷ niệm 20 năm thành lập là Vụ Pháp chế và Cục Quản lý chất lượng. Việc thành lập Vụ Pháp chế thể hiện mối quan tâm gia tăng công cụ pháp luật, phương diện pháp chế, gia tăng tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước. Cục Quản lý chất lượng ra đời cũng là sự đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước với lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Cho đến thời điểm này, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, của lĩnh vực giáo dục - đạo tạo đã tương đối bài bản; có phần khung tương đối đầy đủ, toàn diện với một nền tảng khá vững chắc, căn bản. Điều đó có đóng góp rất quan trọng của Vụ Pháp chế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chúc mừng Vụ Pháp chế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chúc mừng Vụ Pháp chế.

Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang trong lộ trình đổi mới. Chúng ta đang tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Chính lĩnh vực pháp chế, thể chế là khâu mở đường cho đổi mới. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, pháp chế đặt trước yêu cầu, đòi hỏi rất cao; vừa căn bản, vừa liên tục theo sát diễn biến thực tế để có sự điều chỉnh. Do đó, thử thách lớn, rủi ro cũng rất nhiều.

“Xây dựng các căn cứ pháp luật cho đổi mới bao giờ cũng là việc chưa từng có. Luật pháp về bản chất luôn đi sau cuộc sống và có tính bảo thủ, nhưng chúng ta đang làm phương diện pháp luật để mở đường cho đổi mới, đó thực sự là thách thức” - Bộ trưởng chia sẻ và gửi gắm: Làm công tác pháp chế phải là người tiên phong, mang tinh thần đổi mới, mở đường cho đổi mới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt.

Chia sẻ nhiệm vụ nặng nề trước mắt là xây dựng Luật Nhà giáo, tiếp tục sửa đổi những bộ luật đã ban hành…, Bộ trưởng mong cán bộ công chức Vụ Pháp chế tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm để tiếp tục đảm đương, gánh vác được vài trò tham mưu và lực lượng chủ lực trong hoạt động pháp chế nói chung của Bộ và trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

“Bộ ngành nào lĩnh vực pháp chế cũng quan trọng. Nhưng với Bộ GD&ĐT, một đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà đối tượng tác động là con người, nên mỗi văn bản quy phạm pháp luật, mỗi chính sách ban hành bao giờ cũng đầy tính nhạy cảm, đòi hỏi tính chính xác, sát thực tiễn.

Do đó, mong chúng ta ý thức được hết tầm quan trọng, đặc điểm công việc để trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, sự nhạy cảm xã hội, sâu sát thực tiễn; từ đó hoàn thành tốt công việc, tiếp tục mở đường cho sự phát triển, đổi mới của ngành bằng công cụ pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.