Bộ trưởng đầu tiên hi sinh trên chiến trường

Tổng khởi nghĩa. Nhiều cán bộ thoát ly trở về thủ đô. Một bạn trong lãnh đạo Việt Minh báo tin mừng: trong dự kiến danh sách Chính phủ nhân dân lâm thời có tên tôi ở Bộ Cứu tế xã hội.

Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Quốc hội thành lập sau tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Đứng cạnh Bác Hồ là cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Nguyễn Văn Tố. Ảnh tư liệu
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Quốc hội thành lập sau tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Đứng cạnh Bác Hồ là cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Nguyễn Văn Tố. Ảnh tư liệu

Thú thật tôi băn khoăn lắm: nghề mình là “gõ đầu trẻ” cơ mà!

Mấy hôm sau, các báo công bố danh sách chính thức của Chính phủ: tên tôi được ghi ở Bộ Quốc gia giáo dục, tên cụ Tố ở Bộ Cứu tế xã hội. Một sự hoán vị bất ngờ!

Cụ Tố lâm nạn!

Bộ Giáo dục ngay những ngày đầu đã xin được sắc lệnh xóa nạn mù chữ trong thời hạn một năm, có trở lực lớn thì trong vòng ba năm; song song là sắc lệnh lập ngành bình dân học vụ.

Không đợi tôi kiến nghị, cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố chủ động bàn với ban trị sự quyết định và tuyên bố: chuyển toàn bộ tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất và tinh thần của Hội Truyền bá quốc ngữ sang ngành bình dân học vụ. Có được điều kiện thuận lợi ấy, Bộ Giáo dục bèn mở Hội nghị toàn quốc bình dân học vụ. Hồ Chủ tịch đến dự.

Trước khi bế mạc hội nghị, một cán bộ của bộ, anh Lê Văn Bình, bí thư của tôi, dẫn một nữ huấn luyện viên mang sổ vàng lên xin chữ ký lưu niệm của Hồ Chủ tịch, cố vấn Vĩnh Thụy và mấy Bộ trưởng có mặt. Anh nguyên là một hiệu trưởng tư thục, cũng là cơ sở tốt của Hội Truyền bá quốc ngữ, thường được cụ hội trưởng tới thăm và động viên.

Cụ Tố thầm thì: “Ông Bình này! Đáng lẽ mình ở bên bộ các ông, cùng làm bình dân học vụ đấy! Nhưng thế là phải. Đúng người, đúng chỗ, cả hai”. Nghe kể lại tôi càng mến phục cụ về đức khiêm nhường, tính hồn nhiên của cụ. Tất cả vì việc công!

Từ đó tôi ít được gặp cụ: cả hai người đều túi bụi xếp đặt cơ quan mình được cách mạng giao trách nhiệm, bên thì diệt giặc đói, bên diệt giặc dốt. Đều nặng cả.

Lúc kháng chiến nổ ra ở thủ đô, tôi theo Chính phủ lên ATK Tân Trào, cụ Tố dẫn cơ quan mình lên thị xã Bắc Cạn.

Cuối thu năm 1947, Pháp tấn công Việt Bắc. Với hai gọng kìm thép và lửa, bằng cả ba binh chủng không, thủy, lục, địch nhảy dù Bắc Cạn. Cơ quan cụ Tố bị mắc kẹt trong gọng kìm của giặc.

Cụ bộ trưởng Nguyễn Văn Tố lâm nạn. Đó là vị bộ trưởng đầu tiên hi sinh trên chiến trường, đối mặt với địch.

60 năm mới tìm được hài cốt

Chỉ xin phép được chia sẻ mối tình cảm sâu sắc của các bạn với vị huynh trưởng quá cố đã gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cao cả - nâng cao dân trí:

Cái đêm lịch sử ấy sương núi mịt mù, phủ toàn cảnh một góc miền thượng du... thấp thoáng trong màn sương bóng một ông già quen quen. Vẫn bộ đồ dân tộc đơn sơ: khăn xếp, áo the nhưng không thâm mà trắng toát từ đầu đến chân: “tiên phong đạo cốt”.

Ta thấy bóng đứng thẳng người, trong vòng vây của gươm súng tua tủa... Bóng ngửng đầu nhìn bầu trời cao: sao Đẩu lấp lánh, phóng tia sáng vẫy gọi.

Trên đây là trích đoạn bài phát biểu của tôi trong lễ tưởng niệm 50 năm ngày hi sinh của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng Ban liên lạc cựu chiến sĩ truyền bá quốc ngữ tổ chức ngày 11-10-1997 tại Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam ở Hà Nội.

Ngay khi ấy tôi đã đặt vấn đề với ông Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nên tổ chức tìm kiếm mộ và hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Tố làm căn cứ truy nhận công lao to lớn của cụ đối với Tổ quốc.

Việc tìm kiếm gặp khó khăn, kéo dài, không kết quả khiến tôi rất áy náy, lo lắng mình gần đất xa trời rồi mà vẫn chưa tròn bổn phận của “nhân chứng cuối cùng”, tuy là gián tiếp thôi vì không tận mắt thấy, chỉ được nghe kể chi tiết về gương hi sinh lẫm liệt của cụ Tố mà chính Hồ Chủ tịch cũng nhắc lại trong điếu văn do Người tự soạn.

Cuối cùng sau nhiều năm tìm kiếm, nhờ tâm huyết cùng nỗ lực của Hội Khoa học lịch sử và câu lạc bộ “chiến sĩ diệt dốt”, có sự thúc đẩy của ông Nguyễn Văn An, ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội, đầu năm 2007 việc tìm mộ và hài cốt đã thu được kết quả mỹ mãn.

(Vấn đề phức tạp là do cái chết của cụ Tố không còn nhân chứng, suốt 60 năm lại không tìm được mộ và hài cốt. Đến ngày 9-4-2007 nhờ những nỗ lực của ông Nguyễn Đức Phụng, các cán bộ Văn phòng Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và nhân dân xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, mộ và di cốt của cụ Tố đã được tìm thấy với “3 đinh đóng ở cằm, vai và tay”).

Vậy nhưng tôi được nghe nói việc truy nhận cụ là liệt sĩ vẫn trắc trở không rõ vì lý do gì. Tôi lại gửi thư lên Thường trực Quốc hội kể rõ những điều đương thời tôi được nghe về cái chết của cụ Ứng Hòe tại lễ truy điệu ở An toàn khu của Chính phủ kháng chiến trong rừng núi Tuyên Quang, mong góp một tiếng nói của nhân chứng để Nhà nước giải quyết dứt điểm vấn đề. Mới đây sắp bước vào tuổi 100, mắt mờ tai điếc rồi, tôi được con trai “quát” vào tai: “Cụ Tố được truy tặng Huân chương Sao Vàng rồi ông ạ!”.

Ôi vạn hạnh! Vạn hạnh!

Tôi đem hết sức tàn đọc cho con ghi làm quyển sách này cũng là để không một ai có công với dân với nước bị lãng quên.

Lời điếu cụ Tố

1. Than ôi!

Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ

Mây phủ mê man, Thái Sơn ngừng biếc.

Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng

Phú quý công danh, cụ nào có thiết

Đến ngày dân tộc giải phóng thành công

Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc

Giữ chức bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân

Đại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết.

2. Dân ta hết sức tôn trọng hòa bình

Giặc Pháp dã tâm gây nên lưu huyết

Từ ngày toàn quốc kháng chiến nổ bùng

Thì cụ tâm tâm hô hào đoàn kết

Lũ Tây gặp nhà là đốt, gặp của là vơ

Thấy làng thì phá, thấy người thì giết

Non sông gấm vóc há cam lòng chịu đọa đày

Con cháu Lạc Hồng, nào để thực dân khinh miệt.

Ngày này qua tháng khác, cụ đi động viên tinh thần dân chúng khắp xa gần,

Xứ Bắc đến miền Nam, cụ đã trông thấy sức kháng chiến ngày thêm mãnh liệt.

3. Quân địch ào ào tấn công

Trong vùng cụ đang làm việc

Chúng tra tấn cụ, cực kỳ tàn khốc, dã man

Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt

Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa

Cụ dù hi sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt

Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho

Cho nên Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc.

4. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ mà hứa rằng:

Từ đây, quốc dân ta đã đồng tâm, càng thêm đồng tâm

Chính phủ ta đã kiên quyết, càng thêm kiên quyết

Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn

Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà Nam Việt

Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hi sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng

Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như vầng nhật nguyệt.

Hồ Chí Minh (Soạn và đọc tại lễ truy điệu trong chiến khu Việt Bắc)

Kỳ tới: Lời thề Hippocrates của bác sĩ Luyện

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ