Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị cho tạo cơ chế đặc biệt cho Khu kinh tế Vân Phong

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình nghiên cứu các cơ chế, chính sách tập trung bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa tạo điều kiện động lực để tỉnh này phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Đồng thời khai thác phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát huy thế mạnh của mình trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cũng là đảm bảo mục tiêu phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình nghiên cứu các cơ chế, chính sách tập trung bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội.

Đồng thời tương thích với các cơ chế, chính sách Quốc hội đã cho phép thí điểm tại 8 tỉnh trước đây áp dụng. Điều này phù hợp với vai trò, vị trí, điều kiện thực tế của tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với ý kiến của đại biểu là phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa. Bộ trưởng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì cùng với tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ và tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá để giúp cho Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới.

Trước mắt, chọn ra 11 nhóm chính sách đã nêu trong Tờ trình. Trong đó có 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh được cho phép thí điểm và 4 chính sách mới và được nhiều đại biểu đồng tình.

Giải phóng mặt bằng dự án phải thực hiện 6 bước

Giải trình về việc cho phép điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản của Khu kinh tế Vân Phong để thực hiện trước, Bộ trưởng cho biết, từ khi bắt đầu lập chủ trương đầu tư cho đến khi giải phóng mặt bằng dự án phải thực hiện 6 bước.

Nếu thực hiện trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn dự án thì sẽ rút ngắn được 6-12 tháng. Còn tất cả quy trình vẫn giữ nguyên để đảm bảo đúng quy định, đúng quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.

Về thí điểm tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, hiện Quốc hội đã cho chủ trương và giao cho Chính phủ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội về vấn đề này.

Bộ trưởng đề nghị trong quá trình nghiên cứu xin phép Quốc hội cho Khánh Hòa được thí điểm thực hiện trước. Nếu được sẽ rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng và cũng là điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Trong đó có chiến lược để thực hiện các dự án lớn.

Cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong

Về cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt, thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ. Trong khi chúng ta đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá.

Vì vậy dự thảo nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn và đã có một loạt giải pháp như đã báo cáo trong Tờ trình. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu cần có cam kết về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược để bổ sung dự thảo Nghị quyết.

Về các chính sách ưu đãi áp dụng bình thường đúng như quy định của Điều 15 Luật Đầu tư, cũng như các điều kiện của các nhà đầu tư trong các khu kinh tế. Ngoài ra, có hai cái chính sách bổ sung thêm được trừ phần trăm chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu đãi, ưu tiên về các thủ tục hải quan, thuế trong với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với Quỹ phát triển nghề cá của Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết đây là quỹ của quốc gia thuộc loại hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Chính phủ thành lập và giao cho Khánh Hòa quản lý. Đồng thời nhằm thu hút và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án, công trình ngoài khơi, nhất là các hạ tầng cho nghề cá, hạ tầng cho đánh bắt ngoài khơi, phòng chống thiên tai, bão lũ….

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với các vùng khác như vùng Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc để tạo sự phát triển đồng đều trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.