Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

GD&TĐ - Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 13/6 Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại diện Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Vào phiên họp buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, trong phiên họp sáng 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên thảo luận đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 03 ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị; tăng cường liên kết, tác động lan tỏa, đáp ứng yêu cầu của các địa phương mà dự án đi qua trong khai thác, phát huy những tiềm năng; hỗ trợ, tạo kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh trong khu vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi và quy mô dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; công tác giải phóng mặt bằng; tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP đối với dự án thành phần 3; các hình thức đầu tư cho đường song hành hai bên vành đai và mức độ ảnh hưởng của các đường song hành; hiệu quả của các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất của các khu vực có liên quan đến giá trị địa tô tăng thêm; bảo đảm kết nối hợp lý giữa đường Vành đai 3 của các trục hướng tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương lân cận.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của dự án, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, phân bổ nguồn lực; xem xét tính khả thi của tiến độ thực hiện dự án;...

Cũng trong sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tại phiên thảo luận đã có 15 ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: đề nghị tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết và tập trung vào 3 nội dung tài chính, ngân sách đầu tư và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; việc áp dụng các nhóm chính sách cho Khánh Hòa; mở rộng nội dung hỗ trợ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; kiểm soát chặt chẽ việc phân cấp điều chỉnh quy hoạch; việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa; thời gian thực hiện việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; khu vực nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư; nguyên tắc, tiêu chí về ngành nghề vốn để được hưởng ưu đãi; chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết; cơ chế thu hút đầu tư, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh về phát triển nuôi trồng thủy sản; phạm vi, đối tượng của việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nghề cá Khánh Hòa.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ