Đại biểu Quốc hội: Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai và phải coi đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đó là ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường - sáng 10/6, về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, việc hình thành các tuyến đường này, không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Ttheo đại biểu Hoàng Văn Cường, các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước. Những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét. Vì vậy, không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên là khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này nó sẽ bị lãng phí.

Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Đại biểu cho rằng, khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát. Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai. Hay về phương thức đầu tư đại biểu đánh giá cao khi Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Có thêm nhiều khu đô thị, trung tâm văn hóa, trường đại học

Góp ý về nội dung phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đánh giá cao Chính phủ đã đề nghị đầu tư cho các dự án giao thông trong cả nước, đặc biệt là hai dự án đường vành đai quan trọng này.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… Vậy việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, chắc chắn, hữu hiệu. Rất mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai để triển khai.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.

Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước.

Vì vậy phải làm cho thật tốt, thật chất lượng. Trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, đại biểu xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân.

Đại biểu khẳng định, một tuyến đường được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 35 thì vẫn còn 75 nữa, hàng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả.

Đại biểu mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ