PV: Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Công nghệ dự định áp dụng tại dự án là công nghệ vận tải tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay đã được áp dụng thành công ở nhiều nước. Đối với Việt Nam, ngoài việc phân bố lại cơ cấu vận tải trên cả nước, dự án còn tạo ra sự kết nối nhanh nhất hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, qua đó góp phần hình thành nên trục đô thị và tập trung phát triển kinh tế ở dọc tuyến Bắc – Nam.
Qua công nghệ hiện đại này có thể tiết kiệm được thời gian đi lại giữa Hà Nội – TP.HCM từ 30h hiện nay xuống còn hơn 5h. Qua đó giảm tối đa chi phí, góp phần giảm tải áp lực vận tải cá nhân đường bộ, đảm bảo góp phần giảm ùn tắc giao thông. Hơn nữa, tuyến đường sắt này sẽ kết nối với phương thức vận tải nội đô, các phương thức vận tải hàng không, đường biển, tạo bức tranh vận tải đa phương thức, góp phần phát triển kinh tế và giảm tỷ lệ về tai nạn giao thông, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa vùng miền nhanh nhất và cả an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ GT- VT Hồ Nghĩa Dũng. |
PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án?
Ông Hồ Nghĩa Dũng: Báo cáo có phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính. Về hiệu quả kinh tế đơn thuần thì không cao nhưng xét về mặt kinh tế xã hội và kinh tế tài chính thì dự án có thể lấy thu bù chi, hoàn trả vốn. Yếu tố hiệu quả phải xét trên diện rộng.
Đây là dự án cực kỳ lớn, kéo dài đến năm 2035, chiếm khoảng 50% GDP/năm của đất nước, mỗi năm huy động hơn 4 tỷ USD. 10 năm đầu cần hơn 2 tỷ USD/năm. Xét về tổng thể thì đầu tư cho giao thông vận tải mới bằng 7% đầu tư xã hội mà theo kinh nghiệm quốc tế phải là 15%. Nếu thực hiện dự án đường sắt cao tốc nữa thì đầu tư cho giao thông vận tải mới lên 15%, vẫn trong giới hạn cho phép mà không ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quang Anh (ghi)