Người Hàn Quốc gọi họ là Bộ tộc Kangaroo (Kangaroo Tribe - KT), thể hiện thái độ chê trách. Một số nhà kinh tế còn nặng lời, chỉ trích KT là “căn nguyên của sự trì trệ”.
Ăn bám, ở ké
KT là cụm từ xuất hiện và phổ biến tại Hàn Quốc từ đầu thế kỷ XXI. Nó chỉ những thanh thiếu niên đã đến tuổi tự lập mà vẫn ở chung, dựa dẫm vào cha mẹ như trẻ con.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ sau 1 năm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng vọt từ 5,7% lên đến 12,2%, gấp 2,14 lần. Năm 2000, tỷ lệ này tạm giảm xuống, nhưng vẫn ở mức 8,1%. Nhiều sinh viên mới ra trường không kiếm được việc làm, phải phụ thuộc từ ăn đến ở vào cha mẹ. Xã hội Hàn Quốc ví họ với những con chuột túi không rời nổi túi mẹ, gọi là KT.
Năm 2017, Ủy ban Lao động và Thu nhập Hàn Quốc (Korean Labor & Income Panel - KLIP) tiến hành cuộc khảo sát trên 6,3 triệu thanh niên từ 20 – 34 tuổi thuộc KT. Kết quả cho thấy, có đến 56,8% chưa lập gia đình và 25% thất nghiệp.
Năm 2021, Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea) báo cáo kết quả gây chấn động hơn: 54,8% giới trẻ độc thân trong độ tuổi 30 – 40 là KT. Nói cách khác, hơn một nửa thanh – trung niên Hàn Quốc chưa lập gia đình vẫn còn “ở ké” nhà cha mẹ.
Trong các KT từ 30 - 40 tuổi, 42,1% đang thất nghiệp. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với năm 2017, gây nên lo ngại lớn. Nó khiến truyền thông xã hội Hàn Quốc đưa nhiều tin bài, ảnh, video… phản ánh thực trạng cha mẹ già vẫn phải còng lưng nuôi con trưởng thành.
Những năm gần đây, Hàn Quốc rơi vào nguy cơ suy giảm dân số do tỷ suất sinh thấp nhất thế giới. Cũng theo báo cáo từ Thống kê Hàn Quốc, 61,6% KT nữ giới không có ý định kết hôn, sinh con. Họ hài lòng với cuộc sống ăn bám ở ké mẹ cha, muốn tiếp tục duy trì.
Căn nguyên khắc nghiệt
Các nền văn hóa đồng thuận, cha mẹ chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi con đến tuổi lao động (15 tuổi). Trong thời đại giáo dục ngày nay, các bậc phụ mẫu thường nới rộng “tuổi lao động” ra tới chí ít là năm tốt nghiệp THPT, tức là từ 18 tuổi trở lên.
Nhìn chung, sau tuổi 18, thanh niên toàn cầu có 2 con đường: Học tiếp hoặc lập nghiệp. Tuy nhiên, cho dù chọn con đường nào, đa số cũng đều bắt đầu “rời tổ”, sẵn sàng cuộc sống tự lập. Muộn nhất, các thanh niên cũng chỉ “ăn bám, ở ké” đến lúc tốt nghiệp đại học. Văn hóa lối sống của Hàn Quốc không ngoại lệ. Ngay sau khi tìm kiếm được việc làm, giới trẻ thoát ly sự lệ thuộc tài chính vào cha mẹ, dọn ra ở riêng.
Từ năm 2000, tỷ lệ thất nghiệp Hàn Quốc có giảm nhưng không nhiều. Sau 2 năm 2019 – 2020 lao đao vì virus Corona, tỷ lệ này đột ngột tăng lên 9%.
“Cũng kể từ năm 2000, giá nhà đất ở các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Seoul, liên tục leo thang chóng mặt. Khi kết hợp với thị trường việc làm bất ổn, nó gây trở ngại khổng lồ lên mục tiêu ra ở riêng của những người thuộc độ tuổi 30 – 40”, Lee Chul Hee - Giáo sư Đại học Quốc gia Seoul chỉ ra.
Vì không mua hoặc thuê nổi nhà, căn hộ… giới trẻ bắt buộc phải ở ké. “Tôi đâu có nỡ bắt thằng con yêu quý của mình chịu khổ”, Lee Young Wook, 61 tuổi, chia sẻ. Con trai của Wook là Lee Jeong Kyu, 31 tuổi, chưa lấy vợ và cũng chưa có việc làm ổn định.
Nơi ở của gia đình Wook chỉ là căn hộ nhỏ, vừa đủ cho 3 người chui ra chui vào. Kyu lớn lên tại đây, xa nhà đi học và lại trở về, sống cùng cha mẹ vì thu nhập không mấy khả quan.
Đôi bên cùng có lợi
Khác với thập niên 2000, người Hàn Quốc hiện đang có cái nhìn cởi mở hơn với các KT. Thay vì xấu hổ, các bậc phụ mẫu nhận ra không gì ác nghiệt hơn là đẩy đứa con yêu quý vào vòng xoáy khủng hoảng thất nghiệp, vô gia cư. Theo Viện Giáo dục & Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc (Korea Institute of Child Care & Education), từ năm 2008, số lượng các phụ huynh sẵn sàng trợ cấp ăn ở cho con cái chưa kiếm được việc làm liên tục tăng.
“Cả tôi và vợ đều muốn làm ngọn núi vững chãi, cho phép cậu quý tử của mình có thể dựa vào” - Wook khẳng định - “Tôi sẽ không gây áp lực bắt nó phải chuyển ra ngoài, ít nhất cũng phải đến năm thằng bé 35 tuổi”.
“Mọi người nhận thức được, muốn độc lập về kinh tế trong thời đại này là rất khó khăn” - Hee giải thích - “Vì thế, thái độ kỳ thị KT đã dần hạ xuống, thay vào đó là sự thông cảm, hỗ trợ và tin tưởng”.
“Kỳ thực, hiện tượng KT không phải vấn đề thời nay ở Hàn Quốc” - Kye Bong Oh - Giáo sư Đại học Kookmin, tham gia - “Nếu nhìn lại, bạn sẽ thấy tỷ lệ người 30 – 40 tuổi sống cùng cha mẹ ở thập niên 1980 và 2010 không chênh lệch nhau nhiều lắm”.
Oh công nhận, thất nghiệp là nguyên nhân khiến KT tăng. Có điều, nó chỉ là một trong các nguyên nhân. Ngoài nó, KT còn tăng vì đạo hiếu. Ở cùng cha mẹ là lựa chọn an tâm, dễ dàng nhất cho việc chăm sóc họ.
“Cha mẹ tôi hạnh phúc vì có tôi sống cùng” - Song Jung Hyun, 36 tuổi, bộc bạch - “Vì có tuổi, họ gặp rắc rối trong việc bắt kịp nhịp sống công nghệ kỹ thuật số, ví dụ như sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện giao dịch trực tuyến… Mỗi lúc như thế, họ lại phải gọi tôi để nhờ. Cả hai người thường nói, không thể tưởng tượng nổi nếu phải sống thiếu tôi”.
Đổi lại, nhờ sống cùng cha mẹ, Hyun đỡ tất bật và tiết kiệm được nhiều tiền bạc. Vì thế mà dù đã có công việc ổn định (giáo viên THCS) và khoản tài chính kha khá, cô vẫn quyết định không ra ở riêng.
Mặc dù, 42% KT là người thất nghiệp, nhưng không đồng nghĩa với “ăn bám”. Thất nghiệp ở đây chỉ là không có công việc ổn định. Kể từ sau năm 1998, thị trường việc làm Hàn Quốc đã xuất hiện và bùng nổ công việc tự do. Nó cho phép người lao động linh hoạt và sáng tạo, đa dạng hóa nguồn thu nhập.
“Tôi cho rằng, sống cùng cha mẹ là sự sắp xếp mà đôi bên cùng có lợi”, Hyun kết luận. Trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra, KT còn giàu tiềm năng là chìa khóa giải quyết vấn đề chăm sóc người cao tuổi Hàn Quốc.