Hàn Quốc: "Đói" sinh viên do già hóa dân số

GD&TĐ - Trong thời gian gần đây, các trường đại học tại Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng chỉ tiêu tuyển sinh giảm do số người trong độ tuổi học đại học giảm mạnh.

Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi đại học vào tháng 12/2020.
Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi đại học vào tháng 12/2020.

Nhiều trường tặng quà, trao học bổng để thu hút tân sinh viên trong khi số khác buộc phải đóng cửa vì tuyển sinh không đủ.

Cách đây khoảng một thập kỷ, tình trạng “đói” sinh viên đã xuất hiện tại các trường đại học ở vùng nông thôn Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay các trường ở thành thị, nơi có mức cạnh tranh cao, cũng đối mặt với tình huống khó xử tương tự.

Theo Hội đồng Giáo dục đại học Hàn Quốc, 162 trường đại học trên toàn quốc đã không đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học 2021 – 2022, dự kiến bắt đầu vào tháng 3. Do đó, các trường đang tuyển sinh thêm hơn 26.000 suất từ những thí sinh không trúng tuyển. Lượng tuyển sinh bổ sung này cao gấp 3 lần so với năm 2020, với khoảng hơn 9.000 chỉ tiêu.

Tính theo khu vực, các trường đại học tại tỉnh Bắc Gyeongsang có số chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung cao nhất (hơn 4.300 chỉ tiêu), tiếp đến là tỉnh Busan với hơn 3.800, tỉnh Bắc Jeolla với hơn 2.500 và hơn 1.900 chỉ tiêu bổ sung tại tỉnh Nam Chungcheong.

Chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung cho các trường đại học ở thủ đô Seoul cũng tăng từ 488 vào năm 2020 lên 727 trong năm nay. Một số trường ở tỉnh Gyeonggi thậm chí không đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này là rất hiếm xảy ra vì mọi năm, các trường tại tỉnh Gyeonggi có tỷ lệ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tình hình này đã được dự đoán trước vì số lượng thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá Năng lực Đại học (CSAT) vào tháng 12/2020 thấp.

Trước tình hình ảm đạm trên, các trường đại học không đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh phải vật lộn tìm cách thu hút sinh viên như trao học bổng cam kết, tặng nhiều phần quà khác nhau. Trường Đại học Honam, thành phố Gwangju, cho biết tặng iPhone và AirPods cho sinh viên năm nhất, chưa bao gồm học bổng hoặc những quyền lợi đi kèm.

Trường Đại học Changshin, tỉnh Nam Gyeongsang, thông báo trao học bổng toàn phần cho tất cả sinh viên năm nhất. Trong khi Trường Đại học Công giáo Busan, tỉnh Bắc Gyeongsang, trao học bổng trị giá lên tới 12 triệu won (khoảng 250 triệu đồng) trong một năm, miễn phí ở ký túc xá 4 năm cho tất cả sinh viên năm nhất.

Một quan chức tại Trường Đại học Daegu Haany cho biết: “Chúng tôi thường trao một số học bổng cho sinh viên năm nhất trong mỗi học kỳ nhưng năm nay, chúng tôi tăng thêm nhiều phần quà do lo ngại tình trạng thiếu sinh viên. Số lượng sinh viên đến từ các tỉnh khác ứng tuyển vào trường đã sụt giảm mạnh vì năm 2020 chúng tôi không thể tổ chức các hoạt động quảng cáo trường do dịch Covid-19”.

Nhiều trường đại học dự kiến phải đóng cửa vì số lượng sinh viên giảm, trong khi nhà trường không có đủ biện pháp đối phó với tình hình này. Trường Đại học Ngoại ngữ Kyungbuk đã tuyên bố đóng cửa, thanh lý toàn bộ tài sản. 17 trường đại học khác cũng đóng cửa kể từ năm 2000.

Do quá trình đóng cửa tiến hành chậm chạp, các khoản lương chưa thanh toán cho giảng viên đại học đã vượt quá 47 tỷ won. Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo sẽ nghiên cứu chính sách để đưa ra biện pháp giải quyết những vấn đề tồn đọng. Bộ dự kiến sẽ giúp các trường nhanh chóng hoàn tất thủ tục đóng cửa hoặc sáp nhập các trường không đạt đủ chỉ tiêu.

Một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết: “Bộ khuyến khích các trường đại học tự nguyện giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, Bộ vẫn tiếp tục đánh giá hoạt động của các trường và tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ”.

Theo Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.