Với Hà Nội và TPHCM, Bộ này yêu cầu đẩy nhanh việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành.
Bộ muốn nhanh nhưng luật chưa cho phép
Thực tế, mục tiêu loại bỏ xe quá đát, xe thô sơ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM không có gì mới. Bởi tại TPHCM ngay từ năm 2013, TP đã ban hành quyết định cấm xe cơ giới, xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm. Hạn chế lưu thông trên 41 tuyến đường khác. Việc này nhằm dần hạn chế xe quá đát, không bảo đảm an toàn.
TPHCM cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng loại phương tiện xe 3 - 4 bánh thô sơ, tự chế. Tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm sau thời điểm hỗ trợ nhằm thu hồi dần.
Theo thống kê, hiện toàn TPHCM có gần 7,5 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Trong đó, số xe cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải chiếm khoảng 5%. Từ năm 2013 đến nay, đã thu hồi, tiêu hủy gần 29 nghìn xe 3, 4 bánh tự chế. Đã chi 160 tỉ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Riêng về số lượng xe máy cũ nát bị thu hồi chưa thể thống kê được vì còn vướng nhiều điều luật.
Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn luật sư TPHCM, cái khó của việc thực hiện thu hồi xe cũ nát hiện nay là vướng đến Quyền sở hữu tài sản của người dân. Việc thu hồi xe quá đát, hết hạn sử dụng là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần áp dụng theo đúng nghĩa là thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm môi trường để xử lý, không phải là tịch thu tài sản.
“Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 95/2009/NĐ-CP thì niên hạn sử dụng của xe ô tô là thời gian cho phép sử dụng của xe ô tô. Tại Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP, quy định về niên hạn sử dụng của xe ô tô như sau: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng. Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người. Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1/1/2002.
Hiện, chúng ta chưa có quy định về niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy các loại. Vì vậy, việc thu hồi tài sản của người dân (xe máy cũ nát) trong trường hợp buộc phải thu hồi chỉ có thể áp dụng ở Luật tài nguyên Môi trường với quy định hàm lượng khí thải cao vượt mức cho phép” - Luật sư Thường nói.
Thực tế, TPHCM từng được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm đề án kiểm soát khí thải xe máy và Sở GTVT TP đã xây dựng đề án. Tuy nhiên, đề án này đang tạm dừng để chờ hướng dẫn từ Bộ GTVT mới triển khai chi tiết cụ thể. Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP, đa số người sử dụng những loại phương tiện này đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, để thực hiện đề án cần có lộ trình và đầu tiên là cần có cơ sở pháp lý vững chắc. Đặc biệt là cần tính toán việc thu hồi ra sao để cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng.
Sẽ có lộ trình chứ không gấp rút thực hiện
Cuối tháng 11/2020, Sở GTVT TPHCM cũng có báo cáo và đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn. Theo đó, kiến nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tịch thu phương tiện bán phế liệu, sung vào công quỹ. Đình chỉ các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện này. Nếu cố tình vi phạm thì tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó.
Về lâu dài, kiến nghị giao cho Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan. Thực hiện lập đề án kiểm soát và tiến tới chấm dứt hoạt động đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh vào năm 2021. TPHCM có lộ trình cho việc dẹp bỏ xe thô sơ 3 - 4 bánh, xe tự chế rõ ràng. Riêng xe máy cũ nát vẫn chỉ ở mức khuyến khích người dân.
Theo một số chuyên gia, việc thu hồi các phương tiện cũ, lạc hậu là cần thiết. Tuy nhiên, trong khi ô tô phải đăng kiểm định kỳ và có tiêu chuẩn về khí thải, thì chưa có hệ thống quy chuẩn để xác định mức phát thải của xe máy. Chính điều này khiến bài toán thu hồi xe máy cũ nát tại các đô thị lớn mãi loay hoay.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc thu hồi xe cũ của người dân không đơn giản. Bởi đó là tài sản của người dân. Chính quyền không thể nói thu là thu. Cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ.
Để tháo gỡ những vướng mắc về luật, ông Phương cho rằng Việt Nam cần kiểm soát xe cũ nát, lạc hậu thông qua kiểm kê khí thải. Nghĩa là đo lượng khí thải ra của xe. Nếu dưới mốc nhất định sẽ được lưu hành, còn trên mốc thì không cho phép lưu hành. Tất nhiên, việc triển khai này cần có lộ trình rõ ràng, thống nhất của ba bên liên quan. Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ, thực hiện việc kiểm soát.
Thực tế, chủ trương thu hồi xe cũ nát được chính những người đang sử dụng cũng đồng tình. Anh Nguyễn Hải Trung - người làm nghề giao cơm cho một quán ăn chia sẻ bản thân anh cũng không muốn sử dụng chiếc xe “không giấy tờ, không đèn, không nhãn mác”. Nhưng vì công việc hàng ngày là đi giao cơm đang cần nên anh cũng phải dùng.
“Việc thu hồi xe cũ nát là điều cần làm để bảo đảm an toàn lưu thông và giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng cần có chính sách khuyến khích, thu mua, đổi xe cho người dân thì việc thực hiện sẽ hiệu quả hơn”- anh Trung nói.